Đằng sau sự hoành tráng của Nga tại Syria là nỗi lo đè nặng

Với những lợi ích cốt lõi tại Syria, dù muốn dù không, Nga cũng phải ra sức bảo vệ. Ngoài mất mát về người, gánh nặng chi phí chiến tranh đang ngày càng đè nặng thêm trên vai người Nga.

Nga đang có lợi ích cốt lõi tại Syria, ngoài việc là một đồng minh thân cận, là đối tác vũ khí truyền thống, Syria còn là nơi trấn giữ những vị trí quan trọng liên quan đến lợi ích của tuyến đường khí đốt Nga.

Syria cũng là nơi có những căn cứ quân sự lớn nhất của Nga tại nước ngoài. Năm 1971, Syria ký một thỏa thuận cho phép Liên Xô kiểm soát một căn cứ hải quân ở thành phố Tartus, trên bờ biển Địa Trung Hải.

Căn cứ này sẽ kiểm soát một phần Địa Trung Hải vốn là tuyến hàng hải quan trọng nhất nhì thế giới.

Vì thế bất cứ chính quyền nào khác nếu không thân Nga như chính quyền của tổng thống Assad sẽ khiến Nga thiệt hại nặng nề.

Ngay từ khi bắt đầu xung đột, Nga đã triển khai hàng loạt khí tài khủng của mình tới nước này.

Từ hệ thống phòng không tối tân S-400, chiến đấu cơ Su-35S, Su-30SM, Su-27SM3, trực thăng tấn công Ka-52, Mi-28, Mi-24, cùng xe tăng T-90 và hàng loạt khí tài hiện đại khác.

Không những vậy, Nga còn cung cấp miễn phí những chiếc tăng T-62 nâng cấp cho chính quyền Syria trong cuộc chiến với khủng bố IS, cũng như chống lại lực lượng đối lập.

Nga cũng triển khai một số lượng lớn binh sĩ tới đây để vận hành khí tài, việc đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho số binh sĩ này cũng đặt ra vấn đề gánh nặng kinh phí không hề nhỏ.

Tại chiến trường Syria, Nga cũng gánh chịu số lượng tổn thất về người. Tuy Nga rất hiếm khi lên tiếng về số lượng binh sĩ thương vong, nhưng giới quan sát nhận định hàng chục binh sĩ Nga đã thiệt mạng tại chiến trường này.

Bên cạnh đó Nga cũng thiệt hại một số khí tài hiện đại khi tham chiến như xe tăng T-90, trực thăng Mi-28, Mi-24, Su-24...

Một trong những lý do Nga triển khai hàng loạt khí tài khủng tới Syria, bất chấp việc chi phí hoạt động cao, một phần Nga muốn tinh chỉnh vũ khí, nhưng mặt khác Nga cũng muốn nhân đây để đẩy mạnh quảng bá vũ khí để xuất khẩu.

Nhưng Nga cũng chỉ bán được một số lượng xe tăng T-90, trong khi các loại khí tài khác hầu như vẫn chưa được khách hàng quan tâm.

Việc triển khai cùng lúc nhiều khí tài hiện đại, lại cho thấy lỗ hổng trong tính năng vũ khí của Nga. Triển khai hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 bên cạnh S-400 cho thấy điểm yếu của S-400 trong việc chống lại các mục tiêu bay thấp, buộc phải nhờ tới Pantsir-S1.

Các tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm Kilo 636.3 cũng lộ rõ yếu huyệt khi không thể tấn công cường độ cao do mỗi tàu chỉ có thể mang tối đa 4 quả, so với hơn một trăm quả tên lửa hành trình trên mỗi tàu ngầm Mỹ.

Sử dụng các máy bay ném bom tầm xa cùng tên lửa hành trình Kh101 là những thứ vũ khí đắt đỏ, nhưng Nga vẫn phải nhiều lần dùng tới. Như vậy, ngoài sự hoành tráng mà quân đội Nga mang lại tại Syria, họ cũng chịu tổn thất không nhỏ về người và của. Trong bối cảnh kinh tế Nga tăng trưởng thấp, việc duy trì cuộc chiến là một gánh nặng không nhỏ mà chính quyền tổng thống Putin phải "bấm bụng" chi.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-dang-sau-su-hoanh-trang-cua-nga-tai-syria-la-noi-lo-de-nang/741876.antd