Dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mai

Ngày 31/3, các bậc cao niên của làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tề tựu về lăng Ông Ngư để chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư theo tục lệ truyền thống của dân làng vào sáng mai (1/4) tức 16/2 âm lịch

Lăng Cá Ông làng Nam Ô còn trơ lại giữa những đổ nát sau khi làng giải tỏa nhường đất cho dự án. Ảnh Nguyễn Thành

Theo ngư dân truyền lại, lăng Ông Ngư được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802). Lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè; đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương, từ đó đến nay lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m ở khu vực tổ 35 phường Hòa Hiệp Nam. Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng. Trong khuôn viên của lăng hiện đang có một ngôi mộ cá Ông mới được an táng.

Bậc cao niên làng Nam Ô kể về tục thờ cá Ông.

Những bộ hài cốt xương cá ông được thờ trong lăng. Theo tục lệ, cá Ông (cá voi) sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai táng và sau 3 năm sẽ bốc cốt cá Ông đưa vào lăng Ông để thờ cúng. Ảnh Nguyễn Thành

Ông Huỳnh Văn Thắng (75 tuổi, Trưởng ban nghi lễ làng Nam Ô,) cho biết: Lăng Ông Ngư làng Nam Ô là công trình tín ngưỡng thiêng liêng của người dân trong vùng. Lễ hội cầu ngư là niềm mong ước, là khát vọng của người dân được thần Nam Hải che chở. Đó là sự tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây được truyền qua bao thế hệ.

Ông Huỳnh Văn Thắng kể lại chuyện lăng Cá Ông, chuyện làng Nam Ô xưa - Ảnh Nguyễn Thành

Làng Nam Ô nay đã giải tỏa, nhường đất cho dự án Khu du lịch sinh thái, ông Thắng chia sẻ: Vì chủ trương chung, vì sự phát triển của thành phố người dân đã nhường đất, di dời đi nơi khác nhưng vẫn khắc khoải nhớ về chốn cũ, truyền thống của cha ông. Và dân làng vẫn giữ nguyên nghi lễ bao đời nay, không thể bỏ.

“Dân làng mong muốn, những công trình thờ tự linh thiêng của làng chài Nam Ô sẽ giữ nguyên vị trí cũ, tôn tạo chứ không di dời đi đâu hết. Mỗi lăng, miếu đều được xây dựng dựa vào phong thủy và tín ngưỡng của dân làng. Tất cả cần trân trọng, giữ gìn và phát huy”, ông Thắng cho biết.

Lễ cúng lăng Cá Ông đã được chuẩn bị

Tô vẽ lại bức tranh nơi bàn thờ linh thiêng.

Dòng chữ khắc từ thời vua Tự Đức tại lăng Cá Ông

Người dân làng Nam Ô đóng góp để có kinh phí tổ chức lễ hội. Trong ảnh, một ông cụ là người dân cũ của làng Nam Ô nay đã chuyển chỗ ở và đi bán vé số cũng quay lại làng góp chút tiền ít ỏi cúng làng.

Dù làng đã giải tỏa, nhưng dân làng vẫn chuẩn bị lễ cúng tươm tất theo tục lệ truyền thống

Dinh Âm hồn bên cạnh lăng Ông. Theo các bô lão trong làng thì có 2 sự kiện lịch sử đáng chú ý hình thành nên di tích Dinh Âm hồn: Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Thời vua Thành Thái (1889- 1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885. Dinh Âm hồn của làng theo đó được tôn tạo

- Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dan-nam-o-chuan-bi-le-cau-ngu-vao-sang-mai-1256514.tpo