Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Mệ Đinh Thị Sỏ bán chuối ở đường Trần Hưng Đạo

Bà Trần Thị Sen, năm nay 70 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh. Bà bán quán nước nhỏ mưu sinh từ sau năm 1975 đến nay bên góc nhỏ ven đường trước sân ga Huế. Bà bị khuyết tật bẩm sinh, cứ đến 5 giờ chiều, bà lại đẩy chiếc xe từ nhà đến đây gần 2 cây số bằng đôi bàn tay ngón có, ngón không của mình.

Ngày nào có khách dừng chân thì bán được năm ba chai nước, gói bánh…; bán đến 9 - 10 giờ tối mới về đến nhà. Cặm cụi là vậy nhưng mỗi ngày cũng chỉ lãi được 50 - 70 ngàn đồng. Buồn nhất là những ngày mưa gió. Chồng bà Sen đã mất cách đây 40 năm, con trai cũng mất hơn 20 năm nay. Từ đó đến nay, bà vẫn cứ thui thủi một mình mưu sinh, lấy công việc làm niềm vui. “Những ngày trái gió trở trời bệnh khớp tái phát, cũng phải cố gắng duy trì công việc. Mình nghỉ vài ngày là khách quen cũng ít lui tới”, bà Sen mở lòng. Bà Sen thuộc hộ nghèo, mỗi tháng bà được trợ cấp 720 ngàn đồng tiền dành cho người khuyết tật. Bà khoe, với số tiền dành dụm được cộng với số tiền vay Nhà nước 24 triệu đồng, bà vừa sửa sang được ngôi nhà của mình hết 70 triệu đồng.

Không giống như bà Sen sống một mình, mệ Đinh Thị Sỏ, năm nay 87 tuổi, ở phường Hương Long có con cái đông, nhưng cuộc sống chẳng hề khấm khá. Hằng ngày khoảng 10 giờ sáng, mệ có mặt trên đường Trần Hưng Đạo, ngồi dưới tán cây với rổ chuối để trước mặt. “Buôn bán thì cũng tùy duyên, ngày nào được mọi người ủng hộ mua nhiều thì mệ về sớm, cũng có những ngày đến 9 - 10 giờ tối mệ vẫn còn ngồi ngậm ngùi nhìn rổ chuối còn ế với hy vọng người đi đường dừng chân mua cho vài nải”, mệ Sỏ chia sẻ.

Một ngày miệt mài như vậy, mệ Sỏ chỉ lãi được đôi ba chục ngàn, thậm chí có những hôm không bán được đồng nào. Mệ tâm sự, đã theo nghề này với mẹ từ khi còn là con gái, ròng rã hơn 40 năm đôi quang gánh trên vai, mệ dạo quanh phố phường để mưu sinh, trang trải cho tuổi già, không muốn dựa dẫm vào con cái khi mà các con cũng khó khăn, còn vất vả bởi cái ăn cái mặc. Những ngày nào trời mưa lạnh, phải ngồi ở nhà, mệ lại thấy buồn, mệ nhớ nghề lắm. Vất vả, nhọc nhằn, song khi nào, mệ cũng cười, cũng nói chuyện hài hước khi khách dừng chân…

Mỗi lần ngang qua đường Nguyễn Trãi, gần bên cột đèn giao thông, bao giờ tôi cũng bắt gặp người phụ nữ có gương mặt hiền hậu ngồi bán trứng gà. Mệ tên là Nguyễn Thị Tồn, 90 tuổi. Những năm trước còn sức gánh đôi quang gánh trên vai, mệ đi bộ 6 cây số để về đây ngồi bán. Nhưng hai năm nay, sức khỏe ngày một yếu, khi thì đi xe thồ, có lúc mệ xin người quá giang… Dừng chân mua 20 quả trứng và bắt chuyện, tôi cảm nhận được nét tảo tần trên khuôn mặt nhăn nheo của một đời lận đận của mệ. Thấy tôi ngạc nhiên sao mệ không ở nhà nghỉ dưỡng tuổi già, mệ từ tốn thực lòng: “Nghỉ bán lấy chi mà trang trải cháu ơi. Mệ còn phải lo cho 2 cậu con trai ốm đau, tật nguyền”.

Ở cái độ tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc tuổi già, thì vẫn còn đó những mảnh đời đội nắng đội gió, mang cả gánh nặng mưu sinh trên đôi vai gầy rong ruổi ngày đêm trên từng góc phố để lo cho cái ăn, cái mặc, trang trải cuộc sống gia đình. Chính nghị lực phi thường của các mệ như tiếp thêm sức mạnh để mỗi chúng ta biết trân trọng hơn công việc mình đã chọn, biết yêu thương và biết lạc quan, vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Quốc Hữu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/dang-sau-ganh-nang-muu-sinh-136445.html