Đăng Khôi - Thủy Anh gần 10 năm chăm hai mẹ bị ung thư

Thủy Anh cho biết vợ chồng cô từng bán xe lo viện phí, trải qua hàng chục lần đưa hai mẹ sang Singapore điều trị ung thư.

- Trở về sau đợt điều trị ung thư tại Singapore, sức khỏe mẹ chồng chị thế nào?

- Vợ chồng tôi đưa mẹ sang Singapore chữa bệnh từ hồi tháng Ba. Đến nay, sức khỏe của bà đã cải thiện rất tốt. Bác sĩ nhận định mọi chỉ số dần ổn định. Bệnh ung thư máu được kiểm soát, mẹ có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Trước đó, mẹ chồng tôi phát hiện ung thư năm 2013. Bà đã có đợt điều trị đầu điên tại Singapore ở giai đoạn này. Nhờ đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, mẹ khỏe mạnh cho đến gần đây mới tái phát. Rất may, đợt điều trị mới cũng cho kết quả tốt. Chúng tôi đã đưa mẹ về nhà nghỉ ngơi, chăm sóc và theo dõi theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thủy Anh - Đăng Khôi đưa mẹ về nước sau đợt điều trị, hôm 7/6.

Thủy Anh - Đăng Khôi đưa mẹ về nước sau đợt điều trị, hôm 7/6.

Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn vì mẹ đã cố gắng chiến đấu với bệnh tật để tiếp tục sống vui, khỏe cùng con cháu. Cả nhà đã trải qua một hành trình dài với nhiều cảm xúc từ lo lắng, sợ hãi đến tin tưởng và hy vọng. Đây không phải lần đầu tiên tôi chứng kiến người thân đối mặt với căn bệnh nguy hiểm. Ba năm trước, tôi cũng từng đưa mẹ đẻ sang Singapore điều trị ung thư tử cung.

- Chị trải qua những cảm xúc gì khi trong vòng 10 năm phải hai lần đối mặt chuyện người thân bị ung thư?

- 10 năm qua, đã có rất nhiều điều xảy đến với gia đình tôi. Nhưng chúng tôi đều ở độ tuổi trưởng thành và xác định được sẽ phải đối mặt vấn đề sức khỏe của bố mẹ. Nếu may mắn, những tình huống xấu có thể đến muộn. Nhưng nó đến sớm thì chúng tôi phải chấp nhận và bình tâm giải quyết.

Những lúc như vậy, bên cạnh tôi luôn có anh Khôi. Anh là người đứng ra gánh vác, đưa quyết định để cả gia đình cùng chí hướng, quyết tâm chữa bệnh cho các mẹ.

Nhớ lại năm 2013, tôi và anh Khôi đang tràn ngập hạnh phúc để chuẩn bị cho đám cưới. Lúc đó, tôi đã nghĩ cuộc sống của mình rồi đây sẽ rất ổn định vì kinh tế, tinh thần đều vững vàng. Trong tưởng tượng, vợ chồng tôi sẽ có khoảng thời gian đẹp nhất để cùng nhau tận hưởng. Nhưng không may, đó cũng chính là giai đoạn mẹ chồng tôi phát ung thư.

Mẹ khi ấy sức khỏe đã xuống dốc và đau rất nhiều. Bà phải tiêm thuốc hỗ trợ để có thể đứng được trong lúc làm lễ. Sau đám cưới, vợ chồng tôi đưa mẹ đi khắp nơi thăm khám và các bác sĩ đều nói bà không còn nhiều thời gian nữa. Tôi và chồng đều trăn trở, nghĩ xem có cách nào để mẹ nhanh hồi phục và cả nhà họp nhau, quyết định đưa mẹ sang Singapore.

Tôi cũng có lúc trách móc "Tại sao bất hạnh lại rơi trúng người thân của mình?" nhưng hiểu rằng đau khổ cũng không giải quyết được gì. Anh Khôi khích lệ mọi người phấn chấn để tạo động lực cho mẹ vì bệnh nhân ung thư chủ yếu "sống bằng tinh thần".

Thủy Anh đưa mẹ chồng đi dạo khi chữa bệnh ở Singapore.

- Tài chính là áp lực cho hầu hết gia đình có bệnh nhân ung thư. Vợ chồng chị đã sắp xếp thế nào để có đủ điều kiện đưa mẹ ra nước ngoài chữa bệnh?

- Chấp nhận đưa mẹ sang Singapore điều trị, chúng tôi xác định phải chi một khoản tiền lớn, thậm chí vượt ngoài khả năng của hai vợ chồng. Cảm giác khó tả hơn khi chúng tôi không biết số tiền lớn ấy có thể giúp mẹ khỏe mạnh trở lại hay không. Viện phí thực sự là con số không nhỏ. Ngay khi bác sĩ lên phác đồ điều trị, dự trù kinh phí đã đến vài tỷ đồng. Trong thời gian ngắn, chúng tôi khó xoay xở nên đã bán nhanh chiếc xe để lo cho mẹ. Tiếp đó, chúng tôi tính nhiều cách khác rồi có thêm sự đồng hành của bố và các em.

Quá trình điều trị của mẹ chồng tôi trải qua 10 đợt hóa trị. Sau đợt cuối cùng, bà sẽ được lọc tế bào gốc và ghép tủy tự thân. Phẫu thuật này rất tốn kém, chi phí khoảng gần hai tỷ đồng. Ngoài ra, riêng tiền nằm theo dõi tại phòng vô trùng suốt 30 ngày, mỗi ngày cũng tốn chừng 50-70 triệu đồng.

Hầu hết các lần mẹ sang Singapore chữa bệnh, tôi và anh Khôi đều cùng nhau đưa bà đi. Vé máy bay khứ hồi 10 lần cho cả nhà, chi phí đi lại, ăn ở... cũng không hề rẻ hơn viện phí. Toàn bộ quá trình, chúng tôi tốn gần 5 tỷ đồng trong vòng 4-5 tháng. Hiện mẹ đã khỏe mạnh để về nhà với con cháu nhưng chúng tôi biết rất có thể trong tương lai, căn bệnh sẽ tái phát. Nên vợ chồng tôi sẽ nỗ lực làm việc, đầu tư bất động sản để có nguồn tài chính vững vàng và chủ động để sau này lo cho bố mẹ.

Thủy Anh ở bên mẹ chồng khi bà lấy kiểm tra sức khỏe.

- Chị nhớ nhất điều gì trong những lần chăm mẹ chồng, mẹ đẻ chữa bệnh ở nước ngoài?

- Cả mẹ đẻ và mẹ chồng tôi đều trải qua những đợt hóa trị căng thẳng. Hai bà đều phải chứng kiến khoảnh khắc sức khỏe đi xuống, cơ thể thay đổi và gương mặt, làn da không còn được như trước. Tôi nhớ nhất lúc tóc mẹ bắt đầu rụng sau những đợt truyền hóa chất. Khi mẹ đưa tay lên vuốt tóc, tóc rụng xuống từng mảng, khiến tôi rất xúc động.

Nhưng hai mẹ đều rất mạnh mẽ. Họ không khóc mà chủ động nói tôi đưa ra tiệm để cắt sạch phần tóc còn lại. Ngay sau đó, tôi đã mua cho mẹ một bộ tóc giả thật đẹp. Tôi coi đó như cách giúp mẹ thay đổi ngoại hình. Trông mẹ rất khác và xinh đẹp.

Hai lần sinh thiết gần đây của mẹ chồng tôi, tôi đều một mình ở cạnh bà. Tôi nắm tay động viên, trò chuyện để bà quên đau trong lúc bác sĩ đưa mũi khoan vào cột sống để lấy tủy. Khi bà đau quá, hai mẹ con cùng khóc. Tôi nghĩ tình cảm mẹ con tôi dành cho nhau chẳng khác nào ruột thịt.

Những lần tôi đưa mẹ đẻ đi điều trị cũng rất đáng nhớ. Năm 2019, chúng tôi bị kẹt lại Singapore suốt hai tháng vì nước này phát lệnh phong tỏa, dừng toàn bộ chuyến bay do Covid-19. Khi đó, tôi đã nhiều lần viết thư "cầu cứu" đại sứ quán Việt Nam để xin được về nhà trên chuyến bay giải cứu. Và sau nhiều ngày chờ đợi, hai mẹ con cũng lên máy bay, hồi hộp trở về quê hương.

Thủy Anh và mẹ đẻ trên chuyến bay từ Singapore về Việt Nam sau gần ba tháng mắc kẹt.

- Vợ chồng chị đã làm gì để khích lệ lẫn nhau những những lúc bế tắc nhất?

- Chồng tôi là người tích cực. Anh ấy luôn nhìn thấy điểm sáng trong những hoàn cảnh tối tăm nhất. Nên anh ấy thường là điểm tựa, động viên và truyền hy vọng cho tôi. Những lúc mệt mỏi, vợ chồng tôi thường ngồi tâm sự, cùng nhau ôn lại những giai đoạn khó khăn mà hai đứa đã vượt qua. Khi kể lại những câu chuyện ấy, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, yêu thương và trân trọng nhau hơn. Tôi nghĩ đến những điều anh Khôi đã hy sinh cho tôi và anh ấy cũng nghĩ về những điều mà tôi đã làm cho anh ấy. Từ đó, chúng tôi tiếp tục cố gắng.

- Sau những lần cùng nhau vượt qua khó khăn, tình cảm vợ chồng chị phát triển thế nào?

- Tôi nghĩ ông trời đã thử thách hai vợ chồng rất nhiều. Nhưng quan trọng hơn cả là trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi đều yêu thương, thấu hiểu và cùng hy sinh cho gia đình. Tôi nghĩ, dù khó khăn thế nào, chỉ cần có tình yêu thì ta sẽ vượt qua. Khó khăn chỉ giúp cả hai đồng lòng hơn trong việc vun đắp cho tổ ấm và phát triển sự nghiệp. Vì thế, dù có vất vả, tốn kém thế nào, chúng tôi không thấy tiếc nuối. Thậm chí, tiền bạc được chi ra rất xứng đáng vì vừa giữ được sức khỏe cho các mẹ, vừa giúp tôi tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc bên các thành viên trong gia đình.

- Chị nghiệm ra điều gì sau chặng đường dài đồng hành với người thân điều trị ung thư?

- Căn bệnh ung thư đã cho tôi rất nhiều bài học khi mà gia đình tôi có đến hai người mắc phải căn bệnh này. Bài học đầu tiên là việc giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ bệnh tật cũng xuất phát từ những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Để phòng tránh nó, không cách nào khác là ta phải điều chỉnh lại thói quen, sở thích sao cho có lợi cho sức khỏe.

Khi mẹ đẻ tôi là người thứ hai trong nhà bị ung thư, tôi đã không còn cảm thấy căn bệnh này quá đáng sợ. Tôi coi nó giống như một bệnh mãn tính và khi nó đến thì đối mặt, chữa trị. Nếu giữ được tinh thần lạc quan cho bản thân và các thành viên trong gia đình, bệnh nhân sẽ có nghị lực để điều trị và từ đó đáp ứng tốt phác đồ, kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.

Và bệnh tật giúp tôi thấy rằng cuộc đời ngắn hay dài không quan trọng bằng việc tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau mỗi ngày. Nếu được vậy, cuộc sống dù ngắn ngủi vẫn xứng đáng, không uổng phí.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dang-khoi-thuy-anh-gan-10-nam-cham-hai-me-bi-ung-thu-172220611105536246.htm