Dân ta có cần một ngày Tết đọc sách?

- Nếu có ngày đọc sách, ta sẽ làm gì? Tôi thì cứ băn khoăn rằng làm gì thì làm, điều quan trọng nhất là đừng để những việc làm ấy nhiễm thái độ trình diễn. Nếu đọc và học mà nhiễm thái độ ấy thì chả còn hy vọng gì nữa.

> Sách Việt Nam: "nàng công chúa ếch"? Với hơn 4 triệu bản sách được bán ra và 700.000 lượt người tham quan, mùa sách tại Hội sách TP.HCM vừa kết thúc, đã có những lạc quan rằng người dân đã đọc nhiều sách hơn, văn hóa đọc đã tốt hơn, thậm chí có ý tưởng vận động một ngày Tết đọc sách. VietNamNet ghi nhận ý kiến của một số trí thức xung quanh vấn đề này. Mới bảo hiểm cái đầu, chưa nâng chất xám GS Phong Lê: Nhìn vào sự phát triển của thế giới sách hôm nay, soi vào quan hệ cung cầu, tôi thấy có những hiện tượng bất ổn. Số lượng ấn hành trung bình cho mỗi tựa sách phần lớn chỉ từ một đến hai nghìn bản trên tỷ lệ 85 triệu dân là quá ít ỏi, nhưng sao vẫn khó bán? Sự quảng bá cho sách trên các phương tiện thông tin là quá yếu, không thấm gì so với lượng sách in ra, và chắc chắn bỏ sót rất nhiều sách hay, sách cần, sách quý. Người đọc, số đông vẫn còn thờ ơ với sách. Người ta dường như chưa được biết nhiều đến hiệu quả của một cách tự học bằng đọc sách kiến thức nền. Sách chưa được sử dụng tối đa với đúng nghĩa "nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn và bồi đắp tri thức". So với người đọc ở nước ngoài, người đọc ở ta chuộng đọc báo hơn là đọc sách. Mà sách thì mới thực sự là thước đo dân trí. Một số hiện tượng trên có lẽ là chưa đủ nói những hạn chế hoặc bất cập trong thế giới sách hiện nay. Và nếu là đúng, hoặc có phần đúng, thì chúng ta đang đứng trước một lãng phí lớn: nếu sách in ra mà không được đọc, hoặc đọc được rất ít; nếu sách vì lý do gì đó mà không đến được với người đọc đích thực; nếu người đọc thuộc số đông muốn đọc mà không có điều kiện mua, hoặc không đủ tiền mua... Tình hình trên rõ ràng là không thuận, thậm chí là khó chấp nhận đối với việc chúng ta đang quyết tâm xây dựng một xã hội học tập, một nền kinh tế tri thức như cuộc sống đòi hỏi. Nếu việc bảo vệ cái đầu trong giao thông đã được thực hiện bởi việc nhất loạt đội mũ bảo hiểm, thì việc trau dồi, nâng cao hàm lượng chất xám cho cái đầu rất cần một sự quan tâm đến sách. PGS.TS Trần Hữu Tá: Nhân dân ta bây giờ có còn ham đọc sách? Câu hỏi này có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan mật thiết đến khả năng dân tộc ta sẽ phát triển nhanh chóng hay tiếp tục lẽo đẽo tụt hậu so với thế giới. Sẽ có lời đáp đầy lạc quan nếu căn cứ vào sự đua nhau xin thành lập nhà xuất bản, đến hiện tượng các công ty văn hóa tư nhân "chạy" mua giấy phép ở các nhà xuất bản, hoặc vào các siêu thị sách hoành tráng sẽ ngợp người trước tầng tầng lớp lớp sách cổ kim đông tây. Ngược lại, cũng sẽ rất băn khoăn trước những tín hiệu chẳng tốt lành gì: bình quân mỗi đầu người chỉ có hơn 2 cuốn sách (số liệu năm 2009: 200 triệu bản sách cho non 90 triệu dân). Cái này phải giữ bí mật, chứ thế giới mà họ biết thì chẳng ra làm sao cả! Hệ thống thư viện, nhà văn hóa ở các địa phương chẳng là gì cả so với rừng quán nhậu, nhà hàng, khách sạn. Mấy phút giới thiệu sách mới trên một đài truyền hình lớn giờ đây khiêm tốn lùi mãi giờ phát đến gần nửa đêm, chắc để khuyến khích bà con rèn luyện đức tính thức khuya dậy sớm! Giữa hai khả năng trên, cá nhân tôi nghiêng về lời đáp thứ hai, căn cứ vào sự nhận biết có thể phiến diện của bản thân: về nông thôn, tôi ít khi gặp sách ở nhà bà con, người nghèo lẫn người khá giả. Còn công nhân thì làm sao có thể mua sách khi lương chỉ đủ hai bữa rau mắm và chỉ để dành được khoản tiền quá ít ỏi gửi về gia đình ở quê. Làm sao có thời giờ đọc sách khi nhiều nơi làm việc đến 10 -12 giờ/ngày, và có nơi muốn ra nhà vệ sinh phải xin đủ 3 chữ ký cho phép? Đừng để thú đọc sách nhiễm thái độ trình diễn Dịch giả Trịnh Lữ: Ta có nên gọi cái ngày đặc biệt ấy là Tết đọc sách hay không? Những gì liên quan đến cái gọi là Tết như tôi vẫn biết hình như chả dính gì đến việc đọc sách, nhất là đọc sách để học, để "chấn dân khí, khai dân trí". Có thực là chúng ta tin và mong ngày này là một cái Tết trí tuệ, để trong ngày ấy "mỗi người dân Việt Nam sẽ được sống trong bầu không khí ngập tràn của tri thức" không? Xác định mục tiêu như vậy có thiết thực không? Hay chúng ta đang quá mơ mộng? Tôi vẫn thấy khái niệm Tết gắn liền với khái niệm lễ hội. Mà không phải việc gì cũng có thể và cũng nên lễ hội hóa. Lễ hội thì nhiều trình diễn lắm. Mà tôi thì tin rằng không nên để tâm lý trình diễn lây lan vào nỗ lực "chấn dân khí, khai dân trí". Có lẽ cứ gọi nó là Ngày của sách hoặc Ngày sách. Với mục tiêu và tên gọi ấy thì còn nghĩ ra được nhiều việc thiết thực để khích lệ việc đọc sách ở tất cả mọi người, chứ Ngày đọc sách để ai cũng được tràn ngập trong bầu không khí tri thức thì có vẻ như đến hôm ấy ai cũng phải ngồi đọc thì mới phải, và những ai tự thấy mình chả bao giờ thành trí thức thì sao? Nghe đã thấy ngại rồi! Nhưng trong ngày ấy ta sẽ làm gì? Tôi thì cứ băn khoăn rằng làm gì thì làm, điều quan trọng nhất là đừng để những việc làm ấy nhiễm thái độ trình diễn. Nếu đọc và học mà nhiễm thái độ ấy thì chả còn hy vọng gì nữa. Thử tưởng tượng nếu giới thức giả chỉ tranh nhau tỏ ra mình đọc nhiều sách hơn đồng nghiệp, phô toàn những trích dẫn, nhắc lại toàn lời người khác chứ chả có ý gì riêng của mình; giới trưởng giả thì tranh nhau bày tủ sách thật diện ở phòng khách; đám sĩ tử thì đua nhau lên mặt, bằng cách làm ra bộ mình đọc nhiều hơn bạn, tranh luận thì chỉ tầm chương trích cú, thì tình trạng dân khí và dân trí sẽ đi đến đâu! Nếu không thận trọng, nếu để nỗ lực của chúng ta đi theo hướng lễ hội hóa, tôi sợ rằng chúng ta có thể sẽ góp phần tạo nên tình trạng ấy. Dịch giả Crimson Mai: Nhiều năm qua, chúng ta đã kêu đủ rồi, đã than, đã thảo luận, đã báo động đủ rồi. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không hỏi nữa, mà bắt tay vào việc thực thi ý tưởng. Chúng ta có nên đợi 10.000 chữ ký ủng hộ ngày đọc sách chăng? Cụ thể chúng ta sẽ ủng hộ ngày đọc sách về mặt nào? Về ý tưởng, nhân lực, tài chính, phương hướng hay mang ý nghĩa động viên? Và nếu cần, trong 10.000 người ủng hộ kia sẽ có bao nhiêu người cùng đóng góp một bàn tay thực sự để gây dựng điều chúng ta đang hướng đến? Chúng ta đợi đủ rồi, nên có những hành động thiết thực hơn để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình mà vẫn đảm bảo đó là một hoạt động bài bản và dài hơi, với những con người cụ thể, đóng góp cụ thể về tâm huyết, trí tuệ và công sức vì một ngày Tết đọc sách đúng với tên gọi, được đông đảo người yêu sách công nhận, ủng hộ và có sức ảnh hưởng trong cộng đồng. V.T ghi

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vanhoa/201003/Dan-ta-co-can-mot-ngay-Tet-doc-sach-900761/