Đằng sau dự án Amazon Grand Challenge

Tập đoàn Amazon của Mỹ đang theo đuổi những dự án sáng tạo, vượt ra bên ngoài những lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, như thương mại điện tử, thiết bị tiêu dùng và dịch vụ điện toán đám mây. Amazon đang dần trở thành một đế chế công nghệ hơn là một tập đoàn thương mại điện tử toàn cầu.

Thiết bị Cloud Cam và ổ khóa thông minh tương thích với dịch vụ.

Ẩn sâu bên trong tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ), một nhóm bí mật với tên gọi Grand Challenge – được dẫn đầu bởi Babak Parviz, nhà đồng phát triển kính thông minh Google Glass – đang tiến hành một loạt dự án táo bạo liên quan đến nghiên cứu bệnh ung thư, hồ sơ y tế, giao hàng tận nơi…

Khám phá ý tưởng táo bạo

Tương tự như phòng nghiên cứu thực nghiệm bí mật X (trước đây là Google X) của hãng Alphabet (công ty mẹ của Google), Grand Challenge là một nhóm nhà nghiên cứu được thành lập để khám phá ra những ý tưởng táo bạo có thể giúp mở rộng phạm vi hoạt động của đế chế Amazon. Nhóm này, còn hoạt động dưới các biệt danh 1492 và Amazon X, đã bổ sung thêm hơn 50 thành viên kể từ năm 2014, thời điểm ông Parviz rời Google X để đảm nhận vị trí dẫn đầu bộ phận này.

Theo các tài liệu nội bộ, một số thành viên Grand Challenge được lựa chọn từ đội ngũ nhân viên Amazon thông qua một cuộc thi nội bộ thường niên, được tổ chức nhằm giúp công ty tìm thấy những cơ hội kinh doanh lớn tiếp theo. Các thí sinh vào chung kết có cơ hội trình bày ý tưởng của họ trước những lãnh đạo cấp cao nhất của Amazon, trong đó có cả giám đốc điều hành Jeff Bezos. Những người chiến thắng được tham gia nhóm Grand Challenge và có ngân sách riêng cho việc tuyển dụng.

Thành phần nhóm nói trên nêu bật Amazon sẵn sàng đi xa đến đâu để theo đuổi những dự án sáng tạo, vượt ra bên ngoài những lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, như thương mại điện tử, thiết bị tiêu dùng và dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS). Thông tin ban đầu tiết lộ về mặt tổ chức, Grand Challenge là một phần của AWS và ông Parviz sẽ báo cáo trực tiếp cho Giám đốc điều hành AWS, ông Andy Jassy. Tuy nhiên, người phát ngôn Amazon sau đó khẳng định nhóm Grand Chellenge hoạt động toàn toàn riêng biệt.

Một nguồn tin khác tiết lộ những dự án của Grand Challenge có khung thời gian lâu hơn so với những nhóm tập trung vào sản phẩm thương mại. Dược phẩm và y tế hiện là lĩnh vực trọng tâm của nhóm, trong đó nổi bật là bệnh ung thư và các công nghệ liên quan đến hồ sơ y tế. Họ đang hợp tác với Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson tại thành phố Seattle (Mỹ), tìm cách ứng dụng công nghệ học máy vào việc giúp ngăn chặn và điều trị ung thư. Grand Challenge cũng đang làm việc với AWS trong một dự án gọi là Hera, liên quan đến việc lấy dữ liệu phi cấu trúc từ hồ sơ y tế điện tử để nhận biết một mã không chính xác hoặc sự chẩn đoán sai bệnh tình của một bệnh nhân nào đó. Công nghệ này khai thác những dữ liệu bệnh nhân mà bác sĩ có thể bỏ qua.

Trang LinkedIn của Parviz cho biết ông là một Phó chủ tịch của Amazon nhưng không nói thêm về vai trò của ông. Tại một lần xuất hiện công khai hiếm hoi hồi đầu năm nay, được tổ chức bởi công ty tiếp thị sức khỏe Klick Health (Canada), Parviz nói mập mờ về một số công việc mình đang làm liên quan đến chăm sóc người lớn tuổi. Đây là chủ đề từng thu hút sự quan tâm của Parviz, một người nhập cư Iran, ở thời gian trước. Khi gia nhập Amazon hồi năm 2014, Parviz và một nhóm nhân viên đã có chuyến đi khắp nước để tìm kiếm nguồn cảm hứng về những công nghệ có thể giúp ích cho dân số Mỹ đang ngày càng lão hóa.

Ông Babak Parviz

Alexa vào lĩnh vực y tế số

Ngoài những dự án do nhóm Grand Challenge bí ẩn tiến hành, Amazon còn tìm cách dựa vào thiết bị loa thông minh Echo để mở rộng hiện diện trong thị trường chăm sóc sức khỏe. Theo một tài liệu nội bộ, công ty đã xây dựng một nhóm bên trong bộ phận trợ lý giọng nói Alexa, có tên gọi là là “Sức khỏe và sống khỏe”. Nhóm này gồm hơn mười người và được dẫn dắt bởi bà Rachel Jiang, người đảm nhận các vai trò khác nhau, như phụ trách các quảng cáo và video, tại Amazon trong năm năm qua.

Công việc chính của nhóm là giúp Alexa trở nên hữu ích hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – một lĩnh lực đòi hỏi việc tuân thủ các quy định và yêu cầu về bảo mật dữ liệu tại Mỹ. Nhóm này đang nhắm đến các lĩnh vực như quản lý bệnh tiểu đường, chăm sóc cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và tình trạng lão hóa.

Dù Amazon không đề cập công khai về nhóm nói trên, sự tồn tại của họ là dấu hiệu rõ ràng nhất về tham vọng đưa công nghệ giọng nói Alexa vào lĩnh vực y tế số. Nếu được bật đèn xanh về mặt luật lệ, những thiết bị, ứng dụng tương thích với Alexa có thể tải lên những dữ liệu sức khỏe nhạy cảm để chia sẻ với các chuyên gia y tế và bệnh nhân. Nỗ lực mới cũng cho phép sự tích hợp với ứng dụng của bên thứ 3. Vào mùa hè năm 2017, Amazon đã làm việc với hãng dược phẩm Merck (Mỹ) để treo thưởng khuyến khích các nhà phát triển xây dựng “kỹ năng” (ứng dụng) dành cho Alexa, giúp bệnh nhân tiểu đường quản lý được quá trình chăm sóc sức khỏe của họ.

Amazon hiện còn theo đuổi nhiều dự án khác nhau nhằm tăng cường hiện diện trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe trị giá hàng ngàn tỉ đô la. Chẳng hạn như bộ phận AWS có một đội ngũ chuyên phục vụ các công ty y tế và dược phẩm. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, công ty này đang nghiên cứu những phương thức phân phối thuốc hiệu quả. Tuyên bố công khai nhất của Amazon về tham vọng nói trên xuất hiện vào đầu năm nay. Khi đó, công ty này thông báo bắt tay với tập đoàn Berkshire Hathaway và ngân hàng J.P. Morgan (đều của Mỹ) trong một sáng kiến chung nhằm cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Dịch vụ giao hàng đến tận cốp xe hơi của Amazon.

Giao hàng chặng cuối

Công việc của nhóm Grand Challenge không chỉ giới hạn trong việc chăm sóc sức khỏe mà còn liên quan đến chiến lược “giao hàng chặng cuối” của Amazon. Những dự án này nhằm cải thiện tốc độ và hiệu quả hoạt động giao hàng bằng cách tìm kiếm cách thức mới để tiếp cận người tiêu dùng.

Diễn biến này không có gì lạ bởi Amazon thời gian quan dành nhiều nỗ lực để giúp quá trình giao hàng diễn ra nhanh và thuận tiện hơn. Ban đầu, những ai đăng ký sử dụng dịch vụ Prime có thể được giao hàng ngay trong ngày mua hoặc trong vòng 1-2 giờ sau khi mua đối với một số sản phẩm nhất định. Vấn đề là không phải ai lúc nào cũng có mặt ở nhà để nhận hàng. Vì thế, Amazon cho đặt tủ khóa tại những cửa hàng tiện lợi hoặc hành lang các tòa nhà gần đó. Công ty này thậm chí còn trình làng loại máy bay không người lái có thể thả gói hàng xuống sân sau của nhà người mua.

Gần đây, Amazon còn đi xa hơn khi tung ra dịch vụ cho phép người giao hàng mở cửa và đặt gói hàng an toàn bên trong ngôi nhà khách hàng. Dịch vụ này gọi là Amazon Key, hoạt động dựa vào loại camera mới của Amazon – gọi là Cloud Cam - và khóa thông minh tương thích. Camera này kết nối với Internet thông qua mạng Wi-Fi của ngôi nhà và “giao tiếp” với ổ khóa thông qua Zigbee, một giao thức không dây đang được sử dụng bởi nhiều thiết bị gia dụng thông minh.

Ngoài ngôi nhà, công ty vào cuối tháng 4 qua còn tung ra dịch vụ cho phép giao hàng bên trong cốp xe hơi thông qua sự cộng tác với hai hãng xe General Motors, Volvo và sử dụng những công nghệ kết nối tích hợp trên nhiều chiếc xe hiện đại ngày nay. Dịch vụ dự kiến sẽ có mặt tại 37 thành phố Mỹ trong thời gian tới, ban đầu chỉ dành cho thành viên dịch vụ Prime sở hữu xe của GM và Volvo. Amazon dự định bổ sung thêm những thương hiệu xe khác theo thời gian.

(CNBC, The Verge)

Minh Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274590/dang-sau-du-an-amazon-grand-challenge.html