Đằng sau 'mối quan hệ' giữa truyền thông và khủng bố (Kỳ 1)

Các nhóm khủng bố luôn khao khát sự quan tâm của công chúng để phục vụ mục đích riêng, và những vụ tấn công ngày càng được phổ biến rộng rãi nhờ những thành tựu công nghệ. Như một lẽ tự nhiên, những cuộc kết nối không tránh khỏi đã diễn ra giữa các nhóm khủng bố và giới truyền thông.

KHỦNG BỐ “BÁM RIẾT” TRUYỀN THÔNG

Trong ngày xảy ra vụ khủng bố 11.9, Osama bin Laden rời thủ đô Kabul về thung lũng xa xôi ở đông Afghanistan. Trong đoàn tùy tùng có một “chiếc xe truyền thông” đã được chuẩn bị từ trước theo lệnh của trùm khủng bố này. Đó là chiếc xe cỡ nhỏ được trang bị ti vi nhận tín hiệu vệ tinh để Bin Laden theo dõi các thông tin Mỹ đăng tải về sự kiện 11.9 ở giai đoạn đầu khi chưa tìm ra thủ phạm.

Trên thực tế, từ trước khi vụ khủng bố đẫm máu này xảy ra, Bin Laden đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của truyền thông. Trong cuộc chiến tranh với Liên Xô tại Afghanistan vào những năm 1980, Bin Laden đã gây quỹ và tổ chức các sự kiện truyền thông rồi xây dựng hình ảnh bằng cách mời các nhà sản xuất phim có tiếng dành thời gian cùng đi với hắn trong các chuyến đi hiếm hoi tới tiền tuyến.

Osama bin Laden đã luôn theo dõi sát sao vụ khủng bố 11.9 qua truyền thông.

Năm 1956, nhà hoạt động chính trị người Algeria, Ramdane Abane đã băn khoăn rằng liệu việc tiêu diệt 10 kẻ thù ở một vùng hẻo lánh nơi “sẽ không có ai quan tâm” hay việc sát hại một người đàn ông ở thủ đô Algiers có khả năng “trở thành câu chuyện bàn tán vào ngày hôm sau” sẽ khác nhau như thế nào. Có thể thấy, thiếu truyền thông, chỉ một nhóm nhỏ người biết được rằng một vụ tấn công đã được tiến hành.

Do vậy những kẻ khủng bố đã bám chặt quan niệm rằng các cuộc tấn công là cần thiết và phải có sự kiện bất ngờ khiến các giới truyền thông không thể ngó lơ và những ví dụ điển hình là vụ đánh bom kép tại đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi vào năm 1998 hay vụ khủng bố 11.9...

Mohamed Merah, một tên tội phạm vặt 23 tuổi, kẻ sát hại dã man 7 người Pháp, đã dành hầu hết 36 tiếng cuối cuộc đời ôm lấy chiếc laptop trong căn hộ nhỏ của hắn ở thành phố Toulouse. Đó là một ngày tháng 3.2012, khi ở bên ngoài cảnh sát bao vây chặt chẽ còn giới báo đài tập trung túm tụm thì Merah lại ung dung hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng rồi kiểm tra vũ khí.

Vài giờ trước khi bị cảnh sát tiêu diệt trong cuộc đấu súng, Merah đã biên tập xong đoạn video dài 24 phút từ chiếc camera hành trình hắn gắn lên trang phục để ghi lại hình ảnh từ quá trình chuẩn bị, sát hại các nạn nhân và cả việc bỏ trốn trên chiếc xe máy.

Hình ảnh kẻ giết hại binh sĩ Lee Rigby với bàn tay bê bết máu đã được đăng tải trên nhiều kênh truyền hình.

Merah đã vượt qua được hàng rào an ninh nhưng hắn không lấy cơ hội để trốn thoát. Thay vào đó, hắn bước đến hòm thư, gửi một bưu kiện có chứa USB với video được lưu trữ trong đó rồi trở về nhà và chờ đợi cái chết. Bưu kiện này Merah gửi đến kênh truyền hình Al - Jazeera. Hắn tự tin rằng Al - Jazeera sẽ trình chiếu đoạn video nhưng trên thực tế, Al - Jazeera không làm như vậy.

Nhưng kể từ cái chết của Merah, việc các trang mạng và đài truyền hình sử dụng và trình chiếu hình ảnh bạo lực từ các vụ khủng bố đã đạt đến mức không kiểm soát. Hầu hết trong đó là những vụ hành quyết con tin là nhà báo, binh sĩ Chính phủ Syria, những người bị buộc tội gián điệp hoặc bị tình nghi đồng tính... của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hoàn toàn không được kiểm duyệt và với chỉ vài cú click chuột máy tính hay nhấn nút điện thoại là bất cứ ai cũng có thể theo dõi các video hành quyết của IS trên Internet. Đoạn video tương tự đã xuất hiện trên trang web nổi tiếng của một tờ báo Anh ngay dưới phần quảng cáo về kỳ nghỉ gia đình. Những cảnh giết chóc đã được loại bỏ nhưng vẫn không thể rũ bỏ hoàn toàn tính bạo lực.

Bên cạnh đó, sau một số vụ khủng bố, câu hỏi được đưa ra đó là phải chăng những kẻ tấn công không còn có ý định ghi hình lại các phi vụ của chúng nữa bởi chúng hiểu rằng sẽ có những người khác thực hiện điều này? Có thể thấy trong vụ khủng bố đẫm máu tại Paris tháng 11.2015, có 3 đoạn video cán mốc hàng triệu lượt người xem đều được thu thập từ nhân chứng hoặc máy quay giám sát. Một video được tờ Daily Mail khai thác từ máy quay giám sát ở hiện trường cho thấy tên khủng bố tay lăm lăm súng ngắm bắn một người phụ nữ. Đoạn băng khác được quay từ điện thoại là những khán giả buổi biểu diễn ca nhạc hoảng sợ bỏ chạy. Và đoạn video về đám đông ở Nhà hát Bataclan vào thời điểm loạt đạn đầu tiên nổ ra cũng được quay bởi một trong những khán giả.

Quay trở lại năm 2013, Michael Adebolajo - kẻ sát hại binh sĩ người Anh Lee Rigby bằng dao ngay trên đường phố London (Anh) đã chuẩn bị những lời tuyên bố để đọc trước những nhân chứng xuất hiện ở hiện trường vụ tấn công. Tất nhiên, họ đều có điện thoại và ghi lại được hình ảnh Adebolajo tay lăm lăm dao vấy máu, ba hoa về chính sách ngoại giao của phương Tây sau đó xin lỗi phụ nữ và trẻ em về cảnh bạo lực này. Và như một điều hiển nhiên, hình ảnh máu me ghê rợn của Adebolajo đã xuất hiện tràn ngập các trang báo và trên ti vi.

Trong vụ thảm sát tại Tòa soạn Charlie Hedbo (Pháp), những kẻ khủng bố đã dã tâm bắn chết một cảnh sát bị thương trên vệ đường ngay bên ngoài tòa soạn, một người dân sống gần đó đã quay lại vụ việc và video này lại lập tức được trình chiếu khắp các kênh truyền hình.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/dang-sau-moi-quan-he-giua-truyen-thong-va-khung-bo-ky-1-881772.html