Đang củng cố chứng cứ phụ huynh đưa tiền chạy điểm

Bộ Công an tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ hành vi các phụ huynh đưa tiền cho các bị can để chạy điểm thi.

Sáng 4/6, trả lời chất vấn của ĐBQH về vụ gian lận thi cử THPT quốc gia 2018, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và 2 địa phương Hà Giang, Sơn La đang điều tra 3 vụ, khởi tố 16 bị can liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm. Ảnh: TPO

"Kết quả điều tra tới nay đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao thực hiện nâng điểm cho các thí sinh, làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, trong đó Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh.

Việc làm rõ hành vi của các phụ huynh đưa tiền cho các bị can thì đang tiếp tục điều tra để củng cố chứng cứ", Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.

Về việc ĐBQH lo ngại việc giao thẩm quyền điều tra các địa phương xảy ra sai phạm lại khác nhau, tại Hòa Bình là Bộ Công an, trong khi Hà Giang và Sơn La lại do công an của các địa phương phụ trách có thể khó bảo đảm khách quan, dễ bỏ lọt tội phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm giải thích: "Thẩm quyền điều tra các vụ việc này cơ bản thuộc công an địa phương. Còn với Hòa Bình, do có đề nghị của địa phương, của tỉnh ủy, của công an tỉnh này và cũng nhận định đây là loại tội phạm mới xuất hiện trong năm nay, nên Bộ Công an vào cuộc để “làm điểm”.

Còn các địa phương khác thì làm theo thẩm quyền điều tra của mình và Bộ Công an cũng kiểm soát để đảm bảo không có sự không khách quan khi xử lý vụ án tại các địa phương này", Bộ trưởng Bộ Công an trả lời.

Sửa điểm thi ở Hà Giang: Một mình sửa 309 bài thi

Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019.

ĐBQH Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thông tin trên báo Tiền Phong về nội dung cơ bản trong buổi làm việc này.

Đáng lưu ý đối với Bộ Công an, Ủy ban đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ, sớm công bố kết quả điều tra. Đặc biệt đối với Hà Giang, thời gian điều tra đến nay đã hơn 9 tháng, nên phải kết thúc sớm và công bố với dư luận.

Ủy ban cũng lưu ý Bộ Công an phải điều tra, làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, nhất là với những phụ huynh, người thân có chức vụ quyền hạn để bảo vệ uy tín, đồng thời phát huy tính nêu gương của người cán bộ đảng viên.

“Có hay không những người lợi dụng chức vụ quyền hạn; có hay không những người đưa hối lộ và nhận hối lộ? Cơ quan điều tra phải đặc biệt lưu ý đến kết quả này”, ông Lượng nói.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề nghị phải chú ý, đảm bảo sự công bằng trong điều tra giữa các tỉnh. Bởi hiện nay có tỉnh thì cơ quan an ninh điều tra của Bộ vào cuộc, nhưng có tỉnh lại do chính địa phương tự làm. Bộ Công an phải hỗ trợ, tham gia với các đơn vị địa phương để có sự công bằng giữa các tỉnh.

“Cần phải chủ động, không để xảy ra việc ém nhẹm, thiên vị, hay vì áp lực nào đó mà làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Mặt khác, hai Bộ phải luôn chủ động giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin để dư luận cùng theo dõi, giám sát, đảm bảo sự khách quan, chính xác trong quá trình điều tra”, đại biểu Phan Viết Lượng lưu ý.

An An (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/dang-cung-co-chung-cu-phu-huynh-dua-tien-chay-diem-3381286/