Dân vận khéo ở huyện nghèo Thường Xuân

Theo chân cán bộ dân vận huyện Thường Xuân, chúng tôi về xã Lương Sơn, một trong những địa phương có nhiều cách làm hay trong phong trào thi đua 'dân vận khéo'. Cùng đi thăm mô hình dân vận khéo trong xã, đồng chí Lê Văn Hùng, chủ tịch UBND xã, tâm đắc về công trình điện chiếu sáng, lát vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm xã: 'Những vỉa hè sạch, đẹp, điện đường chiếu sáng đã tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn mới của xã nhà. Mặc dù là những công trình nhỏ nhưng đã minh chứng cho nét nổi bật trong công tác dân vận chính quyền ở cơ sở của xã Lương Sơn trong thời gian gần đây'.

Cán bộ dân vận huyện Thường Xuân làm công tác vận động quần chúng ở xã Lương Sơn.

Cuối năm 2017, xã có chủ trương lát vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm xã, đi qua 3 thôn Ngọc Sơn, Lương Thiện, Trung Thành và liên quan đến việc huy động nguồn đóng góp của khoảng 200 hộ dân. Thực tế ở các thôn trên, không ít hộ dân có từ 3 đến 10 suất đất mặt đường, nên theo mức đóng góp tính theo m2 mà lúc đầu xã đưa ra, thì vượt quá sức dân. Vì vậy, nhiều hộ dân đã không đồng thuận và kiến nghị với chính quyền xã điều chỉnh mức đóng góp phù hợp. Trên cơ sở ý kiến của các hộ dân, ban thường vụ đảng ủy xã đã tổ chức họp, thống nhất lại mức đóng góp và công khai cho nhân dân được biết. Cụ thể, hộ gia đình có từ 1 đến 2 suất đất, đóng góp 1,2 triệu đồng, tương đương 1 suất; hộ gia đình có từ 3 đến 4 suất đất, đóng góp 2,4 triệu đồng, tương đương 2 suất; từ 5 đến 6 suất, đóng góp 3,6 triệu đồng, tương đương 3 suất... Nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, chỉ trong vòng 2 tháng hơn 5.400 m2 vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm xã đã hoàn thành, với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng. Trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp 240 triệu đồng.

Đến nhà văn hóa thôn Trung, chúng tôi gặp đồng chí Hà Văn Chức, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đồng chí Chức nhớ lại: “Năm 2011, huyện bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án hệ thống Kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, trong thôn có 11 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, có hộ gia đình anh Phạm Văn Tiếp, phải di dời nhường đất thổ cư cho công trình. Sau khi biết được chủ trương, gia đình anh Tiếp đã dựng thêm 1 ngôi nhà để mong nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và nhiều lần thắc mắc với chính quyền địa phương về việc bồi thường chưa thỏa đáng”. Bằng tình cảm, trách nhiệm, tôi đã cùng với lãnh đạo huyện, xã nhiều lần xuống nhà vận động, giải thích. Khi thấu hiểu, anh Tiếp đã đồng thuận với chủ trương bồi thường của Nhà nước.

Tương tự, nhiều công trình, dự án trên địa bàn xã Luận Thành được triển khai thuận lợi, chính nhờ việc gần dân, tôn trọng dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã. Cụm Công nghiệp Khe Hạ, rộng 35 ha, ảnh hưởng đến đất nông, lâm nghiệp của nhiều hộ dân 2 thôn Liên Thành, Tiến Hưng 1. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Cụm Công nghiệp Khe Hạ tưởng chừng sẽ gặp khó khăn, khi người dân 2 thôn đều thắc mắc, đặt ra vấn đề mất đất sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống từng hộ gia đình. Từ sự sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ làm công tác dân vận trong việc giải thích cho người dân những lợi ích lâu dài cho quê hương như: Xây dựng cụm công nghiệp địa phương sẽ thu hút được các nhà máy, doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, bà con có việc làm, thu nhập ổn định, tăng thu ngân sách. Đến nay, 100% người dân đã đồng thuận. Do làm tốt công tác dân vận, tuyến đường tỉnh 519B từ xã Bình Sơn (Triệu Sơn) nối trung tâm xã Luận Thành dài 13,5 km, ảnh hưởng đến đất đai của khoảng 300 hộ dân 3 thôn Tiến Hưng 1, Tiến Hưng 2, Thành Thắng đã được thi công thuận lợi. Nhận thấy lợi ích khi có đường giao thông, các hộ dân đã đồng thuận không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và hiến hơn 2 ha đất cho công trình.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, công tác dân vận ở huyện Thường Xuân đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Hệ thống dân vận từ huyện đến cơ sở đã tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân, tham mưu giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người dân. MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát huy tốt vai trò vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chính quyền các cấp đã tập trung cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thành chương trình hành động để thực hiện. Trong đó, nhiều nội dung đạt kết quả cao, như: Cải cách thủ tục hành chính, phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở,... qua đó, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/81vtwu/new-article.aspx