Đắng chát nước mắt người trồng mía

Đã vào vụ thu hoạch mía nhưng nông dân các tỉnh phía Nam đang lo lắng vì không có ai thu mua. Đây là thực trạng chung của ngành mía đường khi tình hình sản xuất kinh doanh của hàng loạt nhà máy liên tục thua lỗ.

Giá mía bèo bọt, không đủ trả tiền công thu hoạch

Thời điểm này, nhiều người không khỏi xót xa khi thấy những cánh đồng mía già cỗi, cỏ mọc um tùm hay bị đốt bỏ tại các cánh đồng mía ở tỉnh Long An. Nếu như trước đây, toàn tỉnh có hơn 12.000 ha trồng mía thì đến niên vụ 2018 - 2019 chỉ còn lại khoảng 3.800 ha. Trong số đó, nhiều diện tích từ niên vụ 2017 - 2018 đến nay vẫn còn nằm trên đồng vì bán không ai mua, hoặc mua với giá không đủ trả tiền công cho việc thu hoạch. Nhiều hộ nông dân buộc phải đốt bỏ để chuyển sang trồng cây khác.

Theo các hộ nông dân, nếu mía bán được thì cũng chỉ 300.000 đồng/tấn, sau khi trừ các loại chi phí, người trồng chỉ thu lại khoảng 50.000 - 70.000 đồng/tấn. Ông Huỳnh Văn Út (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết, khoảng 3 năm gần đây, thu nhập trồng mía không cao nên bà con rủ nhau phá đồng mía để trồng chanh.

Việc trồng mía ngày càng khó khăn khiến nông dân lao đao.

Việc trồng mía ngày càng khó khăn khiến nông dân lao đao.

Sở dĩ nông dân Long An rơi vào tình cảnh lao đao là vì do trước đây, toàn bộ sản lượng mía trên địa bàn phục vụ cho nhà máy đường Nivl. Những năm gần đây, công ty này làm ăn thua lỗ, hiện đã dừng hoạt động, khiến hàng tấn mía không được thu mua.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Long An nhận định: “Nhà máy Nivl đóng cửa, mía phải chuyển bán ở nhiều nhà máy ở Tây Ninh, Đồng Nai..., chi phí đốn chặt, vận chuyển cao nên người trồng không có lời. Đặc biệt, nhiều vùng không bán được, nông dân phải đốt, chặt bỏ”.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, những năm trước, vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú luôn sản xuất ổn định với diện tích hơn 4.000 ha. Nhưng niên vụ mía 2018-2019, nông dân chỉ xuống giống hơn 3.500 ha. Dự kiến niên vụ 2019-2020, diện tích vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú tiếp tục giảm khoảng 800 ha. Hiện nay, hàng trăm hộ trồng mía ở địa phương không tái vụ vì bình quân mỗi ha mía, người trồng lỗ khoảng 40 triệu đồng.

Theo khảo sát từ các bộ phận khuyến nông của các nhà máy đường, vùng mía nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm sút mạnh. Hiện tại, giá thu mua mía tại ruộng của nhiều nhà máy mía đường vào khoảng 300 - 700 đồng/kg. Mức giá này được đánh giá là quá thấp, người dân không có lãi. Trong khi đó, các nhà máy cũng không thể thu mua cao hơn vì lo ngại ảnh hưởng đến giá sản phẩm đưa ra thị trường.

Thậm chí, nhiều nơi còn dừng bao tiêu nguyên liệu càng khiến người dân “ngoảnh mặt” với cây mía. Theo lãnh đạo công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco), do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên dự kiến niên vụ mía 2019-2020, công ty sẽ không ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân Hậu Giang và các tỉnh như những vụ trước mà chuyển sang hình thức thu mua theo giá sàn. Thông tin này khiến ngành chức năng và người trồng mía lo lắng, bởi Casuco là doanh nghiệp mía đường hàng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Hiện tại, hơn 62% diện tích mía của địa phương được Casuco hợp đồng bao tiêu. Trong tình cảnh nông dân trồng mía thua lỗ do giá thấp, nếu công ty dừng bao tiêu sẽ dẫn đến đầu ra càng bấp bênh. Khi đó, hiện tượng nông dân phá bỏ cây mía là khó tránh khỏi”.

Thay đổi hay là chết?

Báo cáo của hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đến nay cả nước đã có 36 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn với diện tích khoảng 300.000ha. Hàng năm, ngành mía đường sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường với giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng. Đại diện VSSA cho rằng, mặc dù mía đường thuộc mặt hàng bình ổn giá nhưng niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp phải hứng chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi.

Khí hậu thời tiết không tốt, giá cả thị trường trong nước và quốc tế ở mức thấp, đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều nhà máy và công ty mía đường bị giảm sút, thua lỗ. Hậu quả, mía đường tồn đọng, toàn ngành gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tiêu thụ. Theo thống kê, đến giữa tháng 5/2019, có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất 2018-2019, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường. Ước tính cả niên vụ 2018-2019 sẽ có khoảng 14 triệu tấn mía với 1,3 triệu tấn đường. Với sản lượng ngày càng giảm sút, dự báo tình hình niên vụ 2019-2020 cũng sẽ tiếp tục giảm so với hiện nay.

Trong khi lượng đường còn tồn đọng từ niên vụ trước rất lớn thì đường nhập khẩu lại gia tăng. Vì thế, giá đường hiện nay đang ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều nơi, đường của Thái Lan và Campuchia, chủ yếu là nhập lậu lại có giá thấp hơn, chỉ từ 9.600 đồng đến 9.800 đồng/kg, khiến lượng đường tiêu thụ trong nước rất chậm.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước hết, cần cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lợi, cơ cấu lại khâu nghiên cứu và tổ chức sản xuất giống. Chúng ta phải tiếp tục nâng cao chất lượng bằng các biện pháp canh tác và quy trình công nghệ theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa... Bởi, nếu không có cơ giới hóa ngành sẽ phải sử dụng rất nhiều lao động, nhất là trong thu hoạch. Trong khi đó nguồn lao động nông nghiệp ngày càng ít đi”,

HÀ NHÂN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 87

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/dang-chat-nuoc-mat-nguoi-trong-mia-a277898.html