Đằng sau những phát ngôn về thị trường điện máy

Mục đích của cạnh tranh không gì khác là để hàng hóa của doanh nghiệp 'bán chạy' trên thị trường. Điều này không xấu, tuy nhiên để cạnh tranh, một số doanh nghiệp không ngần ngại đưa ra các 'chiêu trò' về giá, thậm chí là các thông tin, những phát ngôn mập mờ nhằm 'dìm' các đối thủ lại là sự cạnh tranh không lành mạnh.

Đã từ lâu hành vi cạnh tranh xuất hiện và tồn tại trong quá trình hình thành, phát triển của sản xuất hàng hóa và trở thành một đặc trưng cơ bản của cơ chế thị trường. Mục đích của cạnh tranh không gì khác ngoài việc làm thế nào để hàng hóa, dịch vụ của mỗi doanh nghiệp được “bán chạy” trên thị trường. Hay nói một cách khái quát hơn, đó chính là vấn đề lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp muốn đạt được thông qua quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.

Cạnh tranh không lành mạnh là một hành vi pháp luật nghiêm cấm (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên cạnh tranh không lành mạnh là một “chiêu trò” mà rất nhiều doanh nghiệp sử dụng để “dìm” đối thủ, thu hút khách hàng, người tiêu dùng và là một hành vi bị pháp luật cấm.

Tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh Tranh 2018 nêu: Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Điều 45 Luật cạnh tranh Việt Nam 2018 cũng quy định rõ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.

Trong lĩnh vực điện máy, tình trạng các hệ thống điện máy cạnh tranh nhau để bán hàng, câu kéo khách hàng cũng đã diễn ra. Trước tiên có thể dễ nhận diện về cạnh tranh giá sản phẩm.

Một số "ông lớn" trong lĩnh vực này không ngần ngại tuyên bố giá sản phẩm ở hệ thống của họ là rẻ nhất so với thị trường và khi nói về giá sản phẩm. Đại diện một hãng bán lẻ cho biết: Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu…

Khảo sát giá bán sản phẩm của một số hệ thống điện máy

Thực tế chứng minh khi khảo sát tại một số hệ thống điện máy và thấy rằng, rất nhiều sản phẩm hệ thống này có giá cao hơn các hệ thống khác.

Bên cạnh đó một số “ông lớn” còn cho rằng, chỉ có hệ thống lớn mới bán hàng nguyên seal. Đây cũng là một biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Khi lấy dẫn chứng về việc đi mua chiếc tivi ở doanh nghiệp khác và họ đã lấy hàng trưng bày, đóng vào thùng như hàng mới và cho rằng: chiếc máy bạn mua chưa chắc là hàng nguyên seal. Vậy các hệ thống bán lẻ khác có bán hàng nguyên seal hay không?

Việc bóc seal đối với các mặt hàng điện máy không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm

Liên quan đến vấn đề hàng nguyên seal, trao đổi với PV, ông Lê Anh Tuấn (chuyên gia trong lĩnh vực điện máy) cho biết: Đa phần các mặt hàng điện máy khi nhập về đều phải bóc seal để kiểm tra sản phẩm. Ví dụ như nhập 100 chiếc tivi thì cần phải bóc hộp để kiểm tra. Ông Tuấn cho biết, việc bóc seal (đối với thiết bị điện máy) không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất của việc này, việc bóc seal, bóc hộp đơn giản là để kiểm tra sản phẩm có bị bóp méo, bị vỡ hay không chứ chưa kích hoạt bảo hành, chưa sử dụng nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Trước những “chiêu trò” về giá sản phẩm, đưa ra các thông tin mập mờ để dìm đối thủ của một số ông lớn trong lĩnh vực điện máy, khách hàng cần phải “thông thái” trong việc ra quyết định lựa chọn sản phẩm để tránh “mắc bẫy” trong ma trận thông tin không lành mạnh. Bởi một lẽ các hệ thống bán lẻ vẫn bán hàng đảm bảo chất lượng, hàng nguyên seal và giá cả nhiều lúc còn rẻ hơn so với một số hệ thống lớn trong lĩnh vực này.

PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/dang-sau-nhung-phat-ngon-ve-thi-truong-dien-may-post10364.html