Đan Phượng: Cụm công nghiệp hoạt động ổn định, tạo nguồn thu ngân sách bền vững

Huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các cụm điểm công nghiệp, làng nghề, tạo mặt bằng thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đánh giá của UBND huyện Đan Phượng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, kinh tế của huyện Đan Phượng đã có bước phát triển vượt bậc. Trong 15 năm qua, kinh tế của huyện phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ vững nhịp độ tăng trưởng khả. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008 - 2010 đạt 13,72%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10,26%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,63%.

Khởi công xây dựng mở rộng cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2).

Đáng chú ý, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2008 - 2010 là 14,9%, giai đoạn 2011 - 2015 là 8,21%, giai đoạn 2016 - 2020 là 9,59%, năm 2022 là 12,31%.

Năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế. Kinh tế huyện tiếp tục được duy trì và có chuyển biến tích cực; tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 2010) ước thực hiện 19.150 tỷ đồng, đạt 100,06% kế hoạch, tăng 12,05% so với năm 2022. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 11,68%; dịch vụ - thương mại tăng 13,81%; nông nghiệp - thủy sản tăng 1,51%.

Thời gian qua, huyện Đan Phượng rất quan tâm đầu tư xây dựng các cụm điểm công nghiệp, làng nghề, tạo mặt bằng thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, giai đoạn 2008 - 2015, trên địa bàn huyện hoàn thành xây dựng hạ tầng 5 điểm công nghiệp thu hút hơn 543 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Huyện chú trọng phát triển làng nghề và hoạt động khuyến công với 7 làng nghề tại các xã, trong đó có 3 làng nghề tập trung tại các xã Đan Phượng, Liên Hà, Liên Trung.

Công nhân vận hành trong phân xưởng sản xuất của Công ty CP Thiết bị điện MBT, điểm công nghiệp Sông Cùng, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng . Ảnh: Khắc Kiên

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề Liên Hà, Liên Trung; hoàn thành và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Hồ Điền, xã Liên Trung; tích cực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xã Song Phượng, Hồng Hà, khởi công xây dựng mở rộng cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2) năm 2021…

Trong năm 2023, huyện Đan Phượng đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện Đan Phượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2). Hiện nay, đang triển khai các bước chuẩn bị tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Song Phượng, đồng thời tiếp tục chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp Hồng Hà.

Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý giảm ô nhiễm môi trường từ nước thải, rác thải, khói bụi, tiếng ồn và phòng chống cháy nổ trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề cũng được huyện quan tâm chú trọng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động. Đặc biệt tạo nguồn thu ngân sách lâu dài, bền vững.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dan-phuong-cum-cong-nghiep-hoat-dong-on-dinh-tao-nguon-thu-ngan-sach-ben-vung.html