Đàn ông Tây tan sở cắm đầu cắm cổ về nhà, đàn ông Việt la cà trà đá, bia rượu đến khuya mới chịu về

Nếu như đàn ông Tây tan sở cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, thì đàn ông Việt sau giờ làm phải la cà trà đá, rượu bia đến khuya lắt khuya lơ mới về nhà.

Alex một doanh nhân người Australia thường xuyên sang Việt Nam công tác cho biết, không phải lần đầu mà hầu như lần nào đến TP HCM, ông cũng thấy cảnh những người đàn ông bù khú nhậu nhẹt với nhau, bất kể là giờ nào.

Ông Alex kể: "Có hôm nhìn đồng hồ đã 6h chiều, lúc này là lúc cần ở nhà để xem có phụ giúp được gì cho vợ con không. Nếu vợ có con nhỏ thì mình nên giúp nhiều hơn, tại sao họ lại rảnh rỗi ngồi nhậu với nhau như vậy?".

Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam, do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó, trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất.

Người Việt tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia, và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể phí tổn thất điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra.

Ảnh minh họa.

Henry (người Pháp) sau gần một năm định cư ở Bà Rịa - Vũng Tàu kể, cho đến giờ anh vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao đàn ông Việt lại thích "ngồi đồng" nơi này nơi kia, hơn là về tổ ấm. Hiện là giám đốc một resort có tiếng ở Long Hải, Henry cho biết, bản thân anh vì công việc nên cũng thường xuyên đi gặp đối tác ăn uống xã giao, nhưng luôn ý thức vợ con đang chờ ở nhà, nên anh luôn cố gắng về sớm và phụ vợ một số việc lặt vặt trong nhà.

"Tôi thắc mắc thì nhiều người bảo ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Trong khi phụ nữ có nhiệm vụ lo cho gia đình, con cái thì người chồng chỉ lo kiếm tiền. Nhiều ông còn viện cớ đi nhậu để xã giao làm ăn đến đêm mới về, vợ mà hỏi thì bị chửi, thậm chí còn bị đánh", Henry (37 tuổi) tròn mắt nói.

Chàng giám đốc 37 tuổi này cũng cho biết, anh có một số bạn nữ là người Việt Nam, hiện đã có chồng và con. Mặc dù các cô ấy lúc nào cũng hết mực chăm lo, hy sinh cho chồng con, nhưng gia đình cũng vẫn không mấy hạnh phúc.

"Tôi thấy người đàn ông nào lấy được họ thì thật là có phước vậy mà cô bạn vẫn phàn nàn chồng chẳng mấy khi có mặt ở nhà, mà có về nhà cũng chỉ lăn ra ngủ, chẳng bao giờ quét nhà hay rửa chén phụ vợ. Chẳng lẽ trong mắt họ, gia đình là của riêng phụ nữ?", anh Henry băn khoăn.

Được mệnh danh là "thành phố không ngủ", Sài Gòn ban ngày đường xá đông nghẹt người, nên đến đêm là lúc các quán nhậu làm ăn tấp nập nhất. "Ngồi đồng" ở quán nhậu, đa phần là cánh mày râu. Chỉ cần vài con mực khô làm "mồi" là các ông có thể tha hồ "chén chú chén anh" đến khuya lắc khuya lơ mới chịu về với vợ con.

Cảnh tượng sau giờ tan tầm tại một quán nhậu trên phố Sơn Tây (Hà Nội) chiều 13/8. Trong quán chỉ toàn đàn ông. Ảnh: Phan Dương.

Ở Hà Nội, cảnh tượng đàn ông đầy ắp các quán nước, quán nhậu sau giờ tan tầm cũng quá quen thuộc. Trong các quán, bàn ghế đã bày la liệt, và dù chưa tới giờ tan tầm nhưng hơn hai chục người đàn ông sơ vin chỉnh tề đã ngồi chúc tụng nhau. Trên mỗi bàn, 5, 7 cốc bia, đĩa lạc rang, mực nướng đã vơi quá nửa.

Từ 5h chiều trở đi, đàn ông đến quán càng đông hơn. Bước vào quán, trên tay mỗi người đều xách một chiếc cặp, nhiều người vẫn còn đeo thẻ nhân viên. Khi có chút hơi men, câu chuyện của họ càng trở nên rôm rả. Họ cởi mở cả những chuyện bồ bịch, giường chiếu.

Trên một số báo "Tuổi trẻ Chủ nhật", tác giả Danh Gia đã đưa ra một vài nhận định nhỏ về đàn ông phương Tây, cũng là bức tranh đối lập với đàn ông Việt, như sau:

"Đàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.

Không tin, nếu có dịp đi Tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị trường đích thực. Chớ tưởng dân đi chơi tối giữa Paris, Luân Đôn…là người bản xứ. Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của 'thế giới về đêm', người lao động lĩnh lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi đến quán xá vào những tối trong tuần.

Khi người ta phải đóng thuế thu nhập giá chót cũng 30%, khi người ta ở nhà thuê hay mua trả góp mỗi tháng cũng phải đóng từ 1/3 đến 1/5 lương cho tiền nhà, khi người ta sắm cái xe hơi, cái máy giặt, cái máy sấy khô quần áo…sao cho cuộc sống gia đình tiện nghi hơn, để rồi cuối tháng bị ngân hàng tự động trừ nợ, người ta mới không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng suất, mất óc sáng tạo dễ có ngày thất nghiệp".

Thu Huyền

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/dan-ong-tay-tan-so-cam-dau-cam-co-ve-nha-dan-ong-viet-la-ca-tra-da-bia-ruou-den-khuya-moi-chiu-ve-73261.html