Đáng lo khi gần 15 triệu người Việt mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.

Ngày 10/10, Bộ Y Tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10, với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch Covid-19. Ướ́c tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên).

Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…

Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần có nhận thức đúng về rối loạn tâm thần, chống lại sự kỳ thị đối với người rối loạn tâm thần.

Mặc dù có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả nhưng điều đáng buồn là hầu hết người bệnh tâm thần trên thế giới không được phát hiện sớm, quản lý điều trị hiệu quả về y tế và xã hội do việc tiếp cận với các trị liệu còn hạn chế.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nghĩa là chủ yếu có ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

Còn tại các trạm y tế xã phường chủ yếu thực hiện khám bệnh, kê đơn điều trị theo các chỉ định của tuyến trên. Hơn thế nữa trị liệu chủ yếu là dùng thuốc. Tâm lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc chưa được phát triển đầy đủ.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, cùng với tổn thất về sức khỏe thể chất, chúng ta đã thấy người dân và kể cả cán bộ y tế phải chịu đựng những vấn đề về sức khỏe tâm thần rất lớn như trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được nhiều để giảm bớt gánh nặng này.

“Qua đây càng thấy rõ nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các cơ sở đa khoa, chuyên khoa khác, lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời cần phát triển tâm lý trị liệu và các giải pháp không dùng thuốc khác”, ông Khuê cho hay.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn kêu gọi các cơ quan của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm cả chuyên khoa sâu và chăm sóc sức khỏe tâm thần cơ bản trong các cơ sở y tế khác và tại cộng đồng, cả chữa trị bằng thuốc và không bằng thuốc.

Sở Y tế tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế bên cạnh củng cố các bệnh viện chuyên khoa tâm thần cần thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên khoa khác có nhiều người mắc rối loạn tâm thần kèm theo như sản khoa, nhi khoa, lão khoa, ung bướu…, lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đối với người dân, cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bởi mỗi chúng ta đều có thể có những rối loạn tâm thần nhất định cũng như có như vậy thì việc điều trị người bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan.

Bên cạnh đó cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người chung quanh.

Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022, với một trong số các nội dung của mục tiêu chung là:

Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng riêng một đề án cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần là Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dang-lo-khi-gan-15-trieu-nguoi-viet-mac-10-roi-loan-tam-than-thuong-gap-d175154.html