Đang hát Karaoke thì bị điện giật gây tử vong

Một người đàn ông ở Cà Mau bị điện giật tử vong khi đang hát Karaoke sau khi kết thúc tiệc giỗ mẹ...

Nạn nhân được xác định là ông Thái Huỳnh Đủ (58 tuổi, ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Ngày 15/8, sau tiệc giỗ mẹ, ông Đủ cùng người thân tổ chức hát karaoke.

Trong lúc đang hát, dây điện nối micro với dàn karaoke bị trục trặc nên ông đến sửa, thì bị điện giật ngã xuống sàn nhà.

Thấy vậy, người thân lao vào cứu nhưng bị điện giật bật ra ngoài. Khi kịp ngắt nguồn điện thì đã quá muộn, ông Đủ đã tử vong.

Nguy cơ điện giật từ các thiết bị điện tử gia đình - Ảnh minh họa

Theo khuyến cáo của cơ quan điện lực, khi phát hiện người bị điện giật phải nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách:

Ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, CB) hoặc rút phích cắm, cầu chì….

Lưu ý:

- Nếu trời tối thì phải chuẩn bị nguồn ánh sáng thay thế khi cắt nguồn điện;

- Nếu người bị nạn ở trên cao thì phải chuẩn bị để hứng đỡ khi người đó rơi xuống.

Nếu không cắt được nguồn điện có thể sử dụng:

- Kìm cách điện, búa, rìu, dao ... cán bằng gỗ để cắt, chặt đứt dây điện.

- Dùng vật cách điện (cây khô, sào nhựa…) tách dây điện ra khỏi người bị nạn (chú ý người cấp cứu phải đứng trên vật cách điện).

Túm vào quần, áo khô của người bị nạn để kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện (người cấp cứu phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, tay có găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi nilông và không được túm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn).

Sau khi đã tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện phải tùy vào các hiện tượng sau đây để xử lý thích hợp:

1. Người bị nạn chưa mất trí giác

- Để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh.

Sau đó mời y, bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, chăm sóc.

2. Người bị nạn đã mất trí giác:

- Đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh.

- Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra.

- Cho người bị nạn ngửi amoniac hoặc nước tiểu.

- Ma sát toàn thân người bị nạn cho nóng lên.

Mời y, bác sỹ đến hoặc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.

3. Người bị nạn đã tắt thở

- Đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí;

- Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra. Nếu lưỡi thụt vào thì phải kéo ra.

Tiến hành làm hô hấp nhân tạo ngay, phải làm liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sỹ quyết định mới thôi.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/dang-hat-karaoke-thi-bi-dien-giat-gay-tu-vong-d10455.html