Đáng khâm phục 'dị nhân' neo giữ hồn dân ca ví giặm xứ Lường

Từ một người phụ nữ tật nguyền, vượt lên số phận, người đàn bà ấy trở thành nơi 'neo giữ' hồn dân ca ví giặm ở xứ Lường. Người chúng tôi đang nói đến là chị Hoàng Thị Hoa, 42 tuổi, xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương, Nghệ An).

Vượt lên số phận

Chị Hoa là con đầu trong gia đình có 5 anh em, bố mẹ là cựu binh chống Mỹ. Ông trời đã ban tài năng bẩm sinh nhưng dường như cũng lấy đi của chị nhiều thứ.

Tay không cầm nổi micro nhưng không ngăn nổi tình yêu dân ca của chị Hoa

Lúc mới sinh ra, cơ thể bình thường, nhưng càng lớn chân tay chị càng teo tóp, mất dần khả năng đi lại. Mãi sau này chị mới biết, mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ người bố từng vào sống, ra chết trên chiến trường máu lửa.

Từ một học sinh giỏi, đặc biệt là môn văn, viết chữ đẹp nổi tiếng xứ Lường nhưng không thể tự mình đến trường, hết lớp 7 chị đành nghỉ học. Trở thành người tàn tật, mọi sinh hoạt của cá nhân đều phải dựa vào người thân, ai cũng nghĩ, ước mơ trở thành cô giáo dạy nhạc khép lại với chị từ đó. Nhưng như người ta vẫn nói, cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, nhất là đối với những người giàu nghị lực như chị. Chị không đầu hàng số phận, vẫn hi vọng ở ngày mai, một tương lai tươi sáng..

Với năng khiếu trời ban, lại được kế thừa tình yêu văn nghệ của người bố (đã mất năm 2005) là một nhạc công quân đội, cùng với sự nỗ lực của bản thân, chị đã từng bước trở thành một người sáng tác thơ, một bậc thầy về dân ca ví giặm xứ Lường.

Nhưng để bắt đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật, đối với một người lành lặn, năng khiếu thôi chưa đủ. Chị lại càng khó khăn hơn, sự cố gắng phải nhân lên gấp bội bên cạnh những người thầy tâm huyết. Năm 2000, khi nghe đài, xem ti vi, được nghe nghệ sỹ Hồng Lựu hát dân ca, lòng chị đã xao xuyến, hát theo và ước mong một ngày mình đạt được mơ ước. Lần khác, chị biết đến nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh ở huyện Anh Sơn. Say đắm dân ca, chị viết tâm thư bộc bạch nỗi lòng. Thương cảm người con gái tật nguyền yêu ví giặm, vợ chồng bà Thanh đã lặn lội về tận Tây Xuân để dạy dân ca cho chị.

Từ lúc nắm vững các làn điệu ví giặm, chị bắt đầu tập viết lời mới, các tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca với bút danh Quỳnh Hoa. Biết đến tài năng người phụ nữ tật nguyền, mỗi dịp lễ, hội, tết đến xuân về các ban ngành, đoàn thể, đơn vị ở địa phương lại đến nhờ chị viết. Chị say sưa viết, say sưa sáng tác để được sống mãi trong lòng công chúng. Sau gần 20 năm, những tác phầm lần lượt chào đời, chị cũng không còn nhớ nổi đã có bao nhiêu “đứa con tinh thần” do mình đứt ruột đẻ ra.

Vào ngày thứ 7 hàng tuần ngôi nhà chị Hoa lại vang lên những khúc hát dân ca

Nội dung sáng tác của chị khá phong phú, từ chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, người lính, đến xây dựng nông thôn mới, kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, nói không với thực phẩm bẩn… Tác phẩm nào cũng nóng hổi tính thời sự, chan chứa tình đời, tình người được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

“Nuôi” tình yêu dân ca

Thứ 7 hàng tuần, ngôi nhà của chị Hoàng Thị Hoa – Chủ nhiệm CLB Dân ca ví giặm Giang Sơn Đông lại rộn rã tiếng ca vui. Lời ca, tiếng hát được những thành viên trong CLB cất lên xao động lòng người.

Các thành viên quây tròn trên chiếc chiếu giữa nhà. Chị chủ nhiệm “tý hon” ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nhựa, mặt ngửa lên trần nhà, trông như một đứa trẻ lên 3. Do bị liệt chân, 2 tay rất yếu, nên một thành viên phải ngồi bên cạnh cầm micro “phục vụ”. Sau mỗi lời nhận xét, hát mẫu của chị Hoa, mọi người lại cùng hát theo những làn điệu mới. Tiếng hát cứ thế vang lên trong ngôi nhà nhỏ 3 gian. Vào những ngày nghỉ, chị thường dạy hát cho các bạn đoàn viên thanh niên trong xã, mùa hè dạy thêm cho các em học sinh. Các chiến sĩ ở Trung đoàn 1, sư đoàn 324 đóng tại địa phương cũng thường xuyên đến nhà chị để dàn dựng, tập luyện những tác phẩm mà chị viết.

Thấy bà con trong xã yêu mến dân ca, cách nay gần 2 năm, chị đã thành lập CLB dân ca ví giặm Giang Sơn Đông 2 với 32 thành viên, duy trì sinh hoạt thường xuyên vào thứ 7 hàng tuần. Chị đã dành một phần tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng của bản thân để mua nhạc cụ (đàn, sáo, nhị, trống… ) phục vụ cho việc tập luyện của CLB.

Sức khỏe ngày càng yếu, không thể cầm bút viết, chị Hoa lại sáng tác thơ nhạc qua chiếc điện thoại

Thành viên CLB Dân ca Giang Sơn Đông có những người tuổi đời còn rất trẻ, cũng có những người đã lên chức ông, chức bà. Ở họ đều có chung một tình yêu sâu nặng đối với dân ca. Từ những lời của chị biên soạn, vẻ đẹp quê hương Giang Sơn Đông được phổ thành nhạc, trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho mọi lứa tuổi. Chị như một người “thầy” say mê, cần mẫn truyền lửa dân ca cho mọi người.

Hai năm trở lại đây, chị không thể tự ngồi, cầm bút như trước, mà chỉ nằm ngửa viết trên điện thoại. Lúc xoay trở thân mình ở trên giường hay trên ghế cũng phải nhờ đến người thân. Mỗi lần sinh hoạt CLB, cơ thể lại đau nhức, chị phải uống thuốc giảm đau từ đêm trước. Hát hay chưa đủ, chị còn cảm thấy cần phải sửa đổi cách luyến láy, cách nhấn nhả âm cho phù hợp, chị lên mạng để xem cách dạy hát dân ca. Cùng với đó, để tiếp tục “nuôi” dân ca, chị Hoa đã liên lạc với các nghệ nhân nổi tiếng về dạy hát cho chị và các thành viên CLB. Những lời ví giặm do chị biên soạn đã có mặt ở khắp các sân khấu hội thi của xã Giang Sơn Đông nói riêng và huyện Đô Lương nói chung.

“Dân ca xuất phát từ đời sống lao động, thể hiện ước mơ, khát vọng của người dân và lâu nay đã chảy trong huyết quản bao người, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bởi vậy, tôi mong muốn được truyền lửa niềm đam mê của mình cho nhiều người để không làm mai một đi giá trị văn hóa tinh thần quý báu ấy. Tôi mong muốn ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ được lan tỏa hơn nữa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ…” – chị Hoa trăn trở.

VĂN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dang-kham-phuc-di-nhan-neo-giu-hon-dan-ca-vi-giam-xu-luong-post216368.html