Đang ốm có nên tiêm vaccine cúm hay không?

Trong sự gia tăng nhanh của số ca mắc cúm thời gian gần đây, việc tiêm vaccine vẫn là giải pháp được các chuyên gia y tế chú trọng.

 Chúng ta vẫn có thể tiêm vaccine phòng cúm nếu chỉ ốm nhẹ. Ảnh: towfiqu_barbhuiya2.

Chúng ta vẫn có thể tiêm vaccine phòng cúm nếu chỉ ốm nhẹ. Ảnh: towfiqu_barbhuiya2.

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Nó có thể lây từ người này sang người khác qua các giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm.

Ở một số người, cúm gây ra bệnh nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có khả năng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng.

Vaccine phòng cúm mùa được cung cấp hàng năm để giúp chúng ta tránh bị cúm. Mũi tiêm này chống lại 3-4 chủng cúm được nghiên cứu xác định là sẽ phổ biến trong mùa cúm sắp tới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC) khuyến cáo tất cả người dân từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm mỗi năm.

Tiêm khi đang ốm liệu có an toàn?

Healthline nhận định việc tiêm vaccine cúm có thể không ảnh hưởng tới sức khỏe nếu chúng ta chỉ bị ốm nhẹ, ví dụ mắc cảm lạnh, nhiễm trùng xoang hay tiêu chảy nhẹ.

Nếu chỉ bị bệnh nhẹ, chúng ta vẫn có thể tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya.

Tuy vậy, người dân nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm phòng cúm nếu đang bị sốt hoặc mắc bệnh từ trung bình đến nặng. Họ có thể quyết định trì hoãn việc tiêm phòng cúm cho đến khi chúng ta bình phục.

Ngoài vaccine dạng tiêm, vaccine phòng cúm gần đây còn có dạng xịt qua mũi cho cả những người không mang thai trong độ tuổi từ 2 đến 49. Loại vaccine này sử dụng nguyên liệu là virus cúm đã suy yếu và không thể gây bệnh để giúp cơ thể tạo miễn dịch.

Đối với việc tiêm phòng cúm, những người bị bệnh nhẹ có thể sử dụng vaccine dạng xịt qua đường mũi. Tuy nhiên, những người bị bệnh ở mức độ từ trung bình đến nặng cũng vẫn phải đợi cho đến khi khỏi bệnh.

Với trẻ em và trẻ sơ sinh, điều quan trọng là trẻ phải đi tiêm chủng đúng lịch để được bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể xảy ra, bao gồm cả cúm. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu tiêm phòng cúm.

Tương tự người lớn, US CDC khuyến cáo trẻ em vẫn có thể tiêm phòng cúm an toàn nếu bị bệnh nhẹ. Cụ thể, trẻ vẫn có thể tiêm nếu:

Sốt nhẹ (dưới 38,3 độ C)
Sổ mũi
Ho
Tiêu chảy nhẹ
Cảm lạnh hoặc nhiễm trùng tai

Nếu con đang bị ốm và không chắc liệu chúng có nên tiêm phòng cúm hay không, phụ huynh có thể thảo luận với bác sĩ về các triệu chứng của trẻ để xác định xem có nên trì hoãn việc tiêm phòng cúm cho trẻ hay không.

Rủi ro

Một số người lo lắng việc tiêm phòng khi bị bệnh có thể dẫn đến mức độ bảo vệ thấp hơn vì hệ thống miễn dịch đang “bận rộn” chống lại bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhẹ sẽ không ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với vaccine.

Các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine ở những người bị bệnh còn khá hạn chế. Một số nghiên cứu của các loại vaccine khác nhau đã chỉ ra rằng việc bị ốm nhẹ tại thời điểm tiêm phòng có vẻ không ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể.

Một rủi ro khi tiêm phòng khi bị bệnh là chúng ta khó có thể phân biệt triệu chứng bệnh với phản ứng từ vaccine. Ví dụ, chúng ta có thể phân vân triệu chứng sốt là do bệnh từ trước hay phản ứng với vaccine.

Việc tiêm vaccine cúm khi ốm chỉ gây khó phân biệt các triệu chứng. Ảnh minh họa: diana_polekhina.

Cuối cùng, nghẹt mũi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng vaccine mũi. Do đó, bạn có thể chọn tiêm phòng cúm thay thế hoặc trì hoãn việc tiêm phòng cho đến khi các triệu chứng về mũi hết hẳn.

Phản ứng phụ

Tiêm phòng cúm không thể làm chúng ta bị cúm. Điều này là do vaccine cúm không chứa virus sống. Tuy nhiên, chúng ta có thể gặp phải một số tác dụng phụ tiềm ẩn sau khi tiêm chủng. Các triệu chứng này thường tồn tại trong thời gian ngắn và có thể bao gồm:

Đỏ, sưng hoặc đau tại chỗ tiêm
Nhức mỏi người
Đau đầu
Sốt
Mệt mỏi
Đau bụng hoặc buồn nôn
Ngất xỉu
Riêng với vaccine mũi có thêm một số tác dụng phụ là trẻ em có thể chảy nước mũi, thở khò khè và nôn. Người lớn có thể bị sổ mũi, ho hoặc đau họng.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng do tiêm phòng cúm là rất hiếm. Tuy nhiên, phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine có thể xảy ra. Điều này thường xảy ra trong vòng từ vài phút đến vài giờ sau khi tiêm và có thể bao gồm các triệu chứng như:

Thở khò khè
Sưng cổ họng hoặc mặt
Khó thở
Nổi mẩn
Yếu cơ
Chóng mặt
Tim đập loạn nhịp

Tình trạng yếu cơ sau tiêm vaccine có thể chỉ ra hội chứng Guillain-Barré - một chứng rối loạn tự miễn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Trong một số trường hợp hiếm, người tiêm vaccine cúm có thể gặp phải tình trạng này. Các triệu chứng khác bao gồm tê và ngứa ran.

Nếu gặp phải hội chứng này hoặc phản ứng nghiêm trọng với vaccine cúm, người dân nên nhanh chóng liên hệ với y tế để xử trí kịp thời.

Khi nào bạn không nên tiêm phòng cúm?

Những người sau đây không nên tiêm phòng cúm:

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
Những người đã có phản ứng nghiêm trọng hoặc từng nguy kịch với vaccine cúm hay bất kỳ thành phần nào của vaccine

Ngoài ra, mọi người cũng nên nói chuyện với bác sĩ trước khi tiêm chủng nếu:

Dị ứng nặng với trứng
Dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine
Mắc hội chứng Guillain-Barré

Người dân cũng cần lưu ý có những công thức tiêm phòng cúm phù hợp cho những người ở các độ tuổi khác nhau. Do đó, mọi người cần trao đổi với nhân viên y tế về loại nào phù hợp bản thân.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-om-co-nen-tiem-vaccine-cum-hay-khong-post1367343.html