Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm đồng hành cùng dân tộc

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng ra đời là một sự kiện tất yếu của lịch sử khi các phong trào yêu nước của các sĩ phu và các tầng lớp nhân dân đi vào ngõ cụt.

Trao giấy chứng nhận bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh. Ảnh:P.Hằng

Trao giấy chứng nhận bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh. Ảnh:P.Hằng

Khác với nhiều Đảng Cộng sản khác trên thế giới ra đời từ sự kết tinh giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ sự kết tinh giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. “Chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc từ trong lòng người, xuất hiện ra từ ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, hòa lẫn với đất trời Việt Nam... Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian” - đó là những dòng trong bài viết nổi tiếng “Tháng Tám trời mạnh thu” của tác giả Nguyễn Văn Nguyễn. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 chính là kết tinh khát vọng của dân tộc Việt Nam khi ấy.

Đảng ra đời từ sự hy sinh vô bờ bến của bao lớp người yêu nước, lớp trước ngã xuống, lớp sau đứng dậy. Vừa ra đời, Đảng đã hòa mình vào các tầng lớp nhân dân làm nên các cuộc vận động cách mạng và giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc sau hơn 80 năm trường nô lệ. Trong công cuộc giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, chỉ riêng Ban Chấp hành Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị thực dân, đế quốc bắn, chém và tra tấn đến chết trong các nhà tù. 31 ủy viên Trung ương của Đảng đã “được” thực dân Pháp “tặng” cho 222 năm tù. Các Tổng bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập của Đảng ta, trước ngày khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp kết án 222 năm tù đày. 4 Tổng bí thư của Đảng là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đã hy sinh.

Khát vọng về một đất nước độc lập, tự do và thống nhất là nguồn cảm hứng vô tận khích lệ mọi người Việt Nam vượt qua gian khổ, hy sinh đứng dưới lá cờ của Đảng. Ngày 30-4-1975, khát vọng ấy đã trở thành hiện thực khi sau bao nhiêu năm đất nước tan nay lại hợp. Khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa nhập với thế giới văn minh lại tiếp tục tạo ra niềm khích lệ lớn lao để mọi người Việt Nam tin, ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng.

90 năm, dưới ngọn cờ dẫn dắt của Đảng, đất nước và dân tộc ta đã vượt qua bao chông gai thử thách. Từ một dân tộc không có tên trên bản đồ thế giới thì nay Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới. Từ một dân tộc chết đói gần 2 triệu người vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, Việt Nam đã trở thành một đất nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Từ một đất nước mà mỗi khi nhắc tới thế giới nghĩ tới chiến tranh, chết chóc và đói nghèo thì nay Việt Nam được xem là đất nước có nền chính trị ổn định. Từ một dân tộc lệ thuộc, nhỏ yếu, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2 lần. Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các hoạt động toàn cầu, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Cùng với phát triển kinh tế giúp đời sống người dân không ngừng được nâng cao, các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo đã được Nhà nước Việt Nam thực thi bằng nhiều chính sách khác nhau góp phần cho sự tiến bộ và công bằng xã hội... Tiền đồ của đất nước hôm nay được kết tinh từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ sự hy sinh của bao lớp đồng chí, đồng bào, từ sự phấn đấu nỗ lực, đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Điều 4, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Vậy nên, những hay, dở, tốt, xấu của xã hội đều gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra. Đại hội chắc chắn sẽ đề ra những quyết sách phát triển để đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đặc biệt là đến năm 2045 khi nước Việt Nam mới tròn 100 tuổi, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước phát triển với thu nhập cao. Lúc sinh thời, Lênin đã cảnh báo hai nguy cơ của các Đảng Cộng sản cầm quyền, đó là quan liêu xa rời nhân dân và sai lầm về đường lối. Thước đo của lòng dân với Đảng chính là ở việc Đảng có ban hành các chủ trương đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hay không và ở đội ngũ đảng viên của Đảng có thật sự gương mẫu.

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, chúng ta lại nghe văng vẳng bên tai lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202001/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2020-dang-cong-san-viet-nam-90-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-2985531/