Đằng sau cáo buộc đối với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

Những căng thẳng gia tăng giữa Tổng thống Donald Trump với người đứng đầu Bộ Tư pháp đang làm dấy lên đồn đoán, ông chủ Nhà Trắng sẽ sa thải ông Jeff Sessions sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Ngoài ra, ông Donald Trump còn muốn ngăn chặn được cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller bằng cách thay thế nhân vật này. Bởi khi trả lời phỏng vấn hãng Fox News hôm 24-8, ông chủ Nhà Trắng thông báo, đã yêu cầu Bộ trưởng Jeff Sessions điều tra các cựu quan chức thực thi pháp luật và những thành viên đảng Dân chủ bị coi làm sai dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa công khai chỉ trích ông Jeff Sessions về năng lực điều hành tại Bộ Tư pháp. Tổng thống Donald Trump cũng cho biết, đã chọn ông Jeff Sessions là người lãnh đạo Bộ Tư pháp bởi sự trung thành của cựu Thượng nghị sỹ bang Alabama khi ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2016.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley và Thượng nghị sỹ Lindsey Graham đều thừa nhận về khả năng Bộ trưởng Jeff Sessions sẽ bị thay thế, mặc dù Thượng viện từng tuyên bố, sẽ không chấp nhận bất cứ đề cử nào cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp trong thời gian diễn ra cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Và nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa cũng cảnh báo Tổng thống Donald Trump tránh đưa ra quyết định này bởi có thể dẫn tới “cơn bão” nhằm vào ông.

"Tôi đã chọn Tổng chưởng lý chưa từng kiểm soát được Bộ Tư pháp", Tổng thống Donald Trump chỉ trích ông Jeff Sessions. Trước đó (23-8), khi trả lời phỏng vấn trong chương trình truyền hình Fox and Friends, Tổng thống Donald Trump cảnh báo, nền kinh tế số một thế giới sẽ sụp đổ nếu ông bị luận tội.

Cảnh báo này là câu trả lời của Tổng thống Donald Trump khi được hỏi về mối lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng ông phải đối mặt với pháp luật sau khi cựu luật sư riêng lâu năm là Michael Cohen đã nhận tội.

Theo giới truyền thông, sự giận dữ của Tổng thống Donald Trump xuất hiện sau khi ông Michael Cohen không những thừa nhận chi tiền để che giấu các quan hệ tình ái ngoài luồng, mà còn đồng ý hợp tác với FBI để được hưởng khoan hồng và ông Paul Manafort (cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump) bị kết với 8 tội danh.

Thượng tuần tháng 8, ông Donald Trump từng kêu gọi ông Jeff Sessions chấm dứt cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Hơn 1 tháng trước (22-7), ông Donald Trump từng tuyên bố, Bộ Tư pháp và FBI đã lừa dối tòa án khi công bố tập tài liệu dài 412 trang về ông Carter Page, cựu cố vấn tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông chủ Nhà Trắng.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions (trái) phản pháo ông Donald Trump sau khi bị cho không đủ năng lực kiểm soát bộ.

Về phần mình, ông Jeff Sessions khẳng định không chịu bất cứ áp lực chính trị nào trong việc điều hành Bộ Tư pháp, và nhấn mạnh luôn đứng về các quan chức, nhân viên của cơ quan này vốn được bổ nhiệm theo luật pháp Mỹ. Đồng thời tuyên bố, không bị dao động bởi khả năng bị sa thải.

Trước đó, ông Jeff Sessions từng từ chối điều tra hoạt động nghe lén dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, bất chấp lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từng nói với cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn, ông sẽ cân nhắc việc từ chức nếu Tổng thống Donald Trump sa thải Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.

Ngày 26-7, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã bác bỏ đề xuất của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm luận tội ông Rod Rosenstein. Nhà Trắng từng phủ nhận thông tin nói rằng, Tổng thống Donald Trump muốn sa thải ông Rod Rosenstein, người thường xuyên bị đả kích từ những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vì đã bổ nhiệm ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt.

Dư luận cho rằng, những động thái mới đây chứng tỏ, Bộ Tư pháp đang đi theo hướng thách thức ông chủ Nhà Trắng. Cùng với đó là động thái bất thường của ông Robert Mueller khi sử dụng cụm từ “bản cáo trạng nói” dài 29 trang, trong đó khẳng định các đối tượng người Nga đã lấy tên “Guccifer 2.0” liên lạc với một nhân vật có mối quan hệ với các thành viên cấp cao trong nhóm tranh cử của ông Donald Trump để trao những tài liệu đánh cắp được về đảng Dân chủ.

Vì không thể bắt những đối tượng bị cáo buộc kể trên xuất hiện tại tòa án Mỹ nên “bản cáo trạng nói” này được coi là tài liệu pháp lý duy nhất tại tòa. Đây được coi là đòn cảnh cáo của công tố viên đặc biệt đối với những người muốn hạ bệ ông.

Mấy ngày trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, sẽ tước quyền tiếp cận an ninh của ông Bruce Ohr, quan chức Bộ Tư pháp có vợ từng làm việc cho công ty can dự trong việc soạn hồ sơ nêu chi tiết những liên hệ của ông chủ Nhà Trắng với Nga. Ông Bruce Ohr bị săm soi vì những liên lạc với ông Glenn Simpson, người đồng sáng lập Fusion GPS, công ty chuyên tìm kiếm thông tin bất lợi về các ứng cử viên chính trị.

Mạnh Phong

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/dang-sau-cao-buoc-doi-voi-bo-truong-tu-phap-my-508162/