Dân vận khéo hóa giải các vướng mắc trong Nhân dân

Sau khi 'về đích' nông thôn mới, kinh tế - xã hội của xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) có bước phát triển vượt bậc. Điều đáng mừng hơn là các mâu thuẫn trong Nhân dân luôn được hóa giải bằng tình đoàn kết, yêu thương, sẻ chia và thấu hiểu lẫn nhau.

Các hòa giải viên xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Hàng năm toàn xã có từ 8 đến 10 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân liên quan đến đất đai, giao dịch dân sự, hôn nhân gia đình. Với quan niệm của người Việt “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, các hòa giải viên trong xã Ngọc Lĩnh luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để tuyên truyền, vận động họ giải tỏa những vướng mắc, mâu thuẫn. Bằng “Dân vận khéo” chạm đến trái tim, lòng vị tha của mỗi người dân nên gần 100% vụ mâu thuẫn, tranh chấp lớn, nhỏ xảy ra trên địa bàn xã đều được hòa giải thành.

Gần 16 năm làm cán bộ tư pháp và thành viên của tổ hòa giải xã Ngọc Lĩnh, anh Đậu Văn Đồng đã cùng với các hội, đoàn thể địa phương hòa giải thành hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân. Vụ việc tranh chấp ngõ đi chung giữa ông Đậu Văn Thuận và ông Nguyễn Thái Lâm, ở thôn 9, luôn trong tâm trí của anh Đồng mỗi khi được ai đó nhắc nhớ lại. Từ lâu gia đình hộ ông Thuận, ông Lâm sử dụng chung con ngõ nhỏ để đi lại và thông ra trục đường liên thôn. Năm 2005, khi thực hiện cải tạo khu vườn gia đình ông Thuận đã xây tường rào bao luôn cả ngõ đi chung. “Cực chẳng đã”, ông Lâm đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. Nghe chuyện, tổ hòa giải cơ sở đã cùng với lãnh đạo thôn và tổ liên gia xuống nắm tình hình. Qua phân tích, nguyên nhân của vụ việc là do ông Thuận xây tường rào bao cả ngõ đi chung. Trong vai trò là bạn của hai bên, anh Đồng đã cùng tổ hòa giải thôn 9 đến gặp gỡ giải thích, phân tích phải, trái để ông Thuận nhận ra việc làm của mình. Tuy nhiên, các cuộc gặp gỡ hòa giải đều bất thành, bởi ông Thuận cho rằng, con ngõ là đất của ông bà, tổ tiên để lại, nhất quyết bảo vệ. Với sự nhẹ nhàng, ôn hòa và kiên nhẫn, anh Đồng và các thành viên tổ hòa giải thường xuyên gần gũi, trò chuyện vận động ông Thuận phá bỏ tường rào trả lại lối đi chung. Anh Đồng chia sẻ: “Vụ việc kéo dài khoảng 9 năm, tưởng chừng rơi vào bế tắc. Từ những phân tích của tổ hòa giải, vào tháng 3-2020, ông Thuận đã phá dỡ tường rào mở lại lối đi chung. Hòa giải thành công vụ việc, ai nấy vỡ òa trong niềm vui trọn vẹn cả đôi đường, “tình và lý”. Con ngõ nhỏ giờ lại trở thành biểu tượng của tình đoàn kết láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Với quan niệm mình là “sợi dây kết nối tình cảm” giữa hai bên, các thẩm phán của Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa đã thực hành dân vận khéo để hòa giải thành nhiều vụ việc ly hôn, xây dựng lại tình yêu thương, hạnh phúc trong mỗi gia đình mà không phải đưa ra xét xử. Gần cuối năm 2019, chị C.T.H. ở tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) đã nộp đơn tại Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa đòi ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn với chồng là L.N.P. Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt, thụ lý vụ án và được giao hòa giải, đối thoại với các đương sự. Qua lắng nghe tâm sự của chị C.T.H. và anh L.N.P. thì nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong hôn nhân giữa hai người là do không hòa hợp trong cuộc sống, bất đồng quan điểm sống. Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng nếu không phải xét xử càng tốt hơn...”, thẩm phán Nguyệt đã 2 lần gặp gỡ để lắng nghe tâm sự của cả hai vợ chồng. Hiểu được tâm tư, tình cảm của chị C.T.H. và anh L.N.P., thẩm phán đã giải thích cặn kẽ về vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong hôn nhân. Qua những lời thuyết phục, động viên tâm huyết từ thẩm phán Nguyệt, chị C.T.H. đã rút đơn ly hôn để gia đình đoàn tụ, hạnh phúc như xưa.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn tổ hòa giải cơ sở. Trên cơ sở đó, thành lập 4.151 tổ hòa giải cơ sở với 26.909 hòa giải viên. Từ năm 2014 đến năm 2019, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 31.566 vụ việc. Trong đó, có 11.967 vụ việc phát sinh từ quan hệ dân sự; có 10.871 vụ hôn nhân gia đình; có 8.728 vụ việc thuộc lĩnh vực pháp luật khác. Các hòa giải viên cơ sở đã gặp gỡ tuyên truyền, vận động, thuyết phục và sử dụng kỹ năng dân vận khéo, nhất là việc trở thành bạn của cả hai bên để hòa giải thành công 25.987 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân. 6 tháng đầu năm 2020, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 1.498/1.873 vụ việc, đạt tỉ lệ 80%.

Hòa giải thành không có kẻ thắng, người thua mà là hàn gắn và vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở và tòa án, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Hòa Bình

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dan-van-kheo-hoa-giai-cac-vuong-mac-trong-nhan-dan/123184.htm