Đằng sau chiếc vương miện đi mượn của công chúa Nhật Bản

Thay vì đội một chiếc vương miện mới ở lễ trưởng thành theo truyền thống của Hoàng gia Nhật Bản, Công chúa Aiko đã dùng lại đồ cũ của cựu Công chúa Sayako Kuroda.

Công chúa Aiko, con gái duy nhất của Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako, bước sang tuổi 20 vào đầu tháng 12. Trong lễ trưởng thành tại cung điện hoàng gia, công chúa gây bất ngờ khi xuất hiện với bộ trang phục đặc biệt, theo Mainichi Shimbun.

Thay vì đặt làm một chiếc vương miện mới để kỷ niệm ngày đặc biệt của mình, Công chúa Aiko đã đội vương miện và mặc bộ váy, áo choàng trắng mượn từ người cô Sayako Kuroda, con gái của Thượng hoàng Akihito và Hoàng thái hậu Michiko.

Liên quan đến quyết định mượn vương miện của Công chúa Aiko, đa số người dân ủng hộ vì sự tiết kiệm. Nhiều người thậm chí chỉ trích thông lệ đặt mua vương miện trước đây là lãng phí.

Trong khi đó, Yasuhiko Nishimura, quan chức thuộc Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 25/11: "Vương miện là vật dụng cần thiết (đối với các thành viên nữ của hoàng gia) và những lời chỉ trích rằng chúng lãng phí tiền bạc là không phù hợp".

Về vương miện của Công chúa Aiko, ông Nishimura nói: "Mặc dù lần này việc đặt làm vương miện bằng công quỹ đã bị hủy, chúng tôi có thể xem xét làm lại trong tương lai".

Công chúa Aiko đội vương miện của cựu Công chúa Sayako Kuroda. Ảnh: NHK.

Chiếc vương miện đặc biệt

Theo phong tục, mỗi công chúa sẽ có một chiếc vương miện mới vào lễ trưởng thành, tức tròn 20 tuổi.

Vương miện thường được đội trong các sự kiện lớn như buổi lễ đầu năm mới và bữa tiệc nhà nước tại cung điện, chi phí thiết kế và làm chúng thường được chi trả bởi quỹ hoạt động công cộng của Hoàng gia Nhật.

Do đó, vương miện sẽ được trả về hoàng gia khi một công chúa kết hôn với thường dân.

Tuy nhiên, dù đã rời khỏi hoàng gia sau khi kết hôn với một thường dân vào năm 2005, Sayako Kuroda hiện vẫn sở hữu chiếc vương miện.

Điều này khác với truyền thống chung của Hoàng gia Nhật Bản.

Vương miện trị giá 29 triệu yen được cựu Công chúa Mako đội trong những dịp quan trọng. Ảnh: Asia Times.

Quyết định mượn vương miện được Công chúa Aiko đưa ra sau khi thảo luận với cha mẹ mình về những khó khăn xung quanh đại dịch, tiết kiệm chi phí dành cho hoạt động tư nhân của hoàng gia.

Trước đó, khi cựu Công chúa Mako Komuro, con gái lớn của Thân vương Akishino (Fumihito), đón tuổi 20 vào năm 2011, cô đã đội chiếc vương miện trị giá 29 triệu yen của nhà bán lẻ trang sức xa xỉ Wako.

Em gái của Mako, Công chúa Kako, đội chiếc vương miện trị giá 28 triệu yen của nhà sản xuất trang sức Mikimoto trong lễ trưởng thành năm 2014.

Lịch sử vương miện

Lịch sử vương miện trong Hoàng gia Nhật Bản có thể được bắt nguồn từ thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Một loạt hiệp ước được ký kết vào cuối thời kỳ Edo (1603-1867), khiến Nhật Bản mở cửa các hải cảng và chấm dứt chính sách cô lập quốc gia, đồng thời thúc đẩy các chính sách nhằm hiện đại hóa thông qua phương Tây hóa.

Chính trong bối cảnh đó, thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, Ito Hirobumi, đã ban hành một thông báo chính thức vào năm 1886 yêu cầu phụ nữ của hoàng gia mặc trang phục theo phong cách phương Tây.

Hoàng hậu Shoken đội vương miện và mặc trang phục theo phong cách phương Tây trong bức chân dung do Hoàng gia Nhật Bản công bố.

Tháng 1/1887, Hoàng hậu Shoken, vợ của Thiên hoàng Minh Trị, lần đầu tiên mặc một bộ lễ phục được sản xuất ở Đức, được coi là kiểu lễ phục trang trọng nhất trong các buổi lễ năm mới.

Yoko Takagi, giáo sư tại Trường Cao học về Thời trang và Nghiên cứu Môi trường sống của Đại học Bunka Gakuen, chuyên gia về thời trang châu Âu, cho biết: "Người ta cho rằng hoàng hậu cũng đã đội một chiếc vương miện vào thời điểm đó. Điều đó hẳn là rất quan trọng để tạo ấn tượng rằng Nhật Bản đã hoàn toàn phương Tây hóa về mặt văn hóa".

Vương miện mà Hoàng hậu Shoken đội được truyền lại cho các thế hệ sau: Hoàng hậu Teimei, vợ của Hoàng đế Taisho, Hoàng hậu Kojun, vợ của Hoàng đế Showa (Hoàng đế Hirohito) và Hoàng hậu Emerita Michiko.

Năm 2019, Hoàng hậu Masako đã đội nó trong cuộc diễu hành kỷ niệm ngày lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito.

Ngày nay, áo choàng decollete được sử dụng làm trang phục chính thức cho các thành viên nữ của Hoàng gia Nhật Bản.

Vương miện được sử dụng trong các buổi lễ, sự kiện quan trọng tiếp đón các vị khách nước ngoài. Tuy nhiên, trong lễ đón năm mới 2021, hoàng hậu và các thành viên nữ của hoàng gia đã không đội vương miện vì cân nhắc những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt giữa đại dịch Covid-19.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-chiec-vuong-mien-di-muon-cua-cong-chua-nhat-ban-post1284718.html