'Dân vận khéo' bằng những cách làm thiết thực

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, thời gian qua, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, BĐBP Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều mô hình 'dân vận khéo' mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của nhân dân khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hương Nguyên và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Võ Tiến

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình “Ao cá quân dân” mới thả giống, ông Quỳnh Ninh, ở thôn Ka Lô, xã A Roàng, huyện A Lưới thoăn thoắt thả từng nắm cỏ cho cá. Ông Quỳnh Ninh kể: "Cách đây vài năm, gia đình tôi gần như thiếu ăn, đứt bữa, là một trong những hộ khó khăn nhất của thôn Ka Lô. Vợ chồng tôi già yếu không lên nương làm rẫy được. Đất thì rộng nhưng để hoang vì mùa mưa bị ngập nước, mùa hè thì khô hạn. Năm 2014, cán bộ Đồn Biên phòng Hương Nguyên hướng dẫn, giúp chúng tôi chuyển đổi gần 1ha đất bỏ hoang thành ao nuôi cá, hỗ trợ ngày công, con giống và kỹ thuật nuôi. Ao cá này một năm cho thu hoạch 2 đợt. Nhờ bộ đội giúp đỡ, gia đình tôi đã không lo bị đói những lúc giáp hạt, kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.

Chia tay gia đình ông Quỳnh Ninh, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Căn Níu, ở thôn A Roàng 2. Đây là một trong 6 gia đình được Đồn Biên phòng Hương Nguyên hỗ trợ theo mô hình “Cụ già neo đơn”. Trong căn nhà lợp tôn, tường gỗ đã cũ, cụ Căn Níu không khỏi xúc động: “Tôi năm nay 80 tuổi, không làm được việc nặng nữa. Nhờ có BĐBP hằng tháng hỗ trợ tiền, gạo, thỉnh thoảng còn đến thăm, khám và cho thuốc chữa bệnh nên tôi không phải lo từng bữa ăn, sức khỏe ngày càng ổn định”.

Đồn Biên phòng Hương Nguyên đóng quân trên địa bàn biên giới của huyện A Lưới, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 22,54km đường biên giới, trải dài qua 2 xã A Roàng và Hương Nguyên với 8 cột mốc, 997 hộ dân, 4.118 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chiếm hơn 80%, chủ yếu là các dân tộc Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi xác định, muốn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới thì cần phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chú trọng công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống”.

Thiếu tá Lê Văn Tuấn cho biết: Với tâm niệm đó, Đồn Biên phòng Hương Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp dân. Ngoài mô hình “Ao cá quân dân”, “Cụ già neo đơn”, các chương trình “Hũ gạo tình thương”, "Nâng bước em tới trường” cũng được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực hưởng ứng. Hiện, đơn vị hỗ trợ 8 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức 500 nghìn đồng/tháng/em; 6 gia đình được hỗ trợ 60kg gạo/tháng. “Để công tác đi vào chiều sâu, có hiệu quả, chúng tôi đã giao cho từng bộ phận nắm chắc địa bàn, giao cụ thể cho từng đội rà soát từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, qua đó, đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong phong trào thi đua của đơn vị” - Thiếu tá Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Ông Hồ Xuân Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Nguyên, huyện A Lưới cho biết: Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hương Nguyên đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào các dân tộc, từ đó đã có nhiều giải pháp giúp người dân trong xã phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới. Những việc làm, mô hình thiết thực ấy đã góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó keo sơn giữa BĐBP với bà con dân bản.

Nhờ làm tốt công tác dân vận mà trong thời gian qua, trên địa bàn Đồn Biên phòng Hương Nguyên quản lý, người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Thông qua các mô hình “dân vận khéo”, đơn vị cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới với củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới.

Võ Tiến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dan-van-kheo-bang-nhung-cach-lam-thiet-thuc/