Đằng sau những cuộc 'hành xác' giới trẻ trên những cung đường rừng núi

Techcombank Marathon tháng 1, Dalat Ultra Trail giữa tháng 3 và cuối tháng là giải Tiền Phong Marathon, tháng 6 giải chạy marathon ở Quy Nhơn, còn tháng 9.2019 có đến hai giải Tràng An Marathon tại Ninh Bình và Vietnam Moutain Marathon (VMM) tại Sapa… Giải nào cũng có đến vài ngàn người tham gia trong đó đa phần là các bạn trẻ…

 Lượng VĐV tham gia đông đến mức ùn tắc cả lối chạy trên đồi thông tại Đà Lạt (ảnh: Webthethao.vn).

Lượng VĐV tham gia đông đến mức ùn tắc cả lối chạy trên đồi thông tại Đà Lạt (ảnh: Webthethao.vn).

Chạy để… hiểu sức mình

Các giải chạy bộ đường núi và đường bằng liên tiếp diễn ra tại Việt Nam với các cự li 10, 21, 42, 70 và thậm chí còn lên đến 100km như giải VMM.

Từ những giải chạy việt dã truyền thống, phong trào chạy bộ tại Việt Nam được tiếp sức bởi các Cty tổ chức quốc tế mang tính khu vực và toàn cầu. Đến nay, hàng năm đã có hơn 10 giải chạy như thế diễn ra tại Việt Nam.

Đơn cử như giải chạy đường núi Dalat Ultra Trail 2019 diễn ra vào ngày 16.3 mới đây, có đến hơn 4.400 vận động viên (VĐV) tham gia ở các cự li 10, 21, 42 và 70km đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, có rất nhiều người trẻ, chạy lần đầu, đã chọn cự li khá “khủng” là 42km (trên thực tế đường chạy dài hơn 43km). M. - một cô gái tuổi dưới 30 đang công tác tại một start-up về công nghệ nhà thông minh ở TP.HCM - thổ lộ: “Em tham gia để thử coi sức mình đến đâu chứ chưa tập luyện được nhiều”.

Hàng trăm VĐV đã có mặt tại điểm tập trung xuất phát từ sáng sớm. Ảnh: PK

M. cho biết, cô tập chạy vào các buổi sáng trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Trong khi đó, anh Q. chỉ mới tập luyện trong vòng 10 ngày. Dù có chút thiếu tự tin nhưng cuối cùng anh cũng liều mua lại bib (mã số đăng kí) từ người khác để chạy cự li 21km tại Dalat Ultra Trail 2019, và cuối cùng về đích với khoảng 6 tiếng đồng hồ. Anh Q. cười: “Chạy xong thấy tự tin hẳn và hiểu được khả năng thể lực mình tới đâu. Đáng ra anh Q. còn có thể về đích sớm hơn nhưng anh nán lại để hỗ trợ những bạn đường bị chuột rút.

Chạy vì sự yêu thích… “hành xác”

Tháng 9.2017, tại giải VMM ở Sapa, tôi được làm quen với hai người phụ nữ: Một đến từ Mỹ là cô gái da đen 20 tuổi đầy duyên dáng. Một đến từ Malaysia vốn là bà mẹ 1 con. “Tôi sang Việt Nam trước để chạy 21km còn chồng tôi ngày mai mới đưa con sang để cả gia đình đi du lịch Việt Nam”, người phụ nữ Malaysia cho biết. “Đây là lần đầu tôi chạy Sapa và nghe nói cung đường rất khó. Nhưng không sao, tôi muốn được thử thách”, VĐV nữ Malaysia nói tiếp.

Cô gái đến từ Mỹ (thứ 2 trái sang) tham dự giải chạy VMM tháng 9.2017 tại Sapa ở cự li 21km (ảnh: PK).

Nói rằng chạy marathon đường núi như ở Sapa, Đà Lạt hay Thanh Hóa… ở các cự li từ 21km trở lên là một cuộc “hành xác” cũng không có gì là quá. Năm 2017, sau cuộc chạy 21km giải VMM và bị chuột rút giữa đường, T.Tr đã về viết một bài báo “tường trình về một cuộc hành xác…”. Ai đọc cũng có thể hiểu thêm tính khắc nghiệt của sự yêu thích và đam mê chạy bộ địa hình vốn tốn nhiều mồ hôi và sức lực, thậm chí còn bị vắt kiệt.

Cuộc chạy VMM năm 2017 tại Sapa anh P. cũng bị chuộc rút giữa đường và phải nhờ sự hỗ trợ của đồng đội mới “lê lết” được về tới đích của cự li 21km trong thời gian cho phép.

Tưởng là… chừa. Nhưng đúng một năm sau, P. lại chạy 21km tại giải Tràng An Marathon. Chạy vì thích, chạy vì phong trào bạn bè hội nhóm rủ rê nhau, chạy vì cảnh Tràng An – Ninh Bình tháng 9 đẹp khó cưỡng…

Và trên hết, chạy để thử thách chính mình và vượt qua chính mình.

Để thực hiện một cuộc chạy như vậy, chi phí từ mua bib, mua các thực phẩm dinh dưỡng cung cấp năng lượng cao, các trang thiết bị và dụng cụ, tiền vé máy bay, xe khách, khách sạn.v.v… tốn đến cả chục triệu đồng hoặc hơn. Thế nhưng, tốn cứ tốn để có thể chạy “hành xác” mình trong không khí ngày hội.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/dang-sau-nhung-cuoc-hanh-xac-gioi-tre-tren-nhung-cung-duong-rung-nui-663144.ldo