Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nông sản còn khó khăn

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, ngay cả khi đã đăng ký bảo hộ rồi thì doanh nghiệp cũng không phải dễ dàng bảo vệ quyền được bảo hộ của mình.

Đây là nhận định của ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh tại hội thảo "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp" do Hội Nông dân Việt Nam và Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 31-10.

Các diễn giả tại Hội thảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Mỹ Huyền

Ông Thông cho hay Tập đoàn Phúc Sinh sau khi đăng ký thương hiệu vài năm rồi mới phát hiện có một công ty khác cũng đăng ký kinh doanh cùng tên doanh nghiệp và ngành nghề của mình. Phúc Sinh phải mất 5 năm mới lấy lại thương hiệu, giải tỏa được các chủ hàng đòi nợ nhầm.

Đến nay, ông Thông cũng chưa biết được nguyên nhân tại sao công ty bị kiện lại được cấp giấy phép kinh doanh với cái tên bị trùng như vậy. Nhưng thiệt hại từ việc bị xâm phạm thương hiệu không chỉ có những thiệt hại về kinh doanh, Phúc Sinh còn phải tốn tiền thuê luật sư cho vụ kiện và công tác truyền thông đến khách hàng phát sinh trong vòng 5 năm để giữ được tên tuổi.

Trên đây là trường hợp đã được bảo hộ, nhưng không phải khi nào đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng được cấp phép. Ông Thông cho biết nhãn hiệu một sản phẩm của tập đoàn này đã gặp trường hợp hàng nhái sau khi bán hàng ra thị trường. Tuy nhiên, khi đi đăng ký bản quyền thì không được bảo hộ tên thương hiệu mà chỉ được bảo hộ hình ảnh của nhãn hàng này.

Vậy nên, khi các sản phẩm có cùng tên được bày bán ở các siêu thị thì tập đoàn này cũng đành chịu, không thể kiện được.

Tuy nhiên không phải nhà làm nông nghiệp nào cũng biết về quyền SHTT. Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn nhận định, trên thực tế người dân vẫn chưa được khuyến khích để bảo hộ những sản phẩm của mình. Do vậy, nhiều hộ nông dân chưa biết đến việc bảo hộ SHTT nên chấp nhận giữ việc kinh doanh của mình nhỏ lẻ để tránh bị sao chép sản phẩm.

Một số điều kiện của việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã làm nhà nông chậm bước trong việc mở rộng kinh doanh của mình. Trong hơn 3-4 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất nông nghiệp giỏi đang mong muốn có được bảo hộ sản phẩm nông nghiệp về thương hiệu, nhãn mác và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của họ nhưng lại chưa có nhiều hộ nông dân có được quyền bảo hộ cho sản phẩm của mình.

Một nhà nông kể với ông Sơn về việc kinh doanh dịch vụ bắt muỗi của mình mỗi ngày thu về được 200.000 đồng từ máy sơ chế do anh tự làm ra với giá chỉ có 50.000 đồng. Anh không dám thuê người làm cho mình hay làm thêm máy vì sợ người khác sao chép.

Do đó, ông Sơn mong muốn các cơ quan chức năng nên tuyên truyền hướng dẫn chi tiết hơn đến các hộ nông dân về quyền lợi và cách thức theo từng bước để nông dân hiểu làm cách nào để được bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm nông nghiệp.

Ông Sơn đã tiếp xúc với một hộ trồng ớt ở Củ Chi theo công nghệ của New Zealand không xuất sang các nước châu Âu được vì thiếu chỉ dẫn địa lý. Mất mấy năm trời hộ dân vẫn chưa xin được quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tương tự như vậy, một hộ nông dân ở Bắc Giang sản xuất sản phẩm thịt vịt trời phải mất 2 năm để xin được giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang Nhật Bản. Khi chưa có giấy chứng nhận anh chỉ bán đươc với giá 60.000 đồng/kg trong nước, trong khi xuất khẩu anh bán được với 900.000 đồng/kg.

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng do việc bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm nông nghiệp còn mới, nhận thức của xã hội, bản thân nhà nông cũng chưa ý thức được quyền thụ hưởng của họ khi đăng ký bảo hộ.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281033/dang-ky-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-nong-san-con-kho-khan.html