Đằng sau biến cố trên chính trường Myanmar

Chính trường Myanmar lại dậy sóng sau biến cố bất ngờ diễn ra vào sáng sớm ngày 1-2, gây lo ngại trong dân chúng Myanmar và cộng đồng quốc tế về viễn cảnh quân đội quay trở lại nắm quyền và áp đặt chế độ cai trị hà khắc như trước đây.

Theo thông tin báo chí, vào sáng sớm 1-2, quân đội đã bất ngờ đột kích tòa nhà Quốc hội và các cơ quan Chính phủ Myanmar, bắt giam một số quan chức, chính khách thuộc đảng cầm quyền Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD), trong đó có bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Đến chiều ngày 1-2, khoảng 45 người đã bị bắt, phần lớn là người thuộc đảng NLD.

Ngay sau cuộc đột kích, truyền hình quân đội đã thông báo quân đội đã nắm quyền kiểm soát quốc hội và chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp. Đài truyền hình này cũng cho biết, quân đội sẽ tạm thời nắm quyền điều hành đất nước và tướng Min Aung Hlaing - Tổng Tư lệnh quân đội, tạm thời nắm quyền lãnh đạo.

Đất nước Myanmar hầu như rơi vào tình trạng tê liệt về nhiều mặt, với hệ thống Internet, điện thoại và sóng vô tuyến đều bị khóa. Ngay khi nghe tin về việc quân đội bắt giam bà Aung San Suu Kyi, người dân đổ xô đến các máy rút tiền tự động và các cửa hàng nhu yếu phẩm nhưng hệ thống máy rút tiền cũng bị tê liệt.

Quân đội đang kiểm soát đất nước Myanmar.

Quân đội đang kiểm soát đất nước Myanmar.

Đất nước Myanmar từng được đặt dưới sự lãnh đạo của quân đội trong hơn 50 năm. Đó là khoảng thời gian mà nhiều người dân Myanmar mô tả là “đen tối” nhất, bởi các chính sách cai trị quá hà khắc. Bà Aung San Suu Kyi là người thay đổi tình hình. Trong cuộc đấu tranh hơn 20 năm, bà bị quân đội giam lỏng tại gia hơn 15 năm và được trả tự do vào năm 2010. Cuộc đấu tranh của bà đã mang lại kết quả là quân đội buộc phải thương lượng và đáp ứng một số yêu cầu bà đưa ra.

Năm 2011, đảng NLD của bà chính thức trở lại đăng ký hoạt động như một đảng chính trị. Sau đó, cuộc bầu cử dân chủ, công khai đầu tiên đã được tiến hành vào ngày 14-3-2012 và bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên được bầu vào quốc hội. Cuộc đấu tranh của bà Aung San Suu Kyi không vì thế mà dừng lại. Bà tiếp tục kêu gọi cải cách hiến pháp để gia tăng hơn nữa quuyền dân chủ của người dân Myanmar, đồng thời kêu gọi kiểm soát quyền hành của quân đội bằng pháp luật.

Cho nên, khi tin tức về việc quân đội bắt giữ loạt quan chức, chính khách cầm quyền và nắm quyền kiểm soát đất nước, nhiều người đã bày tỏ sự hoang mang, lo lắng cao độ về nguy cơ sẽ quay trở lại thời kỳ hà khắc trước đây.

Tuy nhiên, khác với trước đây, tình hình chính trị hiện nay sẽ không yên ổn nếu quân đội thật sự áp đặt trở lại chế độ cai trị hà khắc như trước. Ngày 1-2, ngay sau khi bị bắt giam, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng kêu gọi người dân Myanmar tiến hành các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội bắt giam bà và một số chính khách, đồng thời chống lại việc quân đội đang muốn quay trở lại nắm quyền. Lời kêu gọi của bà Aung San Suu Kyi sẽ có tác động mạnh lên tình hình chính trị Myanmar bởi sau gần 10 năm được sống thoải mái, không phải nơm nớp lo sợ như trước, người ta sẽ không dễ dàng để cho nó bị “đánh cắp” lần thứ hai. Một loạt các tổ chức thanh niên, đại diện cho lớp trẻ Myanmar đã lên tiếng “đứng về phía nhân dân”.

Cộng đồng thế giới cũng đang quan tâm sâu sắc đến tình hình ở Myanmar. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên “bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar” và dọa sẽ có hành động để đáp trả những người chủ mưu đảo chính nếu quân đội Myanmar không dừng việc bắt người và kiểm soát đất nước. Ông Biden cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực đối với quân đội Myanmar để buộc phải dừng diễn biến đảo chính hiện nay, từ bỏ quyền lực, thả những người bị giam giữ và kiềm chế bạo lực đối với dân thường. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và một số quốc gia như Australia kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, còn Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres thì gọi diễn biến đảo chính là một “đòn nghiêm trọng đối với các cải cách dân chủ ở Myanmar”.

Thật ra, việc quân đội làm đảo chính luôn luôn là một nguy cơ thường trực ở Myanmar, bởi yêu cầu về việc sửa đổi hiến pháp để kiểm soát quyền lực của quân đội bằng pháp luật chưa được đáp ứng. Khoảng một tuần trước đảo chính, các dấu hiệu đảo chính đã được thể hiện rõ nét khi quân đội lên tiếng dọa sẽ can thiệp, không loại trừ cả đảo chính.

Lời đe dọa đó đã khiến dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, lên tiếng kêu gọi quân đội kiềm chế. Ngay sau đó, quân đội rút lại tuyên bố của mình nhưng kế hoạch đảo chính thì không. Trong tuyên bố trên truyền hình, quân đội đưa ra lý do đảo chính là vì “gian lận” trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11-2020 vừa qua, cáo buộc đã phát hiện 8,6 triệu gian lận bầu cử trên toàn quốc. Kết quả cuộc bầu cử đó, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, giành 396 trên tổng số 476 ghế, trong khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được 33 ghế.

Trước sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, tướng Min Aung Hlaing ra tuyên bố rằng sẽ tổ chức lại cuộc bầu cử một cách công bằng và tự do nhưng không đưa ra thời hạn cho cuộc bầu cử, cũng như không tuyên bố về việc có trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các chính khách khác theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế hay không.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dang-sau-bien-co-tren-chinh-truong-myanmar-629959/