Dân nghèo mòn mỏi chờ đường

Hàng nghìn người dân xã nghèo Khánh Hòa (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đang hàng ngày phải 'vật lộn' trên con đường cũ nát. Dự án có chủ trương xây dựng hơn 10 năm qua, đến nay vẫn chưa thực hiện, người dân từng ngày khắc khoải đợi chờ.

Bà Thụi đang san lấp vũng nước trước nhà. Ảnh: BB

Bà Thụi đang san lấp vũng nước trước nhà. Ảnh: BB

Con đường khổ ải

Theo ghi nhận của PV, tuyến đường đi qua 5 thôn (Làng Nộc, Làng Khương, Khe Pắng, Làng Chạp và Kim Long) xã Khánh Hòa, có điểm đầu nối từ Quốc lộ 70 đến điểm cuối thôn Kim Long, đây là tuyến đường huyết mạch trong giao thương, đi lại của hàng trăm hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu.

Tuyến đường dài khoảng 10km, rộng khoảng 5m, không có rãnh thoát nước hai bên, lớp mặt đường lâu ngày không được sửa chữa nên cũ nát bong chóc, lởm chởm toàn đá; đoạn thì lồi lõm, nhấp nhô, ổ “voi”, ổ “gà”; đoạn thì sống “trâu” hay hố sâu; nhiều đoạn dốc cao mưa xói mòn trôi hết lớp đất mặt trơ lại nền đường là những tảng đá to trơn trượt. Phương tiện lưu thông được qua đây chỉ có xe tải (loại xe 2 cầu) và xe máy, ngày nắng đã khó đi còn ngày mưa thì khó hơn bội phần.

Anh Nông Mạnh Linh, thôn Làng Nộc cho biết, con đường này xuống cấp từ lâu, vì là đường đất, chưa một lần được làm mới nên mỗi năm mưa lũ làm hỏng một ít, đến bây giờ quá tồi tệ. Ngày nắng thì bụi bặm, mưa thì ngập úng, trơn trợt, nhiều chỗ tạo thành hố sâu hoắm, bùn đất dính nhơm nhớp bám vào bánh xe, ai khỏe còn đi được, phụ nữ chân yếu tay mềm đi lại rất khó khăn. Khổ nhất là các cháu học sinh, có hôm đi giữa đường bị ngã ướt hết lại phải nghỉ học về thay quần áo, cháu lớn có thể túc tắc tự đi được, cháu bé thì bố mẹ hàng ngày phải đưa đón.

Bà Trương Thị Thụi, thôn Làng Khương chán nản cho biết, “nhà tôi gần đường nên thường xuyên chứng kiến nhiều người ngã, trước cửa nhà lúc nào cũng có vũng nước sâu như cái mương giữa đường, nhiều hôm mưa to, nước đọng tạo thành cái ao nhỏ, tôi lại mang cuốc, xẻng ra san lấp để giúp người dân đi lại đỡ vất vả hơn. Tuy cách trung tâm xã chỉ 3km, vậy mà mỗi lần có việc đi lại mất rất nhiều thời gian, hôm trời mưa đi lại quá vất vả, chính tôi nhiều lần bị ngã xe máy ướt hết quần áo”.

Còn theo cánh lái xe tải chở hàng, thì đoạn đường không dài lắm nhưng mất khá nhiều thời gian mỗi khi di chuyển qua đây, mặt đường nhấp nhô, nhiều sống “trâu” có đoạn lởm chởm toàn đá, ngại nhất là đoạn dốc nhưng mặt đường không có, chỉ còn nền đường là những phản đá to trơn trượt, mỗi khi chở hàng qua đây, các anh chỉ lo xe bị hỏng giữa đường.

Khổ nhất có lẽ là bà con thôn Kim Long (thôn xa nhất), cách trung tâm xã Khánh Hòa khoảng 10km, hiện thôn có hơn 100 hộ chủ yếu là hộ nghèo, thu nhập chính từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, sản phẩm làm ra bán với giá rẻ bèo, âu cũng chỉ vì đường xá đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao, tư thương ép giá.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Hoàng Minh Hiếu, Trưởng thôn Kim Long cho biết, với quãng đường từ thôn ra trung tâm xã, nếu đường xá đi lại thuận lợi thì thuê một chuyến ô tô chở ngô cũng chỉ mất khoảng 200 nghìn đồng tiền cước, vậy mà bà con trong thôn phải thuê với giá 1 triệu đồng (gấp 5 lần bình thường).

Vừa qua, gia đình ông bán con lợn khoảng 130kg chỉ được giá 46 nghìn đồng/kg, trong khi đó, nếu bán ngoài trung tâm xã thì được 70 nghìn đồng/kg, biết là thiệt thòi nhưng cũng phải chịu vì thương lái họ cũng vất vả mới vận chuyển ra ngoài được. “Ái ngại nhất là việc đi lại của học sinh, bây giờ còn có chế độ ở bán trú, sau này hết chế độ thì các cháu hàng ngày phải đi lại trên con đường này bằng cách nào, chưa kể đột xuất có người ốm đau, cấp cứu”, ông Hiếu thông tin.

Khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ. Ảnh: BB

Hơn 10 năm chờ đợi

Anh Linh cho biết thêm, dân ở đây khổ lâu quá rồi, trước đây (năm 2004) nghe nói có chủ trương xây dựng tuyến đường Khánh Hòa - Văn Yên, vậy mà hơn 10 năm rồi chính quyền hứa hết lần này đến lần khác vẫn chưa thấy thực hiện, dự án cứ để treo mãi, người dân muốn làm tuyến đường bê tông nông thôn cũng không được vì dự án chồng chéo.

Theo ông Hiếu, họp thôn lần nào nhân dân cũng bức xúc vì tuyến đường xuống cấp, ai cũng mong muốn Nhà nước sớm xây dựng tuyến đường cho nhân dân đi lại đỡ vất vả, bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, đến vụ thu hoạch cây ngô, cây sắn, quả cam hoặc chăn nuôi con gà, con lợn khi bán đều thấp hơn thị trường mấy giá nên rất thiệt thòi. Nhiều gia đình muốn vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng sản xuất với hi vọng xóa đói giảm nghèo nhưng cũng đắn đo vì khó khăn trong việc vận chuyển tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, Hoàng Minh Trưởng cho biết, từ nhiều năm nay, các cuộc họp HĐND xã, họp với tổ HĐND thôn hay những lần tiếp xúc cử tri, ý kiến phản ánh của nhân dân về con đường đều được đưa lên hàng đầu nghị trường, xã đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản nhưng vẫn chưa thấy cấp trên triển khai dự án.

Năm nào cũng có 1 đến 2 đoàn cán bộ của tỉnh xuống đo đạc, khảo sát, cắm mốc, mỗi lần như vậy bà con rất phấn khởi mong chờ, xong rồi chờ mãi chẳng thấy đâu, nhiều lần như vậy bà con mất dần niềm tin không biết khi nào mới có con đường mới.

Được biết, tỉnh Yên Bái đã có chủ trương thực hiện dự án Khánh Hòa - Văn Yên, dự án có chiều dài khoảng 30km đi qua xã Khánh Hòa nối với đường xã Lâm Giang, An Bình, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên). Dự án khi đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, đồng thời sẽ là tuyến đường quan trọng kết nối huyện Lục Yên, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) với huyện Văn Yên và Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Báo Thanh tra tiếp tục thông tin vấn đề này.

Bùi Bình

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/dan-ngheo-mon-moi-cho-duong_t114c1146n161723