Đằng sau đòn trừng phạt Nga: Biden không muốn quan hệ 2 nước 'đi vào ngõ cụt'

Mặc dù các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp lên Nga có vẻ cứng rắn nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn tiến hành các biện pháp này một cách chừng mực để quan hệ 2 nước không 'đi vào ngõ cụt'.

Không muốn quan hệ với Nga “đi vào ngõ cụt”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định sẽ trừng phạt Nga vì những hành động mà ông cho là sai trái nhưng đã bị người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Trump phớt lờ. Tuy nhiên, mặc dù đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhưng động thái của ông Biden cho thấy ông vẫn giữ hy vọng về một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow.

Tổng thống Biden. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Biden. Ảnh: Bloomberg

Lệnh trừng phạt Nga được thông báo hôm 15/4 bao gồm các biện pháp hạn chế được áp dụng đối với khoản nợ của chính phủ Nga, trục xuất các nhà ngoại giao và áp lệnh hạn chế với các công ty Nga được cho là có liên quan đến những chiến dịch tấn công mạng.

Theo các nhà chức trách Mỹ, lệnh trừng phạt này giúp họ tiếp tục hành động chống lại Nga nếu Moscow không dừng các động thái như can thiệp bầu cử và tấn công mạng.

Đằng sau lệnh trừng phạt trên của Mỹ - kết quả sau 3 tháng xem xét các hành động của Nga là một sự cân nhắc cẩn trọng. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden gọi đây là các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhưng lại không phải là một cú nốc ao mà các nghị sĩ Mỹ mong đợi sau nhiều năm cựu Tổng thống Trump "dĩ hòa vi quý" với Tổng thống Nga Putin.

Điều đó đã phản ánh sự thận trọng của chính quyền ông Biden trước những tác động tiêu cực tiềm ẩn về kinh tế, cũng như tránh những căng thẳng không cần thiết có thể xóa sổ một vài tín hiệu tích cực và ổn định trong quan hệ hai nước.

Trong bài phát biểu hôm 15/4, Tổng thống Biden cho biết ông đang thực hiện lời hứa trừng phạt những hành động sai trái của Nga nhưng không muốn "khơi mào cho vòng xoáy căng thẳng" ngăn cản hai nước hợp tác với nhau.

"Tôi đã tuyên bố với Tổng thống Putin rằng chúng tôi lẽ ra có thể làm nhiều hơn nhưng tôi đã lựa chọn không làm như vậy. Thay vào đó, tôi chọn một cách phản ứng đúng mực. Trong suốt cuộc cạnh tranh lâu dài trong lịch sử của chúng ta, hai nước có thể tìm cách giải quyết những căng thẳng và tránh để chúng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát", ông Biden nhận định trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga vào đầu tuần này.

Điện Kremlin cho thấy Nga vẫn để ngỏ đề xuất của Nhà Trắng về một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra ở châu Âu. Ông Biden cho biết ông có nhiều biện pháp hơn để gây sức ép lên Nga nhưng ông muốn xây dựng "một mối quan hệ ổn định và có thể đoán định" với Moscow.

Phản ứng trong chính trường Mỹ

Bộ Ngoại giao dự kiến sẽ công bố một báo cáo vào tháng 5, nêu chi tiết về các bên vi phạm các lệnh hạn chế của Mỹ với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa bối cảnh đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền Tổng thống Biden chưa đủ cứng rắn trong việc xử lý vấn đề này. Victoria Nuland, ứng viên được ông Biden đề cử cho vị trí Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị đã khẳng định hôm 15/4 rằng Mỹ cần tăng cường hành động để đối phó với dự án đường ống dẫn khí trên.

Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định, ngay từ đầu, thách thức của chính quyền Tổng thống Biden là xây dựng một chiến lược đối phó với Nga để vừa cho thấy sự cứng rắn so với chính quyền cựu Tổng thống Trump, vừa không đẩy căng thẳng giữa 2 nước đi quá xa.

Chính trị nội bộ cũng là yếu tố đóng vai trò nhất định. Tổng thống Biden đã thông báo một bản đánh giá về chính sách với Nga ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Chính quyền mới muốn truyền tải một thông điệp rằng sẽ không có sự lặp lại một Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki lần thứ hai, nơi mà cựu Tổng thống Trump từng ủng hộ những phủ nhận của người đồng cấp Nga về cáo buộc can thiệp bầu cử, bất chấp những gì các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện được.

"Các lệnh trừng phạt không thể ngăn chặn những hành động gây tổn hại của Nga trong tương lai nhưng có lẽ đây là động thái cần thiết để truyền tải thông điệp tới các đồng minh và đối tác của chúng ta rằng Mỹ đã sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ hơn trong tương lai", Emma Schoeder, một chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) đánh giá.

Phản ứng ở Washington về lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Nga đi từ sự tán thành trong im lặng tới thái độ hoài nghi rõ ràng khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều cho rằng những biện pháp trên chỉ là bước đầu và Mỹ phải hành động nhiều hơn. Họ cũng nhận định, hầu như có rất ít cơ hội để nhượng bộ bởi Mỹ có quá nhiều lĩnh vực đối đầu với Nga, chẳng hạn như dự án đường ống dẫn khí từ Nga tới châu Âu Dòng chảy phương Bắc 2 hay những mối lo ngại về việc tăng cường lực lượng quân sự Nga dọc biên giới với Ukraine.

"Đây là những bước đi quan trọng đầu tiên nhưng việc đối phó với Nga cần những hành động lâu dài và sức ép liên tục từ chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh của chúng ta", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New Hampshire Jeanne Shaheen cho biết trong một thông báo.

Vai trò của các lệnh trừng phạt

Thông báo trừng phạt Nga hôm 15/4 là một minh chứng cho thấy vai trò trung tâm của các biện pháp trừng phạt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nếu không tiến hành các hành động quân sự, Mỹ hầu như có rất ít công cụ để thể hiện sự phản đối trước hành động của các nước khác. Tuy nhiên, trừng phạt các quốc gia khác quá cứng rắn có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt với một nước lớn như Nga.

Gói trừng phạt trên được cân nhắc đặc biệt giữa bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ đang tiến hành đánh giá toàn diện các chương trình trừng phạt của Mỹ nhằm đảm bảo rằng chúng vẫn "có tác động và hiệu quả". Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã gặp các thành viên trong ngành ngân hàng và các chuyên gia về các biện pháp trừng phạt để xem xét việc này. Mục tiêu được đưa ra là nhằm đảm bảo các lệnh trừng phạt vẫn là "một công cụ quyền lực".

Các biện pháp trừng phạt đã được Mỹ tăng cường sử dụng kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 như một công cụ quan trọng để chặn đứng nguồn tài trợ của những kẻ khủng bố và trừng phạt các nước mà Mỹ cho là có các hành vi xấu. Văn phòng Chống khủng bố và Tình báo tài chính (Terrorism and Financial Intelligence Office) đánh giá các biện pháp trừng phạt Nga hôm 15/4 đã được thực hiện đúng mực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp tại Brussels hôm 14/4 cũng nhận định, Mỹ tìm kiếm "những kênh đối thoại mở" với Nga nhằm "làm rõ các quan điểm, các chính sách và sự phản đối của chúng tôi trước những hành động của Nga"./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-don-trung-phat-nga-biden-khong-muon-quan-he-2-nuoc-di-vao-ngo-cut-850744.vov