Đặng Lê Nguyên Vũ xưng 'qua' thể hiện thái độ gì?

Sau cuộc trò chuyện giữa 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ với một số cá nhân, ngôi xưng hô 'qua' và gọi 'anh chị em' đang được cộng đồng mạng 'chế' ra nhiều câu chuyện, hình ảnh hài hước. Đến các giáo sư ngôn ngữ cũng lên tiếng giải thích về cách xưng hô đặc biệt này.

Không phải bỗng dưng là cách xưng hô "qua" gọi người khác là "anh chị em" được cộng đồng mạng "chế" thành những nội dung bi hài. Là bởi sau nhiều năm vắng bóng với truyền thông, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã xuất hiện, sử dụng ngôn ngữ lạ lùng ấy mà đối tượng tiếp nhận lại là các nhà báo, luật sư.

Lý giải về cách xưng hô này, dưới góc nhìn ngôn ngữ, các chuyên gia cho rằng ngôi xưng hô "qua" là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, thuộc phương ngữ miền Trung-Nam Bộ. Tuy nhiên, ý nghĩa, thái độ hàm chứa xung quanh việc sử dụng đại từ này vẫn đang là chủ đề được tranh cãi, "mổ xẻ".

Theo một số chuyên gia, đại từ "qua" mang ý nghĩa gần gũi, thân mật và thường sử dụng với người đặc biệt thân quen song cũng có ý kiến cho rằng đây là cách xưng hô hàm chứa thái độ của "kẻ cả". Cụ thể, Giáo sư Lê Phương Nga (ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích: "Nguyên tắc dùng "qua" là người nói phải lớn tuổi hơn người nghe rất nhiều. Chẳng hạn như ông cụ 80 tuổi nói với lớp 30, 40 tuổi".

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Còn PSG.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định, "qua" là phương ngữ hoàn toàn thuần Việt, sử dụng tương tự như từ "tao", thân tình, bỗ bã với nhau, người trên nói với người dưới. Từ này cũng chỉ có đàn ông lớn tuổi dùng, phụ nữ cũng không sử dụng. Từ này không phổ biến lắm dù cũng không đến nỗi quá xa lạ với người Việt.

Bình luận về việc "vua cà phê" xưng "qua", PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng theo ông, ông Vũ hoàn toàn không nên dùng trong trường hợp này, chỉ nên dùng đại từ phổ biến, trung tính.

Trong các tác phẩm văn chương, dấu ấn của đại từ này còn lưu lại ở một số tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh như những câu: "Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành". Cách xưng hô cộng với trang phục và những câu chuyện "ly kì" về ông Đặng Lê Nguyên Vũ thực sự đã gây "sốt" khắp cộng đồng mạng.

Không ít ý kiến cho rằng, với một người có cá tính khác lạ như ông Vũ thì việc xưng "qua" hay một ngày nào đó xưng "ta", "tao" cũng chẳng có gì lạ. Nhiều năm trở về trước, trong văn chương, cải lương, kịch nói hay ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ, từng "qua" được sử dụng rất ngọt ngào, gần gụi.

Trong ca khúc "Phải lòng con gái Bến Tre" phổ thơ Phan Huy Tấn có câu: "Bậu sang phà Rạch Miễu/ Qua lẽo đẽo theo sau/ Đội bóng trăng trên đầu/ Tưởng như áo cô dâu…". Trong nhiều thước phim tư liệu về vùng Nam Bộ, những cặp xưng hô "qua - em", "qua - bậu" được sử dụng rất nhiều, rất bình dân, ấm áp.

Như vậy, việc dùng từ "qua" không hẳn mang vai vế, thái độ của "kẻ cả" song vấn đề cốt yếu là ngôn ngữ ấy được sử dụng trong văn cảnh nào, đối tượng tiếp nhận là ai. Một trong những yếu tố gây "sóng gió" ngôn ngữ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chính là cử chỉ, hành động của ông tại cuộc gặp gỡ.

Và có lẽ, nếu người xưng "qua" không phải ông Vũ, không với một thái độ khoanh chân, người khác cúi đầu gọi ông là "chủ tịch tôn kính" thì cũng chẳng đến mức ồn ào, bàn luận.

T.Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/dang-le-nguyen-vu-xung-qua-the-hien-thai-do-gi-20180817184011438.htm