Đang làm rõ thông tin giang hồ bảo kê máy gặt tại Hà Tĩnh

Sau khi Báo Lao Động có bài viết phản ánh giang hồ bảo kê máy gặt lúa ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Bí thư huyện ủy Kỳ Anh đã trực tiếp đi xác minh và chỉ đạo công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ.

Chiếc máy gặt duy nhất tại thôn Quang Trung lấy giá gặt rất cao nhưng người dân phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Trần Đình Gia - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - cho biết, ngay sau khi Báo Lao Động có bài viết "Giang hồ bảo kê máy gặt nông dân khốn khổ", đăng chiều 11.9, ngay sáng 12.9, ông Gia cùng một Phó trưởng Công an huyện đã trực tiếp xuống xã Kỳ Xuân để xác minh, làm rõ.

Qua xác minh, ông Gia khẳng định, "việc Báo Lao Động phản ánh chủ máy gặt tự ý thu quá so với quy định của địa phương từ 10.000 - 20.000đ/sào là có cơ sở", đồng thời chỉ đạo xã Kỳ Xuân không được để cho chủ máy gặt thu quá so với quy định của địa phương ở phần diện tích còn lại, không được để hiện tượng của thôn Quang Trung xảy ra ở các địa phương khác trên toàn huyện, kể cả những mùa vụ tiếp theo.

Bí thư huyện Kỳ Anh cũng chỉ đạo công an huyện phối hợp với Công an xã Kỳ Xuân điều tra, làm rõ thông tin giang hồ bảo kê máy gặt tại xã này.

"Chúng tôi rất cảm ơn báo đã phản ánh. Ngay sau khi báo đăng, chúng tôi đã vào cuộc ngay và tiếp thu rất nghiêm túc" - ông Gia nói.

Ông Gia cũng khẳng định, khi đang còn là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông đã rất bức xúc trước hiện tượng giang hồ bảo kê máy gặt lúa ở địa bàn huyện Kỳ Anh. Nay làm Bí thư huyện Kỳ Anh thì hiện tượng này tiếp tục xảy ra khiến ông rất bức xúc, phải trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo rà soát cả toàn huyện để ngăn chặn ngay.

"Hôm tôi xuống làm việc với xã, có người nói không có việc bảo kê máy gặt. Tôi nói việc này không thể kết luận ngay như vậy được mà phải để công an vào cuộc điều tra, làm rõ đã. Còn rõ ràng là có việc thu tiền gặt cao hơn quy định. Việc này cả nông dân và chủ máy đều thừa nhận rồi" - ông Gia nói.

Trước thông tin đối tượng bảo kê hoạt động rất tinh vi, như lời Trưởng Công an xã là không có cơ sở để xử lý, ông Gia nói: "Thế mới chỉ đạo công an huyện vào cuộc điều tra, chứ nó mà hoạt động sờ sờ ra đó thì còn gì phải điều tra nữa".

Ông Gia cũng bức xúc cho biết, giá thuê máy gặt vụ này ở những nơi khác phổ biến chỉ 130.000 đồng, còn xã Kỳ Xuân quy định cho thu đến 160.000 đồng/sào là quá cao, là "ghê gớm lắm rồi". Thế mà máy gặt còn lấy lên 170.000 - 180.000 đồng/sào là không chấp nhận được.

Công an xã Kỳ Xuân có văn bản cho thu tối đa không quá 160.000 đồng/sào, thế nhưng thực tế chủ máy gặt lấy 170.000 - 180.000 đồng/sào. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Lê Đình Đức - Trưởng Công an xã Kỳ Xuân khẳng định, vài năm nay, tại cánh đồng thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân có một đối tượng có tiền án tiền sự ở xã Kỳ Bắc kết nối đưa máy gặt về gặt lúa ở thôn Quang Trung và thường lấy giá cao hơn mặt bằng chung. Như năm nay, xã niêm yết tối đa 160.000 đồng/sào nhưng chủ máy thu 170.000đ - 180.000 đồng. Tuy nhiên, cái khó là người dân không tố bị ép giá nên không có cơ sở xử lý.

Ông Đức cũng đặt ra câu hỏi, không hiểu tại sao, vụ mùa năm 2017, trưởng thôn kết nối đưa một máy khác về để gặt lúa cho dân sau đó lập tức bỏ đi mà không dám ra đồng gặt. Vụ hè thu năm nay, đích thân ông gọi đưa 2 máy gặt ở tỉnh Thanh Hóa vào. Thế nhưng, không hiểu sao khi vào đến huyện Cẩm Xuyên (giáp ranh với huyện Kỳ Anh) thì chủ máy bỗng dưng gọi điện nói không vào gặt cho xã Kỳ Xuân nữa.

TRẦN TUẤN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dang-lam-ro-thong-tin-giang-ho-bao-ke-may-gat-tai-ha-tinh-630809.ldo