Dân số Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

Cả nước hiện có hơn 96,2 triệu người. Đến năm 2029 sẽ tăng lên 105 triệu người và đến năm 2034, Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ dân số vàng bởi có khoảng 15% dân số trên 65 tuổi.

Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành hướng dẫn sản phụ mới sinh cách cho trẻ bú sữa mẹ. Ảnh: H.Dung

Đó là dự báo được Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) đưa ra tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 mới đây. Qua đó, cho thấy dân số Việt Nam đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

* Quá trình già hóa dân số nhanh

Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Nguyễn Đình Cử cho biết, cơ cấu dân số vàng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2007. Tức là tỷ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi nhỏ hơn 30% tổng dân số và số người trên 65 tuổi nhỏ hơn 15%. Dân số già diễn ra khi số người trên 65 tuổi chiếm hơn 15%.

Những năm qua, nhắc đến công tác dân số là nhắc đến việc giảm sinh và kế hoạch hóa gia đình. Cách nghĩ này đã ăn sâu vào nhiều gia đình, nhiều thế hệ dẫn đến tỷ lệ sinh giảm và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước. Nếu như cách đây 40 năm, tỷ lệ sinh thay thế của Việt Nam là 3,5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2019 chỉ còn 2,09 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, số lượng người già tăng cao (cả nước hiện có 11,4 triệu người trên 60 tuổi) dẫn đến tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam khá nhanh.

Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12-2020 có chủ đề: Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đây là một trong 8 mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các mục tiêu cụ thể gồm: tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm; chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu Đông Nam Á.

Các chuyên gia nhận định, nếu không có những giải pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, quy mô dân số già sẽ ảnh hưởng đến lực lượng và chất lượng nguồn lao động. Mặt khác, khi mỗi gia đình chỉ có ít con mà phải chăm sóc nhiều người già, tỷ lệ người già sống bằng các nguồn lực an sinh xã hội không nhiều sẽ tạo áp lực không nhỏ lên bản thân mỗi gia đình và toàn xã hội.

Tại Đồng Nai, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 3,2 triệu người. Mức sinh thay thế đạt 1,9 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là một trong số những địa phương có mức sinh thấp (mức sinh thay thế đạt chuẩn là 2,1 con/phụ nữ).

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 28 vạn người cao tuổi cũng đặt ra áp lực khá lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đó là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; các hoạt động an sinh xã hội, vui chơi giải trí, chăm sóc người cao tuổi ở địa phương và những cơ sở chăm sóc tập trung…

BS CKII Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho hay, bài học kinh nghiệm ở các quốc gia như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, khi mức sinh có xu hướng giảm cần sớm có các biện pháp can thiệp phù hợp, không để mức sinh xuống quá thấp. Bởi khi đó, việc can thiệp sẽ tốn rất nhiều kinh phí mà hiệu quả không cao.

* Mất cân bằng giới tính ở mức cao

Cũng theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2034, cả nước sẽ có khoảng 1,5 triệu nam giới không được kết hôn do thiếu nữ.

Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 của cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái. Số liệu này cho thấy mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang ở mức rất cao, bởi tỷ số giới tính khi sinh theo tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái. Tại Đồng Nai, mặc dù tỷ lệ bé trai/bé gái giảm so với tỷ lệ chung của cả nước là 107-109 bé trai/100 bé gái, song theo dự báo, tỷ lệ bé trai có thể tăng lên trong những năm tới.

Ông Nguyễn Đình Cử cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bé trai/bé gái tăng cao ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong đó phải kể đến tâm lý còn trọng con trai ở nhiều cặp vợ chồng. Ngoài ra, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy có sự can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh. Do đó, cần có khung pháp lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi, nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh về với mức tự nhiên.

Để hạn chế tình trạng dân số già, ông Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh, Nhà nước cần sớm xây dựng chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và tạo điều kiện tốt để họ nuôi dạy con. Bởi thống kê cho thấy, mức sinh thấp hiện nay diễn ra ở các tỉnh Đông Nam bộ, đặc biệt là khu vực thành thị. Nhiều cặp vợ chồng e ngại sinh thêm con vì chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ như: ăn ở, giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí… hiện nay khá cao.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202012/nhan-ngay-dan-so-viet-nam-26-12-dan-so-viet-nam-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-3036539/