Đáng ngại trầm cảm

Nhiều trẻ trầm cảm được đánh giá là nhút nhát, lười biếng, thậm chí có cha mẹ còn cho rằng con cứng đầu, không biết nghe lời. Không ít trẻ trầm cảm bị chẩn đoán nhầm thành rối loạn tăng động giảm chú ý, phản ứng tạm thời với stress…

Trẻ trầm cảm gia tăng

Báo cáo Sức khỏe vị thành niên thế giới 2014 nêu rõ trầm cảm là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tật và tàn tật ở độ tuổi vị thành niên (10-19 tuổi), quá nửa các rối loạn tâm thần xuất hiện trước tuổi 14 nhưng thường bị bỏ sót. Theo Viện hàn lâm Tâm thần Nhi khoa Mỹ, khoảng 2% trẻ nhỏ và 4-8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm, nghĩa là khoảng 6-10% trẻ em nói chung mắc chứng bệnh này. Trung bình cứ 10 trẻ thì có một bị trầm cảm khi lên 16 tuổi.

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của BV Tâm thần ban ngày (Hà Nội) với trên 1.200 học sinh ở HN (bậc tiểu học và THCS), có gần 19,4% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần chung, trong số các ca tự sát có 10% ở lứa tuổi từ 10 đến 17, nguyên nhân chủ yếu là do học hành.

Mới đây, một nữ sinh lớp 8 ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nhảy sông tự tử sau khi bị mẹ mắng vì không làm hết bài thi. Hay như trường hợp 1 học sinh trường chuyên Nguyễn Khuyến Đà Nẵng học rất giỏi và ngoan ngoãn nhưng vì bị bố mẹ thường xuyên giám sát, thúc ép việc học nên em bị trầm cảm nặng, phải vào bệnh viện tâm thần cấp cứu.

Hồi đầu năm nay, một nữ sinh lớp 7A, trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tìm đến cái chết . Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.

Trước đó, một nữ sinh Nghệ An rơi vào tình trạng mệt mỏi, tâm trạng thất thường, thậm chí chán sống. Người em gầy rộc, mắt thâm quầng, thường nhốt mình trong phòng. Kết quả khám bệnh cho thấy em mắc chứng trầm cảm, phải nhập viện điều trị.

Cách đây chưa lâu, chắc nhiều người vẫn ám ảnh về câu chuyện của nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử hồi cuối để lại 5 lá thư tuyệt mệnh. Trong đó có 2 bức thư Trang gửi cho bố mẹ, 3 bức thư còn lại cô nữ sinh gửi cho chị gái và bạn bè. Tất cả đều thể hiện sự buồn chán vì kết quả học tâp không đáp ứng được sự kỳ vọng của gia đình…

Nhiều chuyên gia cho rằng tỉ lệ thanh thiếu niên bị trầm cảm ngày càng nhiều hơn. Đáng lo ngại là khi trầm cảm nặng, người bệnh luôn có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát. Trung bình mỗi ngày tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám, trong đó có nhiều em chỉ 15-16 tuổi.Tuy nhiên, theo các bác sĩ điều trị rối loạn tâm thần, là phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm; 80% bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa...

Chủ yếu do áp lực học hành

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh mắc chứng trầm cảm. Nhưng nguyên nhân chính qua “lời để lại” (thư tuyệt mệnh) là do áp lực học hành, thầy không hiểu trò, có lời xúc phạm trò, kỳ vọng của cha mẹ. Đặc biệt hay xảy ra nhiều sau mỗi kỳ thi quan trọng, có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em. Khi đã mắc triệu chứng căn bệnh này, các em thường tự giải quyết mà cha mẹ không hề biết rằng con mình mắc bệnh.

Theo các chuyên gia y tế và giáo dục, ở độ tuổi học sinh, do những thay đổi về hormone tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì khiến khả năng kiềm chế tâm lý của các em rất kém. Trầm cảm ở trẻ em bao gồm các rối loạn cảm xúc như loạn khí sắc, có biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ, dễ bị tổn thương, tinh thần căng thẳng, dễ tức giận, nổi nóng và không hứng thú với việc học hành. Trầm cảm có nguy cơ tái phát rất cao, đợt sau nặng hơn đợt trước và có thể dẫn tới toan tính tự tử. Trẻ em từng bị một đợt trầm cảm có nguy cơ bị đợt tiếp theo trong vòng 5 năm. Theo nhiều bác sĩ tâm thần, hành vi tự sát thường là hậu quả của căn bệnh trầm cảm.

“Một số sự việc liên quan đến vấn đề tự tử của học sinh nói chung trong thời gian qua cho thấy ở tuổi các em có nhiều biến động. Sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm căn của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát” - chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích.

Bên cạnh hiện tượng tự tử, những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì áp lực học tập cũng đang có chiều hướng tăng. Không ở đâu, đứa trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập như ở Việt Nam.

Đánh giá về hiện tượng này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho rằng ở giai đoạn dậy thì, trẻ thường rất nhạy cảm, mong manh trong tâm hồn và cách nghĩ nên khi có những rắc rối dù rất nhỏ cũng dễ dàng suy sụp. Do vậy, trong giai đoạn này rất cần sự quan tâm của gia đình, bạn bè và nhà trường để có thể động viên, tham gia gỡ rối giúp các em vượt qua những áp lực từ cuộc sống hằng ngày.

Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Phương Hoa, Bộ môn Y tế gia đình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có nhiều bậc phụ huynh khi tìm đến tư vấn tâm lý thừa nhận rằng họ không thường xuyên trò chuyện với con. Cũng có những trường hợp cha mẹ sẵn sàng lắng nghe nhưng lại xem nhẹ vấn đề của con, coi đó chỉ là chuyện trẻ con. Vì vậy, theo bà, các em cần xây dựng thời gian biểu một cách khoa học để có sự phân bố thời gian học tập, lao động, vui chơi giải trí hợp lý; có kế hoạch ôn thi cụ thể, khoa học, hợp lý để tránh stress; tham gia các hoạt động trò chơi lành mạnh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, người thân và thầy cô giáo... Khi có biểu hiện căng thẳng mệt mỏi, các em nên sử dụng những biện pháp thư giãn tinh thần phù hợp như: nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao, tham gia các hoạt động tập thể và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Huyền Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/dang-ngai-tram-cam-tintuc410066