Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Chặng đường 90 năm và những mốc son chói lọi

Ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Những mốc son chói lọi

Những năm đầu thế kỷ XX, trước sự xâm lược của Thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của nhân dân trên cả nước nói chung, tại Thanh Hóa nói riêng diễn ra liên tục và mạnh mẽ nhưng đều thất bại do thiếu đường lối đúng đắn.

Giữa năm 1924, Lê Hữu Lập và một số người con xứ Thanh được sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia tổ chức "Tâm Tâm xã", được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn kết nạp vào Hội "Việt Nam Cách mạng Thanh niên".

 Nhà ông Lê Oanh Kiều - nơi diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ ngày 25/6/1930. Ảnh: TL.

Nhà ông Lê Oanh Kiều - nơi diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ ngày 25/6/1930. Ảnh: TL.

Cuối năm 1925, Lê Hữu Lập được cử về nước hoạt động khi phong trào yêu nước trong tỉnh đang diễn ra sôi động. Đây là thời cơ tốt để Lê Hữu Lập và các chiến sĩ cách mạng trong tỉnh truyền bá con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 5 năm 1926, tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, Lê Hữu Lập thành lập Hội đọc sách báo để truyền bá con đường cách mạng kiểu mới và Chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga sâu rộng vào tầng lớp thanh niên trí thức.

Nhiều thanh niên được thử thách trong các phong trào yêu nước đã chuyển theo xu hướng Cộng sản và lần lượt gia nhập Hội Thanh niên. Nhiều phủ, huyện không chỉ thành lập "Hội đọc sách báo" mà còn thành lập các tiểu tổ Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng.

Tháng 4/1927, tại số nhà 26 phố Hàng Than, Hội nghị đại biểu của 11 tiểu tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng quyết định thành lập Tỉnh bộ Thanh Hóa. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời do đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư.

Tháng 2/1928 phái trẻ trong Đảng Phục Việt tách ra thành lập Đảng Tân Việt và hoạt động theo khuynh hướng cộng sản do Nguyễn Xuân Thúy làm Bí thư. Hoạt động của tổ chức Thanh Niên và Đảng Tân Việt đặt nền tảng về tư tưởng và tổ chức cho Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, được sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời. Ngày 10/7/1930, chi bộ cộng sản thứ 2 ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa). Đến ngày 22/7/1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân), chi bộ cộng sản thứ 3 ra đời. Trên cơ sở 3 chi bộ cộng sản, ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ổn định tổ chức, lãnh đạo các phong trào cách mạng và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền (1930-1945) và đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945 -1975).

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế; khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tể - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giai đoạn 1986 - 1995, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra Nghị quyết khoán hộ trong nông nghiệp; đổi mới quản lý kinh tế biển, kinh tế trung du - miền núi, kinh tế thương mại - dịch vụ; phát triển kinh tế nhiều thành phần; thực hiện thông thoáng và mở cửa...

Giai đoạn này, tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân đạt 5,3%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Năm 1995, lần đầu tiên Thanh Hóa đạt 1 triệu tấn lương thực, tăng 17,4% so với năm 1986; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 510 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 1990...

Giai đoạn 1996 - 2010, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; khuyến khích nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân.

Giai đoạn này, tăng trưởng GDP đạt 9,2%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 810 USD, gấp 1,9 lần năm 2005 và gấp 3,7 lần năm 1995. Nông, lâm, thủy sản duy trì phát triển ổn định, tăng bình quân 3,6%/năm. Giai đoạn 2006 -2010, sản lượng lương thực bình quân luôn đạt trên 1,5 triệu tấn/năm. Giá trị gia tăng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,9%/năm. Một số ngành công nghiệp mới như sản xuất và lắp ráp ô tô, luyện gang thép, nhiệt điện, thủy điện... được hình thành. Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập đã thu hút được nhiều dự án lớn, quan trọng.

Các thành phần kinh tế có bước phát triển, doanh nghiệp nhà nước giảm về số lượng nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển mạnh.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vươn tới “khát vọng thịnh vượng”

Từ năm 2011 đến nay, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực; khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện.

Khu lọc hóa dầu Nghi Sơn (thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn) đi vào vận hành đã có đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Các vùng sản xuất cây nguyên liệu phát triển ổn định, cơ giới hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Các khu công nghiệp, khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập và phát triển. Một số ngành công nghiệp then chốt của tỉnh, như sản xuất vật liệu, nhiệt điện, lọc hóa dầu,.. được hình thành và ngày càng phát triển. Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện.

Nhiều khu chăn nuôi tập trung được hình thành và phát triển. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2019, lần đầu tiên tốc độ tăng trưỏng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hóa (GRDP) đạt 17,15%, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 28,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 6 đơn vị cấp huyện, 367 xã và 917 thôn, bản đạt chuẩn NTM, là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng NTM tốt nhất cả nước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Dịch vụ phát triển khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Giá trị xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, tăng 27,6%. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6%.

Nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Võ Dũng.

Từ năm 2016 đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 94,4 nghìn tỷ đồng và hơn 3,3 tỷ USD - đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định vị thế chiến lược của tỉnh Thanh Hóa ở khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, được rèn luyện trong thực tiễn cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tự hào về truyền thống vẻ vang của đất và người xứ Thanh.

Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu trong xây dựng NTM. Ảnh: Võ Dũng.

Trước những khó khăn, thách thức, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn vững vàng và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên.

Những thành tựu to lớn trong 90 năm qua là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và sức mạnh to lớn của nhân dân.

Tự hào với những thắng lợi đã đạt được, hướng tới tương lai tươi sáng, để củng cố niềm tin và hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng”, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ”. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Võ Văn Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dang-bo-tinh-thanh-hoa-chang-duong-90-nam-va-nhung-moc-son-choi-loi-d269446.html