Đằng sau 'Avatar' huyền thoại và 280 triệu USD

Năm 2009, 'Avatar' của đạo diễn James Cameron là bộ phim đầu tiên được chiếu ở định dạng 3D, và suốt một thập kỷ sau đó vẫn là phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

 James Cameron ban đầu lên kế hoạch thực hiện Avatar từ năm 1999. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, công nghệ kỹ xảo điện ảnh mà ông muốn sử dụng để làm phim đã khiến kinh phí bị đội lên tới 400 triệu USD. Không một hãng phim nào có dám rót vốn cho vị đạo diễn, và dự án Avatar phải nằm yên trên giấy thêm 8 năm. Đến năm 2007, 20th Century Fox quyết định đầu tư, và dự án phim bắt đầu lăn bánh. Tính tới tháng 12/2009, Avatar là bộ phim đắt đỏ nhất từng được thực hiện, với kinh phí 280 triệu USD - cao hơn nhiều so với kinh phí của không ít bom tấn được sản xuất trong một thập kỷ sau đó.

James Cameron ban đầu lên kế hoạch thực hiện Avatar từ năm 1999. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, công nghệ kỹ xảo điện ảnh mà ông muốn sử dụng để làm phim đã khiến kinh phí bị đội lên tới 400 triệu USD. Không một hãng phim nào có dám rót vốn cho vị đạo diễn, và dự án Avatar phải nằm yên trên giấy thêm 8 năm. Đến năm 2007, 20th Century Fox quyết định đầu tư, và dự án phim bắt đầu lăn bánh. Tính tới tháng 12/2009, Avatar là bộ phim đắt đỏ nhất từng được thực hiện, với kinh phí 280 triệu USD - cao hơn nhiều so với kinh phí của không ít bom tấn được sản xuất trong một thập kỷ sau đó.

Avatar là bộ phim đầu tiên trong lịch sử cán mốc doanh thu toàn cầu 2 tỷ USD (và sau đó là mốc 2,5 tỷ USD). Từ vốn đầu tư 280 triệu USD ban đầu, phim đã mang về cho nhà sản xuất 2,79 tỷ USD. Con số này giúp Avatar trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Danh hiệu tiếp tục được duy trì trong một thập kỷ sau đó trước khi Avengers: Endgame ra mắt vào mùa hè 2019.

Để giúp các diễn viên chuẩn bị cho vai diễn, James Cameron đã đưa toàn bộ đoàn làm phim tới Hawaii. Tại đây, mỗi ngày họ đều băng rừng và sống như những bộ lạc (nhóm lửa, nướng cá…) để có được trải nghiệm chân thật nhất mô phỏng cuộc sống giữa rừng già Pandora trong bộ phim. Nữ diễn viên Zoe Saldana thậm chí còn ăn vận như một nữ chiến binh trong khoảng thời gian này, với đạo cụ mô phỏng chiếc đuôi của người Na’vi gắn sau lưng. Khi mặt trời lặn, đoàn phim sẽ cùng nhau trở về với thế giới văn minh và qua đêm trong khách sạn.

Dù bộ phim được nhiều cây bút phê bình và người hâm mộ mô tả là một tác phẩm “phản chiến”, James Cameron thường xuyên lặp lại trong những cuộc phỏng vấn rằng Avatar không được truyền cảm hứng, hay gián tiếp bày tỏ quan điểm về một cuộc xung đột vũ trang, mâu thuẫn quốc gia hay một chính sách quốc phòng cụ thể nào. Tuy nhiên, Cameron khẳng định bộ phim của mình truyền tải thông điệp mạnh mẽ ủng hộ các nhà môi trường học, bởi bản thân ông cũng là một người hoạt động vì môi trường.

Trong các bộ phim của James Cameron, những đồng minh của nhân vật chính luôn được đặt tên lấy điển tích từ Công giáo. Trong Aliens (1986), nhân vật người máy hỗ trợ được gọi bằng tên Giám mục, trong The Abyss (1989) là Thầy tu. Còn trong Avatar, nhân vật nhà khoa học của Sigourney Weaver được đặt tên Grace Augustine. Thánh Augustine là một thầy tu Công giáo đã truyền Đạo Kitô cho người Anh, và trở thành tổng giám mục. Một trong những cách để xưng hô khi trò chuyện với tổng giám mục là “Your Grace”.

Avatar đã chạm mốc doanh thu 500 triệu USD chỉ sau 32 ngày, đánh bại kỷ lục 45 ngày của The Dark Knight (2008). Bộ phim điện ảnh trước đó của James Cameron, Titanic (1997), cần đến 98 ngày để đạt được con số này.

Hành tinh Pandora trong Avatar và vũ trụ được mô tả trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Destination: Void của Frank Herbert, The Jesus Incident và The Lazarus Effect của Frank Herbert và Bill Ransom. Trong tiểu thuyết, trên một hành tinh xa xôi có tên Pandora tồn tại một loại tảo bẹ mọc thành mạng lưới, có khả năng lưu trữ thông tin trong trí não những người đã chết, và nhờ thế họ có thể tiếp tục tồn tại. Giống tảo này, cùng với những dạng sống tự nhiên khác trên hành tinh, đều được kết nối tới một thực thể vĩ đại có khả năng kết nối suy nghĩ được gọi bằng tên “Avata”.

Một phần những ý tưởng về người Na’vi đến với James Cameron thông qua lời kể về giấc mơ của mẹ ông. Trong mơ, bà trông thấy một người phụ nữ cao lớn màu xanh nước biển. Ý tưởng về việc con người hạ cánh xuống một hành tinh xa lạ với bầu không khí độc hại là những ý tưởng không được sử dụng trong một tác phẩm Cameron từng viết có tên Mother. Phần còn lại của Mother được sử dụng làm nền tảng để xây dựng cốt truyện của Aliens (1986).

Bộ phim được nhận xét giống như một bản làm lại thể loại khoa học viễn tưởng của The Last Samurai (2003). Trong bộ phim, Tom Cruise vào vai một cựu chiến binh người Mỹ đã sát cánh cùng những người samurai thất thế sau khoảng thời gian sống giữa thôn làng, tiếp nhận nền văn hóa cũng như nhân sinh quan và thế giới quan của họ. Câu chuyện của The Last Samurai có nhiều nét tương đồng với hành trình của Jake Sully (Sam Worthington) - tới Pandora, sống hòa mình với những người của bộ tộc Na’vi và sau đó sát cánh cùng họ trong trận chiến bảo vệ vùng đất ấy.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-avatar-huyen-thoai-va-280-trieu-usd-post1095561.html