Đàn voi nhà ở Tây Nguyên cần được giải cứu

Những con voi nhà ít ỏi ở Tây Nguyên hằng ngày vẫn đang phải oằn lưng chở khách phục vụ du lịch khiến sức khỏe ngày một suy giảm và hơn 30 năm qua không thể sinh sản. Trước tình hình đó, mô hình du lịch 'thân thiện cùng voi' được Vườn Quốc gia Yok Đôn triển khai đã bước đầu giải phóng sức lao động cho voi. Nhưng việc nhân rộng mô hình này liệu có khả thi và giải cứu được đàn voi?...

Voi đang bị lạm dụng

Trong dịp lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7-2019, một hoạt động thu hút nhiều du khách đến tham dự đó là Hội voi Buôn Đôn được tổ chức tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Tại hội voi, 15 chú voi nhà sẽ tham gia với hàng loạt hoạt động hấp dẫn, như: lễ cúng sức khỏe cho voi; tái hiện cảnh thuần dưỡng, săn bắt voi rừng; thi trang điểm cho voi; voi thi chạy 100 mét, đá bóng và dự tiệc buffet.

Theo ông Nguyễn Như Bút, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Hội voi Buôn Đôn được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Huyện hỗ trợ kinh phí cho gia đình, cơ sở có voi tham gia để “bù” vào khoản thất thu từ việc đưa đón khách du lịch. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ chi phí bồi dưỡng cho voi tập trung tập luyện và có chế độ chăm sóc tốt hơn nhằm đảm bảo sức khỏe khi tham gia lễ hội.

Cần chấm dứt việc dùng vật sắc nhọn điều khiển voi tại các lễ hội.

Tuy nhiên, trao đổi với nài voi Y Thế (43 tuổi, trú tại xã Krông Na) cho biết, trước khi tham gia hội voi, anh đã cho chú voi Gen của mình nghỉ phục vụ du lịch hơn một tuần để bồi dưỡng lấy lại sức khỏe.

Cũng theo nài voi Y Thế, tại hội voi có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tham gia. Tiếng cồng chiêng, tiếng hô hào cổ vũ của người dân khiến nhiều chú voi mất bình tĩnh. Do đó, nài voi phải dùng gậy và búa để điều khiển voi nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

“Dù đã được thuần dưỡng nhưng voi cũng chỉ là những con vật, một cái giật mình, mất bình tĩnh của voi cũng có thể gây hậu quả khó lường cho du khách. Do đó, nài voi phải dùng “bạo lực” nghiêm khắc để hạn chế tình trạng xấu nhất mà voi có thể gây ra”, anh Y Thế cho biết thêm.

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ dùng “bạo lực” với voi để đảm bảo an toàn cho du khách, mà những chú voi khi tham gia các hoạt động, nài voi muốn có thành tích cao đã không ngần ngại dùng gậy sắt đâm, dùng búa gỗ đánh mạnh vào đầu voi để điều khiển. Những hình ảnh phản cảm, “hành hạ” voi tại lễ hội đã khiến nhiều du khách ái ngại.

Bà Hoàng Thị Bích Phượng (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Trong các cuộc thi, vì cố gắng đoạt giải mà các nài voi dùng búa gỗ, gậy sắt đánh voi. Voi nước ta đang có nguy cơ tuyệt chủng và chúng ta đang kêu gọi chung tay bảo vệ động vật, thế nhưng các hoạt động lại mang tính chất như trên khiến người xem phản cảm và có cái nhìn khác về công tác bảo vệ voi”.

Không chỉ du khách, mà Tổ chức Động vật châu Á cũng lo ngại việc voi tham gia hội thi sẽ bị tác động mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk, trước khi tổ chức Hội voi Buôn Đôn, Tổ chức Động vật châu Á đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị loại bỏ các hoạt động mang tính đối kháng mạnh, tác động đến voi.

“Tuy nhiên, do kế hoạch, kịch bản của hội voi đã được xây dựng từ trước. Ngoài ra, các hoạt động trên đã thành truyền thống của dân tộc bản địa nên chưa loại bỏ ngay được. Mùa lễ hội sau, đơn vị sẽ yêu cầu địa phương tổ chức các hoạt động nhẹ nhàng hơn, hạn chế thấp nhất các tác động đến voi”, ông Hà cho hay.

Mô hình du lịch thân thiện cùng voi

Theo Tổ chức Động vật châu Á, vào những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Đắk Lắk có trên 500 voi nhà nhưng đến nay chỉ lại còn 45 con (gồm 26 voi cái và 19 voi đực). Đa phần voi nhà được sử dụng để chở khách du lịch thưởng ngoạn núi rừng Tây Nguyên.

Điều đáng nói, hơn 30 năm qua, không có cá thể voi nhà nào ở Đắk Lắk sinh sản được. Việc voi nhà không sinh được có nhiều lý do như già yếu, chở khách nhiều khiến sức khỏe giảm sút, không có môi trường sinh sản tự nhiên… khiến loài voi nhà có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trước tình hình đó, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ số tiền 65.000 USD trong thời gian 5 năm cho Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình “du lịch thân thiện” cùng voi. Đây là mô hình đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, là tín hiệu vui cho đàn voi nhà đang suy kiệt.

Trao đổi với phóng viên, anh Y Vi Si (trú tại xã Krông Ana) cho biết, anh chính là người quản lý voi Thông Khăm từ ngày mới đưa về Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đối với anh, Thông Khăm như một người bạn tri kỷ. Những lúc Thông Khăm đau ốm, anh chính là người lo lắng, chăm sóc cho chú voi như chính “đứa con” đẻ của mình vậy.

“Trước đây, voi Thông Khăm cũng từng phục vụ công việc chở khách tham quan. Có những ngày làm việc quá sức, thấy Thông Khăm không ăn nổi mà bản thân mình cũng thấy đau. Hơn 3 tháng qua, từ khi Thông Khăm được thả về rừng, không còn phục vụ chở khách nữa thì sức khỏe đã hồi phục. Nhiều khi nó chơi đùa, nghịch ngợm vô tư như một đứa trẻ vậy”, anh Y Vi Si vui cười nói.

Không nghịch ngợm như Thông Khăm, voi Buôn Khăm (48 tuổi) thong thả đi dạo quanh bãi thả, bẻ những đọt măng mới nhú, nhâm nhi một cách thích thú.

Ông Y Mưh Byă, người gắn bó với Buôn Khăm 27 năm qua, tâm sự: “Trước đây, hàng ngày Buôn Khăm phải vào khu du lịch phục vụ khách từ sáng sớm cho đến mịt tối. Ở khu du lịch, đặc biệt những mùa cao điểm, voi làm việc cả ngày và chỉ ăn uống sơ sài vài cây chuối, mía… rồi phải chịu xiềng xích, quản thúc nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho du khách khiến sức khỏe voi giảm sút trầm trọng. Giờ thấy voi được tự do, tôi mừng biết nhường nào”.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, phấn khởi cho hay, đơn vị vừa nhận 13.000 USD kinh phí hỗ trợ năm đầu tiên để thực hiện mô hình thân thiện cùng voi từ Tổ chức Động vật châu Á.

“Mô hình này là hình thức vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng... Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp tác động đến voi như cưỡi, tiếp xúc trực tiếp với voi sẽ bị cấm, để tránh ảnh hưởng đến voi”, ông Linh thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, sau 8 tháng thực hiện mô hình thân thiện cùng voi, qua khảo sát đánh giá cho thấy, những con voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn khỏe mạnh và sung mãn hơn so với trước. Voi ở vườn không còn đau ốm vặt và không còn trơ xương như những con voi đang phục vụ chở khách ở các khu du lịch.

“Đây là dấu hiệu khả quan nhất trong vấn đề bảo vệ đàn voi nhà trong du lịch. Hiện trung tâm đang tiếp tục kêu gọi Tổ chức Động vật châu Á và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính để nhân rộng mô hình này nhằm thay thế mô hình phục vụ cưỡi voi trong tương lai, vì mục đích gắn bảo tồn sinh cảnh, thân thiện môi trường với động vật và con người”, ông Chung nhấn mạnh.

Ông Chung cho biết thêm, hiện tại mô hình chỉ mới áp dụng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Qua khảo sát, các đơn vị du lịch và chủ voi tư nhân đều đồng tình với mô hình thân thiện cùng voi.

Sắp tới, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk sẽ liên hệ với các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới, để được hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh và cả nước. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xin thêm diện tích đất tại huyện Lắk để đầu tư khu chăn thả voi.

Văn Thành

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/dan-voi-nha-o-tay-nguyen-can-duoc-giai-cuu-553043/