Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chuẩn bị gì cho 'cuộc chiến luận tội Tổng thống Trump'

Hàng ngàn trang tài liệu đang chồng chất và những bộ óc hàng đầu của cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ đang chuẩn bị chiến lược tốt nhất của mình khi cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump chuyển sang giai đoạn mới từ ngày 13-11 (theo giờ địa phương) với phiên điều trần công khai đầu tiên có sự góp mặt của 3 nhân chứng.

Ngày 14-11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận hối lộ trong vụ bê bối Ukraine, trọng tâm của cuộc điều tra luận tội ông. Cựu Đại sứ Mỹ đến Ukraine Marie Yovanovitch, sẽ ra làm chứng trong ngày 15-11 trong phiên điều trần công khai thứ hai của cuộc điều tra. Như vậy, "cuộc chiến" luận tội và chống luận tội Tổng thống Donald Trump giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bắt đầu bước vào hồi gay cấn.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận hối lộ trong vụ bê bối Ukraine. ảnh: Getty

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận hối lộ trong vụ bê bối Ukraine. ảnh: Getty

Những chứng cớ để luận tội Tổng thống

Theo lập luận của hãng CNN dựa trên ý kiến của nhiều nhà quan sát, học giả, ông Donald Trump sẽ bị luận tội ở những điểm sau sau: mời chào Ukraine can thiệp bầu cử; thỏa thuận có đi có lại với Ukraine để đạt mục đích chính trị; dùng viện trợ quân sự làm mồi nhử…

Cụ thể, đảng Dân chủ tin rằng, cáo buộc mời chào Ukraine can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ có thể là một cú đánh khá mạnh nhằm vào ông Donald Trump. Hàng loạt nhân chứng đã kể lại những gì họ chứng kiến được cho là thể hiện rõ ý đồ của ông chủ Nhà Trắng.

"Bản sao cuộc điện thoại ngày 25-7-2019 giữa hai nguyên thủ được Nhà Trắng phát hành là bằng chứng rõ ràng nhất", bài báo trong CNN có đoạn viết: "Trong khi trao đổi, ông Donald Trump nói rằng Mỹ đã "rất tốt với Ukraine" nhưng mối quan hệ này không "có đi có lại". Ông Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Mỹ vì đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự và cho biết ông gần như sẵn sàng để mua thêm tên lửa chống tăng từ Mỹ.

Tiếp đó, ông Donald Trump trả lời: "Tôi muốn bạn giúp đỡ chúng tôi" và yêu cầu tân Tổng thống Ukraine giúp điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một đối thủ hàng đầu trong cuộc bầu cử năm 2020. Các nhà ngoại giao được chỉ định bởi Tổng thống Mỹ sau đó nói với các quan chức Ukraine rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky cần công bố công khai các thông tin thu được - một điều hiếm khi được thực hiện trong các cuộc điều tra hình sự hợp pháp. Điều này cho thấy kế hoạch này được thiết kế để tối đa hóa thiệt hại chính trị cho chiến dịch tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và không được thúc đẩy bởi một nỗ lực chân thành nhằm chống tham nhũng".

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nói về việc "trao đổi có đi có lại ở Nhà Trắng", nhiều nhân chứng cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cố gắng thiết lập một cuộc trao đổi với Ukraine để đảm bảo các cuộc điều tra về ông Joe Biden và đảng Dân chủ được thực thi. Ross Garber, một chuyên gia hàng đầu về luận tội của CNN cho biết: "Tôi nghĩ rằng rất có khả năng đảng Dân chủ sẽ chỉ ra rằng, có những điều kiện từ các hành động của Tổng thống đối với Ukraine.

Sau đó, câu hỏi trở thành, những điều kiện đó là hợp pháp hay bất hợp pháp? Bằng chứng rõ ràng nhất về cái được gọi là sự trao đổi là tin nhắn văn bản được gửi bởi Kurt Volker, đặc phái viên được lựa chọn cẩn thận của ông Donald Trump, gửi cho trợ lý hàng đầu của tân Tổng thống Ukraine, ông Andrey Yermak. Volker đã nhắn tin cho Yermak ngay trước khi ông Donald Trump gọi cho ông Volodymyr Zelensky.

Trung tá Alexander Vindman, chuyên gia hàng đầu về Ukraine trong Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, đã lắng nghe cuộc gọi của giữa Trump-Zelensky. Sau đó, ông làm chứng rằng dựa trên sự chênh lệch quyền lực "rộng lớn" giữa hai nhà lãnh đạo, yêu cầu của Tổng thống Donald Trump sẽ được hiểu là "một yêu cầu" và Tổng thống Volodymyr Zelensky cần phải "thực hiện đầy đủ".

Về cáo buộc mồi nhử viện trợ quân sự Mỹ, hãng CNN chỉ rõ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đóng băng 391 triệu USD hỗ trợ quân sự và an ninh cho Ukraine. Vài tuần sau, Đại sứ Mỹ tại Liên minh Châu Âu (EU) Gordon Sondland nói với Yermak rằng tiền có thể sẽ không được chuyển cho đến khi Ukraine tuyên bố điều tra.

Các nhân chứng khác gồm Vindman và Tim Morrison, hai quan chức trong Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng - những người đã nghe cuộc gọi của Trump-Zelensky cũng cho biết viện trợ quân sự có liên quan đến thông báo của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Đại sứ Bill Taylor, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ukraine, thì thừa nhận những gì Ukraine muốn đều dựa vào các cuộc điều tra.

George Kent, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ giám sát chính sách của Ukraine, đã khai rằng sự hỗ trợ của quân đội Mỹ đối với Ukraine là "cực kỳ quan trọng" nhưng "lợi ích đảng phái" đã cản trở chính sách của Washington. Ngay cả nhân viên trong Nhà Trắng Mick Mulvaney trong một cuộc họp báo vào tháng trước đã thừa nhận, sự trợ giúp của quân đội Mỹ đã bị giữ lại cho đến khi Ukraine điều tra các thuyết âm mưu về sự can thiệp của Nga vào năm 2016 và các máy chủ bị tấn công của Ủy ban quốc gia Dân chủ.

Một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ nhấn mạnh sự trao đổi này tương đương với "hối lộ" mà hối lộ được liệt kê trong Hiến pháp Mỹ là một hành vi phạm tội không thể chối cãi. Vẫn chưa rõ liệu đảng Dân chủ sẽ dùng những chiêu nào nữa để chống lại Tổng thống Donald Trump nhưng theo nhiều chiến lược gia, chỉ dùng những bằng chứng trên cũng là một chiến lược hiệu quả.

Rudy Giuliani - luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump.

Thêm vào đó, chỉ thị của ông chủ Nhà Trắng với luật sư riêng Rudy Giuliani để thúc ép nỗ lực bảo đảm các cuộc điều tra từ Ukraine cũng sẽ được nhắc tới. Đại sứ Bill Taylor, người chịu trách nhiệm thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở Ukraine nói: "Chính sách đối ngoại chính thức của Mỹ đã bị cắt xén bởi những nỗ lực bất thường do ông Giuliani điều hành".

Còn Đại sứ Gordon Sondland thì làm chứng rằng Tổng thống Donald Trump "chỉ đạo" ông, Volker và Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry phối hợp với Giuliani về Ukraine và các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Cựu cố vấn Nhà Trắng Fiona Hill làm chứng, cô và những người khác đã bị báo động bởi chính sách ngoại giao bóng tối của Giuliani và rằng cô đã báo cáo những lo ngại này cho Nhà Trắng...

Và phản bác của đảng Cộng hòa

Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã phàn nàn về quá trình đòi luận tội ngay từ đầu và cho rằng cuộc điều tra có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Thậm chí, ông Donald Trump còn viết tweet rằng, các quyền "đúng thủ tục" của ông đã bị chà đạp.

Nhưng chính mối quan tâm về việc các luật sư của ông Donald Trump không có vai trò được bảo đảm trong các vụ kiện riêng tư và phiên điều trần công khai cho thấy một điều là nhóm pháp lý của ông không thể kiểm tra chéo các nhân chứng. Đảng Cộng hòa cũng rất buồn vì họ không có quyền lực đơn phương để đưa ra trát đòi hầu tòa.

"Họ sẽ nói rằng quá trình này không được thiết kế để đi đến sự thật", Ross Garber nhận định và lưu ý rằng các luật sư của bà Hillary Clinton được trao quyền tham gia vào quá trình luận tội Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Hạ viện gần đây lại bổ nhiệm đại diện của đảng Cộng hòa là Hạ nghị sĩ Jim Jordan đến từ bang Ohio vào Ủy ban Tình báo Hạ viện, nơi xử lý các phiên điều trần luận tội công khai đầu tiên.

Hạ nghị sĩ Jim Jordan đã đưa ra trường hợp rằng cuộc điều tra là "hoàn toàn không công bằng" và tước đi quyền lợi theo thủ tục tố tụng của ông Donald Trump. Nếu Hạ viện bỏ phiếu luận tội, một số ít thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện có thể bảo lưu về hành động của Tổng thống với Ukraine và vẫn có thể bỏ phiếu tha bổng cho ông, đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì đã làm mờ cuộc điều tra.

Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ có quyền lực chính sách đối ngoại rộng lớn. Hiến pháp quy định Tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và trao cho Tổng thống quyền lực để thực hiện các hiệp ước và bổ nhiệm các Đại sứ, với sự chấp thuận của Thượng viện. Bên cạnh đó, Hiến pháp không phân định nhiều quyền lực chính sách đối ngoại khác".

Thông tin về phiên điều trần luận tội Tổng thống được đăng tải trên các tờ báo Mỹ.

Nhiều chuyên gia pháp lý đồng ý rằng các Tổng thống Hoa Kỳ đã tận dụng sự mơ hồ và im lặng của Hiến pháp này để tích lũy quyền lực hành pháp đáng kể đối với chính sách đối ngoại và ngoại giao.

Điều này có thể hữu ích cho ông Donald Trump, người trước đây đã tuyên bố rằng Điều II của Hiến pháp, nói lên quyền lực của Tổng thống, "cho phép tôi làm bất cứ điều gì tôi muốn". Luật sư của ông có thể lập luận rằng ông chỉ là người đặt ra chính sách đối ngoại của Mỹ - chứ không phải cấp dưới của ông tại Bộ Ngoại giao.

"Bạn chọn một Tổng thống và bạn đang theo đuổi ông ta vì lạm dụng quyền lực ở một khu vực gần như không thể lạm quyền, bởi vì ông ta có quyền gần như tuyệt đối trong khu vực đó", cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum nói trong lần trả lời phỏng vấn hãng CNN. Ông là một trong những thành viên đảng Cộng hòa - người đã thương lượng các quy tắc cho phiên luận tội của bà Hillary Clinton tại Thượng viện trước đây.

Do đó, theo Thượng nghị sĩ Rick Santorum, trọng tâm của cuộc điều tra treo trên các thỏa thuận ngoại giao của ông Donald Trump - không phải là vụ bê bối kiểu Watergate nơi mọi người rõ ràng đã vi phạm luật pháp. Các luật sư của ông Donald Trump cũng có thể tranh luận tại phiên luận tội rằng mặc dù đảng Dân chủ không thích những gì ông Donald Trump đã làm với Ukraine nhưng ông vẫn là Tổng thống và ông có thể xử lý ngoại giao nước ngoài theo ý muốn.

Chưa hết, để chứng minh rằng Tổng thống có tội, đảng Dân chủ sẽ cần chứng minh rằng ông ta có ý định tham nhũng khi ông chỉ đạo các nhà ngoại giao của mình làm việc với Giuliani và khi ông ta yêu cầu "ân huệ" từ tân Tổng thống Ukraine.

Cho đến nay, không ai làm chứng rằng Tổng thống nói rõ ràng với họ rằng ông ta đang thúc đẩy một cuộc trao đổi có đi có lại vì ông ta muốn làm suy yếu chiến dịch tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden hoặc tăng cơ hội được tái đắc cử của mình.

Những người bảo vệ của Donald Trump đã nói rằng các nhân chứng xác nhận việc trao đổi có đi có lại dựa trên nhận định, ý kiến của riêng họ hoặc đưa ra giả định, nghi ngờ... Hai trong số những nhân chứng đó là Taylor và Vindman, không bao giờ nói chuyện với ông Donald Trump. "Tôi không biết những gì trong tâm trí của Tổng thống", ông Taylor từng nói.

Một khả năng nữa là Tổng thống thực sự tin rằng các lý thuyết về uy tín mà ông và Giuliani đã thúc đẩy. Điều đó có nghĩa là ông Donald Trump đã hành động một cách thiện chí khi yêu cầu Tổng thống Volodymyr Zelensky kiểm tra xem Ukraine có phát hiện tin tặc Nga hay không, mặc dù chính phủ Mỹ tin chắc rằng quân đội Nga phải chịu trách nhiệm trong cuộc bầu cử năm 2016. Bộ Tư pháp đang xem xét nguồn gốc của cuộc điều tra Nga và Mulvaney nói rằng ông Donald Trump chỉ muốn người đồng cấp "hợp tác" với đánh giá đó.

Trọng tâm các cuộc điều trần xoay quanh mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và tân Tổng thống Ukraine. ảnh: QNS

Cuối cùng, về cáo buộc "trao đổi có điều kiện", theo lập luận của hãng CNN, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể rơi vào một cuộc tranh cãi lớn. Ngày 11-9-2019, Nhà Trắng công bố về gói viện trợ quân sự trị giá 391 tỷ USD cho Ukraine sau khi có các lời khai rằng có một cuộc trao đổi có đi có lại giữa hai nhà lãnh đạo. Các đồng minh của ông Donald Trump nói rằng tân Tổng thống Ukraine không hề biết về việc khoản tiền viện trợ bị đóng băng khi hai người gọi điện thoại cho nhau hôm 25-7-2019.

Tài liệu của đảng Dân chủ cung cấp cũng không rõ ràng bởi trong khi các báo cáo khẳng định Ukraine chỉ biết về khoản tiền bị đóng băng vào đầu tháng 8 thì những tin nhắn của Volker và lời khai của Taylor lại chỉ rõ, Tổng thống Ukraine biết rõ điều này vào ngày 28-8-2019.

"Những người được cho là đang thực hiện một cuộc mặc cả, ngã giá lại không hề biết được điều này cho đến hơn một tháng sau. Vậy thì cuộc trao đổi đó ra sao khi không ai biết được điều gì đang xảy ra?", Thượng nghị sĩ Rick Santorum nói.

"Nếu những người bảo vệ Tổng thống muốn bác bỏ cáo buộc về sự trao đổi có đi có lại giữa hai Tổng thống, họ chỉ cần tìm gặp Kent, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao phụ trách về chính sách với Ukraine. Ông này đã khai với các nhà lập pháp đảng Dân chủ là ông thấy nguy cơ một cuộc mặc cả. Nghĩa là cái cuộc mặc cả mà ông ta nói là do ông ta lo ngại, nghĩ như vậy chứ chưa chứng kiến.

Thực tế, trong "cuộc chiến luận tội và chống luận tội Tổng thống", đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có lý lẽ riêng của mình. Và cho dù kết quả có thế nào thì sự bất lợi lớn nhất lại không thuộc về hai đảng mà là an ninh quốc gia Mỹ, sự ổn định và đoàn kết bị xói mòn".

Huyền Chi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/cuoc-chien-luan-toi-va-chong-luan-toi-nham-vao-tong-thong-my-donald-trump-570016/