Đằng sau câu chuyện cơ giới hóa nông nghiệp

ĐBSCL đã có những bước tiến và đang trên đà tăng tốc trong quá trình cơ giới hóa nông nghiệp. Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cơ giới hóa trong nông nghiệp ĐBSCL đang phát triển mạnh.

Trong sản xuất lúa, khâu làm đất đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, thu hoạch là 95%, và khâu thu gom rơm, rạ là 90%... Đối với cây ăn trái, khâu làm đất (vun luống, xẻ rãnh, xới đất) đạt tỷ lệ trên 90%, chăm sóc (tưới, thuốc bảo vệ thực vật) đạt 60%-70%… Đối với nuôi trồng thủy sản, cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi. Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã áp dụng hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ sản xuất lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương tìm cách thành lập Trung tâm Cơ giới hóa ĐBSCL để hỗ trợ, đào tạo và huấn luyện, chuyển giao công nghệ cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây được xem là bước kết nối đồng bộ hóa gắn kết các khâu cơ giới hóa và chế biến nông - lâm - thủy sản, nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Quá trình cơ giới hóa tăng tốc cũng đang đặt ra một vấn đề khá gai góc: càng cơ giới hóa thì nông dân càng “ở không”! Đó cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan băn khoăn khi làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL mới đây. Người đứng đầu ngành nông nghiệp trăn trở: ĐBSCL phải suy nghĩ để một ngày nào đó, thu nhập của người trồng lúa không chỉ tính trên đơn vị diện tích trồng lúa mà còn phải tính đến ngành nghề nông thôn.

Nhắc lại mô hình nông nghiệp thông minh ở Đồng Tháp của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan - chuyên cung cấp chuyển giao các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch), Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, làm nông nghiệp thông minh không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp, mà còn để cho nông dân có thời gian làm thêm những nghề khác. Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, ngành nông nghiệp ĐBSCL không nên xem nghề “làm thêm” của nhà nông là nghề phụ, mà phải thay đổi tư duy, xem ngành nghề ở nông thôn là một nghề tạo thu nhập chính đáng cho nông dân. Có như thế mới có chiến lược, giải pháp hỗ trợ, tối ưu hóa thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//dang-sau-cau-chuyen-co-gioi-hoa-nong-nghiep-843388.html