Đang mang bầu có giúp người mẹ thoát tội?

Xuất phải chỉ từ việc con gái thường xuyên đi vệ sinh không bảo mẹ, thay vì nhắc nhở, dặn dò con, người mẹ này nhiều lần đánh đập, bạo hành gây thương tích dẫn đến việc bé phải nhập viện điều trị với khuôn mặt bầm tím.

Trước đó, đêm 6-3, qua công tác nắm tình hình và được quần chúng nhân dân giúp đỡ, CA huyện Cẩm Giàng phát hiện tại phòng thuê trọ của gia đình ông Trần Ngọc Nhiên ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường có một bé gái bị nhốt một mình khóc lóc kêu cứu.

Qua xác minh, cháu bé 6 tuổi có tên V.N.P.C. đang ở cùng mẹ đẻ là Vũ Thị Th. và em gái ruột V.P.M. (2 tuổi) đều có hộ khẩu thường trú tại thôn 2, xã Định Sơn (cùng huyện Cẩm Giàng). Do bức xúc về việc cháu C. thường xuyên đi vệ sinh không bảo mẹ nên vào các ngày 18 và 20-2, ngày 4 và 6-3, Th. nhiều lần chửi, đánh cháu C. gây thương tích và nhốt tại phòng trọ không cho ra ngoài.

Chân dung Vũ Thị Th., người có hành vi ngược đãi con

Chân dung Vũ Thị Th., người có hành vi ngược đãi con

Vào cuộc xác minh, CA huyện Cẩm Giàng nhận định, hành vi bạo hành con gái ruột của Vũ Thị Th., SN 1996, trú tại xã Định Sơn, hiện đang thuê trọ tại thôn Quý Dương, xã Tân Trường có dấu hiệu của “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 185 BLHS.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại Vũ Thị Th. đang mang thai 6 tháng nên CQCA không áp dụng biện pháp bắt tạm giam và đợi kết quả điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Khi phát hiện sự việc, CA huyện Cẩm Giàng phối hợp chính quyền xã Tân Trường cùng người dân đưa cháu C. đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện. Sau đó, cháu C. được chuyển lên điều trị tại BVĐK tỉnh Hải Dương. Hiện cháu V.N.P.C. đang được bà ngoại và dì ruột chăm sóc, tình hình sức khỏe và tâm lý của cháu V.N.P.C. đã dần ổn định.

Vậy, việc đang mang bầu có phải tình tiết khiến người mẹ này thoát tội ngược đãi con? Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Duy Hoàng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trẻ em là đối tượng được Nhà nước và các cấp chính quyền bảo vệ và chú trọng chăm sóc phát triển. Điều 65 Hiến pháp 1992 đã khẳng định: “Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”.

Theo quy định của pháp luật mọi hành vi mang tính ngược đãi, bạo hành trẻ em đều là hành vi trái quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi pháp luật có các biện pháp xử phạt cụ thể.

Luật sư Hoàng cho rằng, nạn nhân trong vụ bạo hành trên được xác định là bé gái 6 tuổi. “Bé gái là con ruột của Vũ Thị Th., người gây ra hành vi bạo hành. Độ tuổi cháu bé hạn chế cả về nhận thức, hạn chế về thể lực và chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó, trường hợp này, nạn nhân là người bị phụ thuộc vào mẹ ruột của mình. Tuy nhiên, người mẹ này đã nhiều lần đánh đập, bạo hành, gây thương tích, thậm chí nhốt con gái trong phòng trọ”, luật sư Hoàng phân tích.

Từ đó, luật sư Hoàng cho rằng, hành vi của người mẹ này đã có dấu hiệu của “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 185 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi của người mẹ có dấu hiệu ngược đãi, hành hạ con ruột của mình. Với hành vi này, Vũ Thị Th. có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm theo khoản 2 Điều 185 BLHS.

Hiện Vũ Thị Th. đang mang bầu, do đó theo các quy định của pháp luật trong trường hợp này không cần áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, theo quy định về các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 BLHS, việc phụ nữ mang thai không phải là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. “Đây chỉ là một yếu tố để xem xét áp dụng mức hình phạt, loại hình phạt hoặc các biện pháp tố tụng cụ thể. Do đó, nếu kết quả điều tra xác định hành vi của đối tượng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng này sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Hoàng nêu ý kiến.

Quốc Doanh - Đức Điệp

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dang-mang-bau-co-giup-nguoi-me-thoat-toi-230778.html