Dâng ngọc, lụa cúng trời đất

Tế Giao là lễ tế quan trọng nhất vào dịp đầu năm của các triều đại phong kiến. Lễ vật dâng tế trời đất chủ yếu là 'tam sinh', tức 3 loài gia súc là bò, lợn, dê. Ngoài ra còn có hàng trăm loại trái cây, hương hoa, trầm trà, bánh trái, đèn sáp...

Ở triều đại phong kiến cuối cùng là triều Nguyễn, có ghi lại chi tiết các loại đồ tế ghi chép trên bản tấu ngày 12 tháng 2 năm Thành Thái 18 (1906) của Bộ Lễ rằng: “Đại lễ Nam Giao ngày 14 tháng này có dùng các lễ phẩm là 7 con nghé, 8 con trâu đực; dê, lợn mỗi loại 6 con; 75 mâm xôi đỗ; biên, đậu mỗi loại 152 cái; phủ, quỹ, đăng mỗi loại 15 cái; hình 20 cái; 37 mâm quả để dâng cúng tại viên đàn và các án theo đàn”.

Bắt đầu từ thời Lý

Theo sử sách, việc tế trời ở nước ta bắt đầu từ thời Lý, với sự kiện “tháng 9 năm Thiệu Minh thứ 15 (1153), đắp đàn Viên khâu (tức là đàn có hình giống cái gò tròn để tế trời”.

Ngọc bích và ngọc tông dùng trong lễ tế Giao thời Nguyễn.

Ngọc bích và ngọc tông dùng trong lễ tế Giao thời Nguyễn.

Theo nghiên cứu của nhà sử học Phan Huy Chú, trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, quyển “Lễ nghi chí”, thì sau thời Lý, thời Trần không tiến hành tế trời. Sách ghi lời bàn của Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ: “Từ nhà Trần về trước, không làm lễ Giao tế trời, lễ ý văn vật thiếu sót nhiều vậy”.

Sang đến thời Hồ, đời Hồ Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 3 (1403), vua Hồ cho đắp đàn Nam Giao ở Đốn Sơn, kinh thành Tây Đô (Thanh Hóa), làm lễ tế Giao. “Đại Việt sử ký toàn thư” có mô tả về các nghi lễ của buổi tế Giao, trong đó nhấn mạnh chi tiết Vua Hồ Hán Thương khi hiến tước (dâng rượu) thì run tay, làm đổ rượu xuống đất, nhưng không chép chi tiết các lễ vật tế trời gồm những gì.

Sang thời Lê, đời Vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 3 (1462), tháng Giêng, vua làm lễ tế Giao, dụ bảo Ngô Sĩ Liên, khi đó làm quan ở Ngự sử đài rằng: “Ta mới cầm quyền chính, tuân theo điển cũ của tổ tông ta, đầu xuân tế Giao, ngươi lại nói là tổ tông tế Giao, cũng không đủ thuật, thế là xem nước ta như các nước phiên thời cổ vậy”. Từ đấy trở đi, đầu xuân các vua Lê tiến hành tế Giao, làm lệ thường hằng năm.

Phan Huy Chú bình luận: “Xét lễ tế Giao đời cổ có hai nghĩa: Một là tế để đón khí hòa, tức như trong sách Chu lễ nói: Đông chí tế trời ở đàn Viên khâu; hai là tế để cầu được mùa, tức là như thiên Nguyệt lệnh. Kinh Lễ nói: Ngày mồng 1 tháng Giêng vua tế trời để cầu được mùa. Đời sau, lễ tế ở đàn Viên khâu và đàn Phương trạch (đàn tế đất, đắp hình vuông) không làm nữa, chỉ có đầu xuân tế Giao, hợp tế cả trời đất. Khoảng năm Hồng Vũ (1368-1398), nhà Minh định thành điển. Đầu nhà Lê mới dùng chế độ nhà Minh, làm lễ vào tháng Giêng, hơn 300 năm sau vẫn theo, không thay đổi”.

Khi nhà Lê bắt đầu trung hưng chống nhà Mạc, Vua Lê Thế Tông đóng ở Vạn Lại (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), vào năm Quang Hưng thứ nhất (1578), đã cho lập đàn Nam Giao ở ngoài cửa lũy Vạn Lại để tế trời, tỏ rõ sự chính danh.

Sau khi nhà Lê đuổi được họ Mạc, lấy lại kinh thành Thăng Long, năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), sử viết, Vua Lê chúa Trịnh sai xây điện Nam Giao ở đàn Nam Giao, phía Nam kinh thành (khu vực Vincom Bà Triệu ngày nay).

Nghi lễ tế Giao

Dù trong “Lễ nghi chí” chép chi tiết các nghi thức của buổi lễ tế Giao, nhưng lại không chép rõ các thứ lễ vật dâng lên tế trời đất trong buổi lễ quan trọng này. Riêng về trang phục, Phan Huy Chú cho biết: “Khi lên đàn tế, vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, còn chúa Trịnh đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc”.

Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, vào đầu xuân Đinh Mão, niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), triều đình nhà Nguyễn quy định trong các lễ tế quan trọng, sử sách mới ghi lại nghi thức dâng ngọc và lụa lên hương án để cúng trời đất, thần linh hay tổ tiên. Năm đó, Vua Gia Long mới bắt đầu sai bói ngày để tế Giao, sau đó quy định các nghi thức của đại lễ Nam giao. Theo đó, vào ngày tế Giao, vua đội mũ cửu long, mặc áo bào vàng, đai ngọc, xiêm vàng, lên đàn làm lễ. Các quan dự tế đều mặc triều phục. Sau khi tế trời xong thì đốt những vật tế trên một đống củi khô, đốt ngọc lụa gọi là “phiền”, đốt thịt tế gọi là “sài”.

Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), triều Nguyễn mới định rõ các nghi thức tế Giao. Trong các món đồ thờ, phải có bích ngọc, tông ngọc, với lời bàn từ Bộ Lễ rằng: “Duy từ trước đến nay, các đồ tế tự và điển tế tự, vẫn chưa chép thành sách vở. Đến như các thức ngọc, lụa, các đồ bằng sành, bằng bầu, cùng là chuông khánh và hàng múa phải nên bày đủ, khúc nhạc và nghi thức phải nên soạn định, tất phải một phen tham khảo bắt chước đời xưa mà làm, để cho giữ được đại ý của lễ nhạc”.

Quy cách ngọc, lụa

Theo đó, về ngọc thì chọn lấy trong kho ngọc xanh và ngọc vàng đều một cục do sở Nội tạo theo thức mài giũa thành khí, cất ở Nội vụ, (theo sách “Chu quan” thì ngọc bích sắc xanh để lễ trời, ngọc tông sắc vàng để lễ đất, bích hình tròn, tượng trời, tông hình vuông, tượng đất), hằng năm làm lễ thì bày ra, lễ xong lại cất đi.

Hai đồ tế khí quan trọng trong lễ tế Giao là “thương bích” (phiến ngọc tròn màu xanh có lỗ ở giữa, tượng trưng cho trời) dùng để tế trời và “hoàng tông” (ống ngọc màu vàng trong tròn ngoài vuông, tượng trưng cho đất) dùng để tế đất cũng được vua cho chế tác trong năm này. Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ hai hiện vật này của triều Nguyễn.

Về lụa thờ cũng gồm rất nhiều màu sắc khác nhau, được chia làm 3 hạng, hạng nhất dài 9 thước, hạng nhì 7 thước, hạng ba 5 thước. Vị thờ trời, dùng lụa màu xanh 12 mảnh, vị thờ đất dùng lụa màu vàng 1 mảnh, các phối tự tả hữu, lụa màu trắng đều 1 mảnh, đều dùng lụa hạng nhất. Ngoài ra, còn các vị tòng tự để thờ các tinh tú, thờ vân, vũ, phong, lôi (mây, mưa, gió, sấm), thờ sơn, hải, giang, trạch (núi, biển, sông, đầm); thờ thần kỳ khắp đất nước; thờ sơn thần ở các núi Triệu Tường (nơi có lăng chúa Nguyễn Kim, ở Hà Trung, Thanh Hóa), Khải Vận (nơi có lăng chúa Nguyễn Hoàng), Hưng Nghiệp (nơi đặt lăng vương tử Nguyễn Phúc Côn (hoặc Luân), thân phụ Vua Gia Long), Thiên Thụ (nơi đặt lăng Vua Gia Long)... gồm các màu xanh, trắng, đen, vàng, đều có quy cách chi tiết. Lụa thờ đều được đựng vào hộp đan, mỗi án 1 hộp.

Ở chính vị thì gọi là “Giao tự chế bạch”, ở phối vị gọi là “Phụng tiên chế bạch”, ở tòng vị gọi là “Trị thần chế bạch” đều viết bằng mực ở đầu tấm lụa.

Lễ tam sinh, thì các loại gia súc dùng để cúng lễ, theo lệ cũ được cấp phát để chăn nuôi 3 tháng, cấp thêm 18 cái lọng đỏ, thừng gai đỏ 18 sợi, bắt dân phu Thừa Thiên thường ngày đem trâu, dê ra tắm rửa. Trước khi tế 1 ngày, nhà vua sai hoàng tử tước công mặc triều phục đốc đồng quan Bộ Lễ và quan phủ Thừa Thiên đến sở Thần trù xem xét. Trước khi tế mổ và rửa cho sạch sẽ, rồi nhồi bằng tốc hương và lá quế đặt vào trong lò đốt, chờ khi xướng “phần sài” thì châm lửa vào lò để thui.

Khi làm thịt, lấy nước luộc lòng trâu làm thái canh đựng vào cái “đăng”; dùng lòng và thịt dê, lợn mỗi thứ 6 miếng làm hòa canh, đựng vào cái “hình”. (“Đăng” là đồ thờ bằng sành để đựng thức ăn, có nắp và chân cao. “Hình” là cái tức thố đựng rau, canh. Mỗi thứ 12 cái đều bằng sứ. Ở Viên đàn 4 cái đăng, xanh 3, vàng 1; ở Phương đàn 8 cái đăng, xanh 5, vàng 3, 12 cái hình, xanh vàng đều 6 cái). Còn lễ dâng mâm thì làm vào sau lễ dâng ngọc lụa.

Về xôi thì ở trên Viên đàn 4 án, 20 mâm xôi, gạo nếp 60 thăng, phủ 12 cái, gạo nếp 6 thăng, quỹ 12 cái, gạo tẻ 4 thăng đều dùng gạo tịch điền. (“Quỹ” và “phủ” là đồ thờ, dùng để đựng ngũ cốc, có nắp, làm bằng sứ, phủ hình vuông, quỹ hình tròn). Ở Phương đàn 8 án, 40 mâm xôi, gạo nếp 120 thăng, dùng gạo Bắc Thành.

Các loại quả phẩm sẽ do ty Lý thiện chọn mua, chọn các thứ tươi tốt đựng vào cái “biên” và cái “đậu”. (“Biên” là đồ thờ, như mâm bồng đựng quả phẩm đan bằng tre. “Đậu” là đồ thờ để đựng thịt, có nắp. Biên thì dùng tre, đậu thì dùng đồ sứ, biên thì đựng bánh trái).

Về nậm chén rượu (tôn tước), theo quy định từ trước, ở Viên đàn, đài chén vàng 12 cái, nậm vàng 4 cái. Ở Phương đàn, đài chén bạc 24 cái, nậm bạc 8 cái; 12 đài chén vàng đổi dùng quả bầu (theo Lễ ký, đồ dùng bằng chất sành và quả bầu, là để tượng tính chất của trời đất), chén có 2 cái trụ chỗ rót và chân đều theo thức cũ làm bằng vàng và vẫn đặt lên bộ đài vàng; 24 chén bạc thì đổi dùng đồ sứ pháp lam, đều theo thức cũ lót bạc bên trong và đặt lên đài bạc; 12 chiếc nậm vàng bạc thì cũng y theo thức cũ mà đổi dùng đồ sứ, duy cái đầu mũi của tôn thì làm hình đầu thú, 4 cái nậm ở Viên đàn thì bịt vàng, 8 cái ở Phương đàn thì bịt bạc.

Các chén và nậm bằng sứ ở vị thờ trời thì dùng sắc xanh, ở vị thờ đất thì dùng sắc vàng, ở phối vị tả hữu và các vị tòng tự tả nhất, hữu nhất, tả nhị, tả tam, tả tứ, tất cả 5 án đều sắc xanh; hữu nhị, hữu tam, hữu tứ tất cả 3 án đều sắc vàng. Các đồ thờ chế trước như thìa bằng vàng bạc, bát nước bằng sứ thì bày đặt như cũ. Lại chế thêm đồ sứ ở Viên đàn nậm to bằng sứ, (theo “Chu quan” thì thái tôn là nậm đời thái cổ bằng sành), thứ xanh 3 chiếc, thứ vàng 1 chiếc, đựng nước lã, chỉ bày mà không rót. Ở trước các án bày đồ lễ, ngoài cái bàn thứ ba, lại đặt cái bàn thứ tư để bày các thứ đăng, hình, phủ, quỹ và mâm xôi.

Theo quy chế lễ nghi ban hành năm 1829, lễ tế ở đàn Xã tắc cũng có nghi thức dâng ngọc lụa. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), triều Nguyễn bổ sung quy định trong lễ tế Giao, khi cúng ngọc lụa, tuần rượu thứ nhất, ban nhã nhạc sẽ tấu bài “Hưng phong”; tuần rượu thứ hai, tấu bài “Tư phong”; tuần rượu cuối, tấu bài “Mậu phong”.

Ngọc, lụa là vật quý dâng lên vua theo lễ nghi từ xưa, nên khi Vua Minh Mạng ra Bắc năm 1821, quy định nghi lễ đón tiếp trên đường, để giảm bớt gánh nặng cho địa phương, thì khi khi xa giá đến hành cung tại các tỉnh, quan lại địa phương làm lễ triều bái, lễ dâng được phép dùng trâu và gạo thay cho ngọc và lụa.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/dang-ngoc-lua-cung-troi-dat--i730920/