Đằng sau những cáo buộc đối với Thủ tướng Canada

'Tôi nhớ rõ ngày hôm đó tại Creston, đó là sự kiện của quỹ Avalanche nhằm hỗ trợ cho các hoạt động đảm bảo an toàn khi có lở tuyết. Tôi đã có một ngày thú vị. Tôi không nhớ có bất cứ sự tương tác mang tính tiêu cực nào khi đó', Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố hôm 1-7 để bác bỏ cáo buộc cho rằng, ông có hành vi không đúng mực với một nữ nhà báo trong một lễ hội âm nhạc vào năm 2000.

Cáo buộc kể trên được nhắc tới nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên ông Justin Trudeau lên tiếng công khai về vấn đề này - phản bác cáo buộc đã “sàm sỡ” một nhà báo nữ trong lễ hội âm nhạc tại thành phố Creston, bang British Columbia cách đây 18 năm.

Khi đó, ông Justin Trudeau, 28 tuổi, là con trai cựu Thủ tướng Pierre Trudeau, chưa có nhiều hoạt động chính trị, chỉ tham gia tổ chức từ thiện của quỹ Avalanche sau em trai Michel Trudeau bị tử nạn trong trận lở tuyết năm 1998.

Thủ tướng Justin Trudeau.

Ngày 2-7, kênh truyền hình CBC cho biết, đã liên hệ với nữ phóng viên trong câu chuyện kể trên, nhưng cô không muốn bị công khai thông tin và không muốn tham gia vào sự việc này. Được biết, nhà báo đứng sau cáo buộc chưa trả lời đề nghị phỏng vấn của tờ The Guardian.

Ông Justin Trudeau đưa ra tuyên bố kể trên sau khi đảng Bảo thủ đối lập tại Canada vừa chỉ trích Thủ tướng, người đang lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền - ông đang lợi dụng lịch trình làm việc tại văn phòng, vì có quá nhiều ngày nghỉ “cá nhân” không cần thiết sau các chuyến đi gây tranh cãi gần đây.

“Người dân Canada và truyền thông có quyền được biết ông ấy ở đâu và ông ấy thường làm gì”, người phát ngôn của Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố sau khi vụ việc này làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Theo giới truyền thông, vấn đề kể trên diễn ra mấy ngày sau khi Thủ tướng Justin Trudeau vấp phải chỉ trích của dư luận do chi một khoản tiền lớn cho chuyến công du Ấn Độ hồi tháng 2.

Theo những nghị sĩ bảo thủ trong quốc hội, chuyến đi của ông Justin Trudeau đã tốn hơn 1,5 triệu USD, nhưng không mang lại kết quả gì. Nhưng nhiều người cho rằng, Thủ tướng Justin Trudeau chi ít hơn so với người tiền nhiệm Stephen Harper trong 2 chuyến công du tới Ấn Độ năm 2009 và 2012.

Khoảng nửa tháng trước, Thủ tướng Justin Trudeau đã bị phạt 100 USD vì vi phạm Đạo luật Xung đột Lợi ích khi không khai báo món quà là 2 cặp kính được Thủ hiến đảo Prince Edward Wade MacLauchlan tặng đúng 1 năm trước.

Theo Canadian Press, nhân chuyến thăm tới đảo Prince Edward hồi tháng 7-2017, Thủ tướng Justin Trudeau đã được Thủ hiến Wade MacLauchlan tặng 2 cặp kính là sản phẩm của Công ty Kính mắt Fellow Earthlings có trụ sở tại Guernsey Cove, đảo Prince Edward.

Trong bức thư công bố hôm 22-6, Thư ký báo chí của Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, do sai sót về thủ tục hành chính nên ông đã không điền đầy đủ thông tin vào tờ khai và thông báo về món quà này theo quy định. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm, Thủ tướng Justin Trudeau gặp rắc rối với cơ quan giám sát đạo đức của quốc hội liên quan tới Đạo luật Xung đột Lợi ích.

Tờ The Guardian từng đưa tin, cơ quan giám sát đạo đức đã mở cuộc điều tra đối với Thủ tướng Justin Trudeau, khi ông cùng gia đình đi nghỉ năm mới trên đảo Bell ở Bahamas bằng trực thăng riêng của tỷ phú Aga Khan. Gần 1,5 năm trước (16-1-2017), Ủy viên Giám sát Đạo đức và Xung đột lợi ích liên bang Mary Dawson thông báo, đã mở cuộc điều tra đối với Thủ tướng Justin Trudeau, đồng thời thừa nhận những lo ngại về khả năng vi phạm của người đứng đầu chính phủ trong vấn đề này.

Bởi ông Justin Trudeau đã sử dụng máy bay riêng và chấp nhận lời mời của ông Aga Khan trong bối cảnh tỷ phú này là người đứng đầu một tổ chức vận động hành lang tại Canada. Theo quy định của Luật Xung đột Lợi ích, Canada cấm tất cả các thành viên chính phủ sử dụng máy bay tư nhân trong các chuyến đi, trừ những trường hợp đặc biệt.

Ngoài những cáo buộc kể trên, Thủ tướng Justin Trudeau và đảng Tự do cầm quyền còn phải đối mặt với áp lực lớn từ phe đối lập và người dân sau khi giới truyền thông tiết lộ về các hoạt động quyên góp gây tranh cãi.

Theo người đứng đầu đảng Bảo thủ Rona Ambrose, cơ quan chức năng phải mở cuộc điều tra toàn diện về các buổi gây quỹ gần đây của đảng Tự do để xem các nhà tài trợ có sử dụng những khoản đóng góp của họ để gây ảnh hưởng đối với quyết sách của chính phủ hay không.

Theo thông tin từ tờ The Globe and Mail, các buổi gây quỹ được tổ chức theo diện hẹp tại tư gia của một số doanh nhân giàu có hay những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội. Và những người tham dự phải mua vé vào cửa với mức giá 1.500 CAD (tiền Canada) để có cơ hội gặp Thủ tướng Justin Trudeau và các thành viên cấp cao trong chính phủ.

Mạnh Phong

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/dang-sau-nhung-cao-buoc-doi-voi-thu-tuong-canada-500612/