'Dâng Người câu hát quê hương'

Từ ngày 17 đến 19-5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2018 với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Những lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ cùng thành tích, sự đổi thay của quê hương là món quà, tình cảm mà các tầng lớp nhân dân Nghệ An dâng tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Người (19-5-1890 / 19-5-2018).

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Lễ hội Làng Sen trước đây là Liên hoan "Tiếng hát từ Làng Sen" lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5-1982, sau đó nâng cấp thành Lễ hội Làng Sen và được tổ chức hằng năm theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần ở cấp quốc gia. Trải qua 36 năm, sức lan tỏa của Lễ hội Làng Sen ngày càng mạnh mẽ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân và trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương Nghệ An.

Năm 2018, Lễ hội Làng Sen được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động nổi bật, như: Hội trại “Thanh niên làm theo lời Bác”; trưng bày chuyên đề ảnh về đề tài Đảng và Bác Hồ; thi "Tiếng hát Làng Sen"; "Người đẹp Lễ hội Làng Sen"; tổ chức các trò chơi dân gian, thi thả diều... Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật “Dâng Người câu hát quê hương” trong đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen, với những làn điệu ca ngợi Bác Hồ, Đảng, quê hương, đất nước gắn với công cuộc đổi mới, phong trào toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Các tiết mục đều mang đến nét bản sắc văn hóa dân tộc của miền quê xứ Nghệ mừng ngày sinh của Bác.

Ông Lê Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh: “Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2018 trên quê hương của Người là dịp để nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân nhận thức cụ thể hơn trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một tiết mục biểu diễn tại đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen 2018.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác thì tiếng hát Làng Sen lại được cất lên bằng những lời ca, vũ điệu, ca ngợi công ơn trời biển của Người; ca ngợi những thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước. Trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là hoạt động văn hóa thường xuyên được duy trì và phát triển cả về quy mô lẫn trình độ nghệ thuật, với đủ các loại hình ca, múa, nhạc, như: Dân ca ví, giặm; hát phường vải; ca trù; độc tấu… và được các ngành, đoàn thể, đơn vị quân đội, trường học cũng như các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt thành. Gần 30 năm gắn bó với Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, anh Trương Trọng Thắng (xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tâm sự: “Hàng chục năm tham gia liên hoan với các cương vị diễn viên hay làm công tác tổ chức, tìm cái mới cho từng câu hát, vở diễn nhưng chưa bao giờ tôi vơi đi sự say mê. Bởi vì được hát về Bác Hồ, về quê hương bằng những câu hò, điệu ví luôn là niềm tự hào, hứng khởi đã ngấm vào máu thịt của những người dân nặng lòng với hoạt động văn hóa đặc sắc này”.

Lễ hội gắn với những bước chuyển mình của quê hương xứ Nghệ

Huyện Nam Đàn vừa được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nên các nội dung Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, cùng với đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, còn có phần hướng đến chủ đề nông thôn mới. Ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nam Đàn chia sẻ: “Liên hoan năm nay, huyện Nam Đàn tổ chức từ các cấp cơ sở, chia thành 4 cụm. Đêm diễn nào các sân khấu cũng thu hút rất đông người dân đến xem”.

Một điểm nhấn quan trọng cho thành công của Lễ hội Làng Sen 2018 là Hội trại “Thanh niên làm theo lời Bác” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Nam Đàn tổ chức. Với 12 đơn vị đoàn xã tham gia, cách bài trí khéo léo, sáng tạo, hội trại tạo không khí sôi động cho lễ hội, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của tuổi trẻ Nam Đàn đối với Bác Hồ kính yêu. Ấn tượng nhất phải nhắc đến là trại của Đoàn thanh niên xã Kim Liên khi cổng trại kết cấu hình bông sen, trong nhụy sen là hình ảnh Bác Hồ được treo trang trọng. Anh Biện Văn An, Bí thư Đoàn xã Kim Liên nói: "Với biểu tượng hình ảnh Bác Hồ trong bông sen, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp: “Người là đài hoa sen tỏa ngát hương đời”. Ngoài ra, trong nhà trại, chúng tôi trang trí thêm báo tường, hình ảnh hoạt động và các thành tích nổi bật của Đoàn thanh niên xã Kim Liên thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong việc học tập và làm theo lời Bác "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Trời tháng Năm trên quê hương Bác Hồ nắng vàng rực, điểm xuyết là những cánh diều no gió bay cao trong Hội thi thả diều. Đối với người dân Làng Sen, thả diều không chỉ là thú vui lúc nông nhàn, mà còn được coi là biểu tượng của sự thanh bình, chở những ước mơ và khát vọng bay xa. Chị Nguyễn Thị Đức Minh, Phó bí thư Huyện đoàn Nam Đàn cho biết: “Thuở thiếu thời, Bác Hồ và bạn bè cùng trang lứa thường lên núi Chung chơi sáo diều. Từ đó, Hội thi thả diều được tổ chức trên núi Chung. Hội thi năm nay có quy định phải là diều sáo, bảo đảm tính mỹ thuật, vừa phải có hình dáng đẹp, vừa phải có âm thanh thánh thót, vi vu. Các đơn vị tham gia mang những cánh diều rực rỡ, bay cao để tưởng nhớ đến Bác Hồ, đồng thời, giữ gìn nét đẹp văn hóa, thú vui tao nhã của miền quê xứ Nghệ”.

Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Không khí vui tươi sôi nổi của Lễ hội Làng Sen 2018 luôn gắn với những bước chuyển mình, đổi thay và phát triển của quê hương.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dang-nguoi-cau-hat-que-huong-539367