Dân vận khéo trong làm đường giao thông nông thôn

Trong những năm gần đây, phát triển giao thông nông thôn đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao tại các tỉnh miền núi phía bắc nước ta, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn. Có được kết quả đó là nhờ các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách hợp lòng dân trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, đồng thời, hệ thống chính trị ở cơ sở đã làm tốt công tác 'dân vận khéo'.

Trong những năm gần đây, phát triển giao thông nông thôn đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao tại các tỉnh miền núi phía bắc nước ta, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn. Có được kết quả đó là nhờ các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách hợp lòng dân trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, đồng thời, hệ thống chính trị ở cơ sở đã làm tốt công tác “dân vận khéo”.

Bài 1: Kết quả từ sự đồng thuận

So các địa phương trong cả nước, các tỉnh miền núi phía bắc (MNPB) nước ta còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển. Thu nhập của người dân khu vực này thấp hơn so mặt bằng chung của cả nước. Chính vì vậy, để huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong công tác này. Từ đó, tạo thành phong trào rộng khắp các tỉnh, đạt kết quả đáng phấn khởi.

 Cán bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái và đoàn viên thanh niên làm đường giao thông nông thôn tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). (Ảnh: Thanh Sơn)

Cán bộ các cơ quan tỉnh Yên Bái và đoàn viên thanh niên làm đường giao thông nông thôn tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). (Ảnh: Thanh Sơn)

Những điểm sáng trong việc huy động sức dânHuyện Chợ Đồn là một trong những địa phương thực hiện tốt việc vận động cá nhân, tập thể hiến đất làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Bắc Kạn. Với quan điểm làm đường giao thông trước tiên là mang lại lợi ích cho chính gia đình mình và những người dân sống ở nơi đây, cơ hội trao đổi các loại nông sản được dễ dàng hơn, gia đình anh Bế Văn Đàn ở thôn Choong, xã Phương Viên đã hiến 1.200 m2 ruộng để làm đường nội thôn, dù rằng diện tích đất nông nghiệp này mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình. Phong trào hiến đất làm đường giao thông trên địa bàn xã Phương Viên được đông đảo hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ năm 2015 đến 2020, hội viên nông dân của xã Phương Viên đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp được 493 triệu đồng để san ủi mặt bằng làm đường nội thôn, góp 8.981 công lao động đổ bê-tông, làm đường nội thôn, liên thôn…

Tại thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, gia đình ông Lý Tiến Kim đã hiến hơn 3.000 m2 đất rừng, cùng người dân tham gia mở đường thôn rộng hơn 3m, giúp các hộ dân và bản thân gia đình ông không phải đi tuyến đường vòng xa xôi, gập ghềnh trước kia. Khi tuyến đường bê-tông được Nhà nước đầu tư đi qua phần đất ruộng của gia đình, ông Kim lại tiếp tục hiến thêm gần 100 m2. Tại xã Nghĩa Tá, điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng nông thôn mới là có những hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vẫn sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung. Từ năm 2014 đến 2018, phát huy vai trò của các Ban Công tác Mặt trận trong công tác tuyên truyền, người dân trong xã đã hiến hơn 10 nghìn m2 đất, hơn 11.600 công lao động. Qua đó, hoàn thiện hơn 19 nghìn m2 đường bê-tông và mở rộng mặt bằng đường giao thông liên thôn; xây dựng hơn 3,5km kênh, mương thủy lợi.

Xã Xuân Thượng là điểm sáng trong huy động sức dân làm đường GTNT ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Trước đây, Xuân Thượng được coi là “ốc đảo” của huyện, bởi giao thông đi lại khó khăn, lại thêm tập quán độc canh cây lúa dưới ruộng trũng và cây ngô, sắn trên đồi cao; sản xuất theo kiểu “tự cung tự cấp” manh mún, nhỏ lẻ, cho nên cái nghèo, cái đói cứ đeo đuổi người dân nơi đây. Quyết tâm xóa đói, nghèo, Đảng ủy xã Xuân Thượng chọn khâu đột phá là mở đường giao thông, tăng vụ ba trên đất ruộng cao và trồng cỏ, chăn nuôi trâu. Đảng ủy xã ra nghị quyết làm đường giao thông nông thôn, trọng tâm là xây dựng cầu kiên cố, nối liền các thôn bản và kết nối với quốc lộ 279 và quốc lộ 70 thuận tiện, rút ngắn thời gian lưu thông. Bằng sức dân, chỉ trong hơn một năm, Xuân Thượng làm được 11 cây cầu sắt kiên cố, mở mới và nâng cấp hơn 15 km đường, tạo nên mạng lưới giao thông nối liền trung tâm xã với các thôn bản, xóa thế “ốc đảo”, thông thương với thị trấn Phố Ràng và bên ngoài.

Người dân xã Bình Văn, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) thi công đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Tuấn Sơn)

Từ nhiều năm trước, đường trục chính vào thôn Nà Căm, xã Đề Thám, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) là con đường đất, đèo dốc quanh co, rộng chừng 0,5m. Đường xấu, khó đi, cho nên nếu có việc ra ngoài trung tâm xã, hầu hết các hộ dân đều chọn cách đi bộ theo tuyến đường vòng dài hơn 8km. Năm 2018, khi có chủ trương làm đường, nhân dân trong thôn rất phấn khởi và tích cực chung sức làm đường. Gia đình ông Triệu Văn Nhật ở trong thôn đã tự nguyện hiến gần 4.000 m2 đất và hơn 100 cây hồi, quế từ ba đến 30 năm tuổi cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Cùng với gia đình ông Nhật, một số hộ dân khác cũng hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường. Có mặt bằng, con đường trục của thôn nhanh chóng triển khai xây dựng với chiều rộng từ năm đến sáu mét, lòng đường trải nhựa rộng 3m. Con đường được hoàn thành không chỉ giúp người dân trong thôn thuận lợi đi lại, phát triển sản xuất, mà còn trực tiếp góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã khó khăn này.

Những công trình mới ở địa bàn khó khăn

Tại nhiều thôn, bản vùng cao Hà Giang, dù đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn tình nguyện góp tiền, hiến đất, góp công làm đường dù không nằm trong đề án hỗ trợ xi-măng của tỉnh. Tiêu biểu như xóm Sính Tủng Chứ, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã tự bàn bạc, lên kế hoạch, thống nhất góp tiền làm đường. 18 hộ dân trong xóm đã tự nguyện đóng góp 379 triệu đồng để thuê máy ủi, đánh đá mở mới tuyến đường nối từ quốc lộ 4C vào trung tâm xóm với chiều dài gần 2km, chiều rộng mặt đường 3,5m, tạo thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng.

Huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) là huyện nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ, nhưng những năm qua cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đều tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng đường giao thông gắn với xây dựng NTM. Từ đó, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến “tấc vàng” để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…

Người dân thôn Phìn Sả, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) góp công mở đường về bản. (Ảnh: Khánh Toàn)

Từ năm 2011 đến nay, người dân Đình Lập đã hiến khoảng 80.000 m2 đất để xây dựng các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… Nhiều gia đình tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập Nông Minh Cát cho biết: Để huy động được sức dân, nhất là vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình công cộng thì công tác tuyên truyền, vận động luôn được UBND huyện phối hợp triển khai thường xuyên, liên tục.

Từ sự chung sức của người dân, cộng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã mở mới được 22 km đường vào trung tâm thôn; cải tạo, nâng cấp, cứng hóa được 30,5 km đường huyện, 64,4 km đường xã, 144 km đường thôn, ngõ, xóm… Qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Đồng bào dân tộc Mông ở xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) mở đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Quốc Hồng)

Đầu tháng 7-2020, trời nóng nắng như thiêu đốt với nền nhiệt hơn 38 độ C, cùng Chủ tịch UBND xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) Giàng A Sáy đi xe máy về bản Tà Đằng nằm cheo leo trên đỉnh Xà Hồ với độ cao 1.800 m, hai bên đường các nương ngô hè và sắn lên xanh ngắt. Con đường bê-tông rộng 1m, dài gần 5km vừa mới hoàn thành đã giúp 58 hộ người Mông trong bản thêm niềm vui mới. Phương thức đầu tư công trình GTNT của Trạm Tấu là nhà nước góp 60% kinh phí xây dựng bằng vật liệu, người dân góp 40% chủ yếu bằng việc hiến đất giải phóng mặt bằng và ngày công lao động… Do làm tốt công tác dân vận, hộ anh Sùng A Chờ đã hiến 100 m2 đất nương, hộ anh Sùng A Vàng hiến 100 m2 nương ngô, để khi mở đường mới khi đi qua đỡ bị dốc ngược. Làm đường lên núi cao, nhiều đoạn có đá tảng chắn lối, không có mìn phá đá, không đủ tiền thuê máy khoan, Trưởng bản Sùng A Hành nghĩ cách lấy củi đốt đá liên tục trong mấy ngày, đá bị nung nóng tơi ra, dân dùng xà beng, cuốc chim mở đường, thế là thiên nhiên cứng đầu cũng thua ý chí con người.

Tại tỉnh Sơn La, năm 2010, hệ thống đường bộ địa phương có tổng chiều dài 8.518 km, sau 10 năm con số này đạt 17.627 km. Năm 2010, tỉnh có 72 xã dù có đường giao thông, nhưng không đi được trong cả bốn mùa; một xã chưa có đường giao thông đến trung tâm. Nhưng đến nay, tất các các xã đều có đường giao thông đến trung tâm, trong đó có thêm 55 xã có đường giao thông đi được bốn mùa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Ma cùng người dân làm đường giao thông nông thôn tại thôn Chi Ma (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). (Ảnh: Hùng Tráng)

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La Nguyễn Hợp Cường cho biết: Sở dĩ giao thông nông thôn giai đoạn vừa qua ở Sơn La có bước bứt phá, là nhờ tỉnh có cơ chế chính sách uyển chuyển, hợp lòng dân, khơi dậy được nguồn lực trong nhân dân. Nhất là trong giai đoạn từ năm 2013, bắt đầu từ Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 14-3-2013 về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nội bản, tiểu khu, tổ dân phố. Tinh thần chính của Nghị quyết này là thay phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng phương châm “nhân dân làm thì Nhà nước hỗ trợ”. Nơi nào chính quyền và người dân cam kết làm đường, thì Nhà nước hỗ trợ xi-măng để cứng hóa đường giao thông.

Chính từ nghị quyết này mà con đường vào bản Buổn, dài 2,3 km thuộc phường Chiềng Cơi (TP Sơn La) lầy lội, trùi sụt suốt 17 năm đã được người dân bàn, cùng nhau thi công trong chưa đầy một tháng. Nhiều nơi bà con đăng ký, Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện, thành phố không kịp cung ứng xi-măng. Không khí làm đường, cứng hóa hệ thống giao thông bản, tiểu khu, tổ dân phố những năm tháng đó sôi động, người dân mừng vui, phấn khởi.

Để phù hợp sức dân và mang lại hiệu quả cho chương trình cứng hóa giao thông, từ năm 2013 đến 2017, HĐND tỉnh Sơn La đã phải điều chỉnh, bổ sung ba lần Nghị quyết số 41/NQ-HĐND. Ban đầu chỉ quy định cứ nơi nào làm đường thì nhà nước hỗ trợ xi-măng. Sau này Nghị quyết 63/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 bổ sung hỗ trợ thêm người dân chi phí quản lý, giám sát công trình, hỗ trợ sắt, công cụ trộn bê-tông... tổng chi phí bình quân tăng lên từ 30 - 36% tùy từng nơi...

Phóng viên thường trú các tỉnh miền núi phía bắc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/dan-van-kheo-trong-lam-duong-giao-thong-nong-thon-615172/