Đằng sau động thái chìa cành olive của Trung Quốc với Nhật

Ngoại trưởng Vương Nghị dẫn đầu phái đoàn dự hội đàm kinh tế cấp cao với Nhật Bản, động thái cho thấy Trung Quốc đang khẩn trương chuẩn bị cho những biến động sắp tới.

Chỉ một ngày trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có mặt tại Tokyo và làm việc cùng người đồng cấp nước chủ nhà Taro Kono.

"Hai nước cần bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế và hệ thống thương mại tự do", Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương Nghị trong cuộc gặp hôm 16/4.

Sau nhiều năm quan hệ song phương căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến hợp tác kinh tế lâm vào bế tắc, Trung Quốc và Nhật Bản nay tái khởi động hội đàm kinh tế cấp cao. Phía sau bước đột phá bất ngờ trong quan hệ Trung - Nhật, người ta thấy thấp thoáng những toan tính và lo ngại của Bắc Kinh trong bối cảnh cục diện khu vực nhiều khả năng chứng kiến những biến động khó lường.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ Thủ tướng Abe trong chuyến thăm Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc ráo riết chuẩn bị cho biến động

"Họ chạy đua với thời gian để sắp xếp ngày cụ thể cho cuộc gặp", Nikkei dẫn lời một quan chức Nhật Bản nói về sự sốt sắng của Trung Quốc.

Nhiều năm qua, Bắc Kinh không ít lần từ chối đề nghị của Tokyo về tái khởi động các cuộc đối thoại kinh tế. Lần này, họ lại là bên gấp gáp đứng ra dàn xếp cuộc gặp hôm 16/4. Nikkei nhận định gió đã đổi chiều, Trung Quốc nay cần Nhật Bản trong bối cảnh xung đột thương mại gay gắt với Mỹ đang trên bờ vực leo thang thành chiến tranh.

Phái đoàn Trung Quốc đến Nhật Bản trong bối cảnh hàng loạt sự kiện được đánh giá là quan trọng nhất nhiều thập kỷ sẽ diễn ra tại Đông Bắc Á thời gian tới.

Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ hội đàm cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên từ năm 2007. Trong tháng 5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật - Hàn - Trung.

Khép lại chuỗi marathon các sự kiện ngoại giao đình đám là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào đầu tháng 6.

Tất cả các bên Mỹ - Hàn - Nhật - Trung - Triều đều đang tận dụng mọi "quân bài" họ có để giành lợi ích tối đa trong trò chơi địa chính trị phức tạp tại Đông Bắc Á.

Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Taro Kono. Ảnh: AFP.

Với ông Vương, một trong những mục tiêu của chuyến thăm Tokyo là chia rẽ quan hệ Nhật - Mỹ, kéo Tokyo về gần với Bắc Kinh. Mục tiêu của Trung Quốc như được tiếp thêm động lực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Abe, công khai ca ngợi Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, trong khi thẳng thừng bác bỏ lời mời tái gia nhập TPP của Nhật Bản.

Vấn đề Triều Tiên là một trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa ông Vương và ông Kono. Trên cương vị ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị là một trong số hiếm hoi các quan chức tham gia cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Mặc dù vậy, chưa rõ ông Vương đã thảo luận những gì với người đồng cấp Nhật Bản.

Rất nhiều kịch bản cho vấn đề Triều Tiên đã được nhắc tới. Trung Quốc đã gửi tín hiệu cho thấy nước này cân nhắc tái khởi động đàm phán 6 bên (Mỹ - Nhật - Hàn - Trung - Triều - Nga) hoặc đàm phán 4 bên (Mỹ - Hàn - Trung - Triều) để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Cơ cấu quyền lực tại thượng tầng Trung Quốc

Trong chuyến thăm Tokyo lần này, người ta thấy rõ Trung Quốc đã hạ cấp phái đoàn tham gia hội đàm kinh tế cấp cao với Nhật Bản. Trước đây, người dẫn đầu phái đoàn là một trong 25 thành viên bộ Chính trị Trung Quốc. Nhưng lần này, ông Vương, người không nằm trong danh sách ủy viên bộ Chính trị, và cũng không phải bộ trưởng phụ trách kinh tế, đã được chọn.

Theo Nikkei, Phó thủ tướng Lưu Hạc, phụ tá thân cận của ông Tập phụ trách chính sách kinh tế vĩ mô, là nhân vật thích hợp nhất dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc trong cuộc hội đàm lần này với Nhật Bản. Tuy nhiên, Lưu Hạc hiện bận rộn chỉ huy cuộc đối đầu thương mại với Mỹ, do đó, trọng trách được giao cho Vương.

Với việc một nhân vật không chuyên về kinh tế như Vương Nghị ngồi vào bàn đàm phán cùng Nhật Bản, giới chuyên gia đánh giá nhiều khả năng Vương Kỳ Sơn đóng tiếng nói quyết định trong cuộc đối thoại lần này.

Vương Kỳ Sơn (trái) hiện giữ chức phó chủ tịch nước Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Ông Vương Kỳ Sơn, đồng minh thân cận và là kiến trúc sư chiến dịch đả hổ diệt ruồi của Chủ tịch Tập Cận Bình, rời khỏi bộ Chính trị và trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017. Nhưng tháng 3 vừa qua, Vương Kỳ Sơn bất ngờ trở lại chính trường nắm vị trí phó chủ tịch nước.

Dù không còn trong ban thường vụ bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc, truyền thông nhà nước kín đáo gửi tín hiệu cho thấy Vương vẫn nắm quyền lớn, nhiều khả năng ở vị trí thứ 8, chỉ sau 7 ủy viên ban thường vụ bộ Chính trị.

Người láng giềng Triều Tiên thì tỏ ra không nghi ngờ về tầm quan trọng của Vương Kỳ Sơn tại Bắc Kinh. Trong đoạn phim tài liệu 40 phút về chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, người ta thấy ông Kim bắt tay cùng Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và sau đó là Vương Kỳ Sơn. Hình ảnh 5 thành viên còn lại của ban thường vụ bộ Chính trị đã bị bỏ qua.

Trong phái đoàn Trung Quốc tới Nhật Bản hôm 15/4, ngoài Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị còn có Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Bộ trưởng Tài chính Lưu Khôn. Chung và Lưu thuộc các phe cánh chính trị gồm cấp dưới cũ của ông Tập tại các tỉnh nơi ông từng lãnh đạo. Chung thuộc phe Chiết Giang, trong khi Lưu thuộc phe Phúc Kiến.

Chung được lựa chọn phụ trách sáng kiến Vành đai, Con đường, hành lang kinh tế tham vọng kết nối Trung Quốc và châu Âu. Các nhà quan sát nhận định Chung tỏ thái độ vui vẻ thường xuyên hơn so với Lưu trong suốt chuyến làm việc tại Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy sự tự tin của phe Chiết Giang trong quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Duy Anh

Theo Nikkei

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dang-sau-dong-thai-chia-canh-olive-cua-trung-quoc-voi-nhat-post836845.html