Dân mình vẫn còn... yêu thơ lắm

Bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' của tác giả Tòng Văn Hân vừa đoạt giải B (giải cao nhất tại cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ) lập tức gây cuộc tranh luận nảy lửa không chỉ trên văn đàn mà còn giữa những người xưa nay vốn... chẳng mấy quan tâm đến thơ phú.

Ảnh minh họa

Một số người cho rằng đó là bài thơ trần thuật "có ý nghĩa" với ngôn ngữ chất phác, chữ nghĩa giản dị, ngắn gọn đúng với chất của một tác giả người miền núi. Nhiều người khác cho rằng, bài thơ quá kém về nghệ thuật, thậm chí không phải là... thơ, nội dung tư tưởng không phù hợp với văn hóa người Việt nên không xứng đáng đoạt giải cao.

Dân mình vẫn còn... yêu thơ lắm (Ảnh nguồn Internet)

Có người còn hoài nghi khi cho rằng tứ thơ nhang nhác một số thơ ca mà họ từng gặp đâu đó trong kho tàng văn chương thế giới. Hay nói thẳng ra, dường như tác giả "đạo" ý tưởng chứ không phải sáng tạo trên chất liệu thực tiễn mà tác giả cảm thụ được trong cuộc sống thường ngày.

Đọc đi đọc lại bài thơ, cảm giác đầu tiên là ý tứ của nó khá lạ - "chửi kẻ trộm" nhưng lại chỉ toàn mong cho những kẻ trộm cắp ấy có được cuộc sống đầy đủ, để không phải làm cái việc bất lương như vậy. Có lẽ đó chính là điểm nhấn để bài thơ có thể tạo "ấn tượng mạnh", giúp nó đoạt giải cao. Nhưng ngôn ngữ được sử dụng để chuyển tải nội dung quả không tương xứng. Đành rằng đó là tác phẩm của một người sống ở miền núi, nói về câu chuyện ở một vùng xa xôi hẻo lánh nào đó, nhưng một khi đã khoác lên mình "chiếc áo" là bài thơ - dù là thơ tự do thì hẳn không ai tìm thấy chất thơ trong đó. Nó quá thô mộc, trần trụi, theo nhận xét của không ít người đến mức ngô nghê, thô thiển.

Ngôn ngữ thơ, tư duy thơ có những đặc điểm riêng biệt, không giống với các thể loại văn học khác, càng không thể đánh đồng với ngôn ngữ và tư duy đời thường. Nếu chỉ bê nguyên xi những ngôn ngữ của đời thường vào để sắp đặt một cách đơn giản, không sử dụng các thủ pháp nghệ thuật, cũng không được đặt vào mạch tư duy trừu tượng, gợi nên những cảm xúc thẩm mỹ thì khó có thể coi đó là một bài thơ đúng nghĩa.

Được biết có tới hàng chục nghìn bài thơ được gửi về dự thi, việc chọn "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" cùng một tác phẩm lục bát đồng giải B hẳn có lý do từ tập thể Ban giám khảo với cách nhìn nhận, đánh giá cũng như so sánh với mặt bằng chung của cuộc thi. Tuy nhiên, theo một số nhà phê bình, nếu chọn bài thơ như vậy để trao giải cao nhất thì hoặc là chất lượng cuộc thi không cao, hoặc nền thơ ca Việt Nam đang ở giai đoạn thoái trào với mức chạm đáy. Và nếu nhìn nhận thực tế đó thì có thể thấy những tranh luận đang nổ ra trong dư luận là điều dễ hiểu.

Dẫu sao qua câu chuyện này cũng có điều đáng mừng là trên thực tế thơ ca vẫn có một vị trí xứng đáng và công chúng vẫn còn quan tâm đến thi ca, văn học, chứ không phải "không còn ai đoái hoài" như nhiều người vẫn tưởng.

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dan-minh-van-con-yeu-tho-lam-20210415085959329.htm