Đang ngủ, cô gái bị 'công an' dọa phạm tội rửa tiền

Đang say giấc ngủ, cô gái bị nhiều 'cán bộ công an' gọi điện thoại thông báo cô tham gia vào một đường dây tội phạm rửa tiền.

Ngày 11/3, Công an Hà Nội cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại khi có hiện tượng mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc nhân viên bưu điện gọi điện thoại dọa nạn nhân đang vướng vào một vụ án.

Trước đó, phản ánh tới PLO, chị Đ.T.N.L. (29 tuổi, trú Hà Nội) cho biết vừa rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Sáng 8/2, khi còn đang say ngủ, chị L. bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại có đuôi 723, tự xưng nhân viên của VNPT Đà Nẵng. Người này nói chị L. có một bưu phẩm bao gồm 100 chiếc thẻ ngân hàng chuyển tới London (Anh) nhưng không thành công.

Chưa kịp tỉnh ngủ, chị L. vô cùng hoang mang và khẳng định mình không hề tới Đà Nẵng và cũng không thực hiện giao dịch nào ra nước ngoài.

Thấy vậy, đầu dây bên kia đã đọc chính xác tên, số điện thoại của chị L. và dọa đây có thể là việc giả mạo thông tin với mục đích phi pháp, sẽ kết nối chị với Công an Đà Nẵng.

Các số điện thoại gọi đến số máy của chị ĐTNL. Ảnh: NVCC.

Ngay sau đó, một người đàn ông tự xưng là đại úy công tác tại Công an TP Đà Nẵng đề nghị chị L. cung cấp họ tên, số điện thoại, số CMND, địa chỉ thường trú…

Quá trình trao đổi, người này yêu cầu chị L. không được tắt máy, cũng không được nói cho ai biết, đồng thời hỏi chị rất nhiều về việc sử dụng CMND trong các giao dịch gần đây.

Tiếp tục, vị “công an” đưa ra hai lựa chọn cho chị L., một là tới trụ sở Công an TP Đà Nẵng báo án, hai là cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.

Để chị L. tin tưởng hơn, người này nói sẽ cho chị gặp một cán bộ của Bộ Công an. Vừa dứt lời, một số điện thoại có đuôi 113 gọi tới, đầu dây bên kia tự xưng là “cán bộ điều tra” của Bộ Công an.

Người này nói có bằng chứng về việc chị L. đã bán tài khoản của mình với giá 200 triệu đồng cho 2 người là cán bộ ngân hàng để sử dụng vào mục đích rửa tiền. Chị L. bị tình nghi tham gia vào đường dây trên, sẽ bị di lý từ Hà Nội vào Đà Nẵng để phục vụ điều tra.

Quá hoang mang, chị L. tắt máy. Liền đó, chị gọi cho nhiều người thân kể về sự việc và được khẳng định đó là lừa đảo. Đến lúc này, chị mới yên tâm rời nhà đi làm.

Công an TP Hà Nội cho biết nhiều trường hợp tương tự chị L. đã phản ánh tới cơ quan này. Họ bị những kẻ lừa đảo gọi điện thoại tự xưng nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia…

Tiếp đó, kẻ xấu sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật.

Thậm chí để tạo sự tin tưởng cho bị hại, họ sử dụng phần mềm công nghệ để giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an TP Hà Nội hoặc các cơ quan của Nhà nước. Sau đó những người này dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo đây là thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, người dân cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo Tuyến Phan/Pháp Luật TP.HCM

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dang-ngu-co-gai-bi-cong-an-doa-pham-toi-rua-tien-post1058097.html