Đằng sau tham vọng trở thành khu sản xuất chip hàng đầu thế giới

Intel đã đặt mình vào trung tâm của những tham vọng về sản xuất chip điện tử, với đề xuất xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 20 tỷ USD mới hoàn toàn tại châu Âu.

(Nguồn: solvay.com)

(Nguồn: solvay.com)

Vẻ đẹp lộng lẫy của cung điện Versailles, một biểu tượng của quyền lực châu Âu, đã tạo ra một bối cảnh rực rỡ phù hợp cho cuộc thảo luận về dự án sản xuất công nghệ cao, tham vọng và tốn kém nhất của châu Âu.

Theo Tờ Financial Times (Anh), ngày 21/7, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel Pat Gelsinger trong cung điện có từ thế kỷ XVII ở ngoại ô Paris nhân một Hội nghị vào cuối tháng trước, tham vọng về sản xuất chip điện tử là chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của họ.

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách gia nhập liên minh hàng đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn và đặt ra mục tiêu không dễ thực hiện là tăng gấp đôi thị phần chip toàn cầu vào năm 2030. Intel cũng đã đặt mình vào trung tâm của những tham vọng đó, với đề xuất xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 20 tỷ USD mới hoàn toàn tại châu Âu.

Dự án đang được Brussels ca ngợi như là bước đi tham vọng nhất của EU nhằm hướng tới một chương trình nghị sự "tự chủ chiến lược" rộng lớn hơn - một động lực để giảm nguy cơ dễ bị tổn thương của lục địa này trước bất kỳ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro địa chính trị nào. Đối với các quan chức EU, việc thiếu hụt nguồn cung đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn và cản trở sản xuất trong lĩnh vực ôtô quan trọng của EU và nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động.

Trong khi đó, cũng có rủi ro nhất định khi phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc), do lo ngại về ý định của Trung Quốc đối với hòn đảo này và khả năng dễ bị động đất tác động. Khi các nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ đang đầu tư nhiều hơn để mở rộng lĩnh vực bán dẫn của mình, EU cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu châu Âu có nên làm điều tương tự?

Tuy nhiên, câu hỏi mà EU phải đối mặt khi chuẩn bị bắt tay vào thực hiện cam kết này là liệu họ có lãng phí một lượng lớn tiền công để theo đuổi những tham vọng địa chính trị có thể không được hỗ trợ bởi logic thị trường và công nghiệp hay không? Mặc dù có một số thế mạnh trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, song châu Âu lại thua xa châu Á nói riêng về việc sản xuất loại chip cao cấp nhất.

Các giám đốc điều hành cho rằng sẽ mất nhiều năm nỗ lực và nguồn ngân sách công khổng lồ ể thay đổi bức tranh đó, trong bối cảnh chính phủ các nước châu Á và Mỹ cũng đang rót hàng chục tỷ USD trợ cấp cho lĩnh vực này.

Peter Hanbury, đối tác của Bain & Co., chuyên về công nghệ bán dẫn cho rằng chi phí cho tiến trình này sẽ rất tốn kém cũng như sẽ phải mất nhiều năm để châu Âu phát triển loại công nghệ mà các chính trị gia đang nói đến.

Đặt trong bối cảnh thành công của ngành sản xuất chip, đặc biệt là những thành công của các công ty Samsung ở Hàn Quốc, TSMC của Đài Loan và Intel của Mỹ, mặc dù châu Âu cũng có các công ty có tiếng tăm trong ngành, nhưng thị phần chưa đến 10%.

TSMC đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip 3 nanomet, dự kiến sẽ nhanh hơn 15% so với chip 5 nanomet và sử dụng ít điện năng hơn tới 30%. Ngược lại, châu Âu hiện có rất ít cơ sở chế tạo để sản xuất chip hơn 22 nanomet. Sản xuất của Intel ở Ireland là một ngoại lệ, vì nhà máy sản xuất các chip 14 nanomet và công ty đang tìm cách đưa công nghệ 7 nanomet vào địa điểm này.

Các công ty "cây nhà, lá vườn" của châu Âu hầu như không cố gắng cạnh tranh với các đối thủ lớn của châu Á và Mỹ, nơi sản xuất những con chip tiên tiến nhất được sử dụng trong máy tính cao cấp, điện thoại và các thiết bị khác. Thay vào đó, các hãng dẫn đầu thị trường EU như Infineon/Đức, NXP/Hà Lan và STMicroelectronics/Pháp-Italy tập trung vào việc cung cấp thiết bị cho các ngành công nghiệp ôtô, hàng không vũ trụ và tự động hóa công nghiệp, cùng những ngành khác.

Những người ủng hộ mô hình hiện tại cho rằng với tính chất toàn cầu của chuỗi cung ứng chất bán dẫn, châu Âu đã đúng khi chuyên môn hóa các lĩnh vực thế mạnh hơn là tìm cách cạnh tranh với những công ty như TSMC. Công ty Đài Loan này đã dành nhiều thập kỷ để vươn lên là nhà sản xuất hợp đồng chip lớn nhất và đang có kế hoạch đầu tư vốn 100 tỷ USD trong vòng ba năm tới.

TSMC đã chỉ ra những nỗ lực không thành công của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với các tập đoàn hàng thế giới trong ngành sản xuất chất bán dẫn, đồng thời lưu ý rằng EU nên tập trung vào năng lực cốt lõi của mình thay vì phân nhánh vào các công nghệ hàng đầu với chi phí lớn.

Tuy nhiên, những người ủng hộ sự phục hưng của chất bán dẫn của EU ở Brussels cho rằng kiểu suy nghĩ này là tự mãn và cáo buộc các nhà sản xuất hiện nay của "Lục địa Già" đã không đầu tư trong nhiều năm. Ủy ban châu Âu vừa công bố Liên minh chất bán dẫn, một liên minh đối tác công tư nhằm mục đích thương mại hóa các công nghệ mới trong khu vực.

Một quan chức EU cho biết: "Châu Âu cần có một chiến lược địa chiến lược cấp bách để tái cân bằng chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Sẽ có một thị trường rộng lớn để phát triển chip điện tử với công nghệ 2 nanomet, chẳng hạn như trong xe hơi tự lái và châu Âu cần là một phần của điều này. Chúng tôi cần bắt đầu ngay bây giờ."

Mục đích là để đảm bảo an ninh nguồn cung

Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton lập luận rằng EU đã có sẵn một "hệ sinh thái" bán dẫn gồm các nghiên cứu và sản xuất cao cấp để làm nền tảng cho những khát vọng mới của mình.

Tháng trước, ông đã tìm cách nhấn mạnh quan điểm đó trong chuyến thăm Imec, một trung tâm nghiên cứu công nghệ nano ở Leuven ngay bên ngoài Brussels, được các công ty công nghệ lớn nhất bao gồm TSMC, Intel và Samsung sử dụng để sản xuất chip nguyên mẫu.

Khi tiến hành khảo sát một phòng sạch, rộng 5.200 mét vuông được trang bị thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, bao gồm cả thiết bị sản xuất chip ASML dẫn đầu thị trường của Hà Lan, ông Breton đã đặt câu hỏi với các giám đốc điều hành về công nghệ chip thế hệ tiếp theo nhỏ hơn 2 nanomet. Ông Breton nói: "Tôi muốn nói rất rõ ràng, ngày nay chúng ta đang ở vị trí của ‘người lái’ để thúc đẩy công nghệ tiên tiến cho chất bán dẫn ở châu Âu."

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Breton cho rằng EU hiện có một cơ hội duy nhất để khởi động kế hoạch phục hồi kinh tế EU Thế hệ tiếp theo trị giá 800 tỷ euro, để phân bổ đầu tư công từ các quốc gia thành viên vào lĩnh vực sản xuất chip.

Ông thừa nhận để chiến lược hoạt động hiệu quả sẽ đòi hỏi các cam kết về chi ngân sách công "trong một hoặc nhiều thập kỷ tới," đồng thời lập luận rằng EU đã có các chuyên gia đến từ ASML và Imec, đây là một nền tảng đáng kể để xây dựng. Ông nói thêm rằng căng thẳng địa chính trị có thể sẽ kéo dài và châu Âu cần đảm bảo rằng chúng tôi có thể đảm bảo an ninh nguồn cung cho các công ty và người dân của chúng tôi.

(Nguồn: entrepreneur)

Nỗ lực của EU cùng với Liên minh chất bán dẫn sẽ liên quan đến việc các quốc gia thành viên kết hợp trong một dự án mới được gọi là Dự án vì lợi ích chung châu Âu, nhằm mục đích làm suôn sẻ viện trợ nhà nước cho các dự án lớn xuyên biên giới.

Tuy nhiên, bất chấp những điểm mạnh các công ty "cây nhà, lá vườn" mà ông Breton nêu ra, chiến lược này sẽ chủ yếu dựa vào việc mua chuyên môn và bí quyết nước ngoài, ít nhất là ban đầu, bởi Intel có trụ sở tại Mỹ chỉ có thể sản xuất số lượng hạn chế các chip tiên tiến hàng đầu ở châu Âu.

Một quan chức người Italy cho biết: "Câu hỏi đặt ra là châu Âu có thể tự mình chuyển sang nền sản xuất tiên tiến nhất, đây là một con đường rất rủi ro và tốn kém, hay liệu chúng ta có thể nâng cao chiến lược của Intel hay không? Chúng ta muốn đóng vai gì? Chúng ta có hỗ trợ Intel trong khuôn khổ các quy tắc viện trợ của nhà nước hay tạo ra mối quan hệ đối tác và một hệ sinh thái hoàn chỉnh của châu Âu trong lĩnh vực bán dẫn?"

Thiết kế hay sản xuất?

Lời đề nghị của Intel đã gây ra một cuộc tranh giành giữa các quốc gia EU để thu hút Tổng Giám đốc Gelsinger với các đề nghị về địa điểm sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, lực lượng lao động có tay nghề cao và trợ cấp khổng lồ của chính phủ.

Intel đang tìm kiếm sự hỗ trợ của công chúng trị giá nhiều tỷ euro cho nhà máy mới ở châu Âu. Mặc dù chưa tiết lộ con số nhưng Greg Slater, một Giám đốc điều hành các vấn đề pháp lý, cho biết EU gặp "bất lợi về chi phí"so với châu Á và phần lớn sự khác biệt là do mức hỗ trợ của chính phủ.

Các khoản tiền liên quan sẽ cần phải được đánh giá kỹ hơn bởi các chương trình ưu đãi ở các quốc gia khác. Hàn Quốc đang đưa ra các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chương trình đầu tư trị giá 450 tỷ USD trong 9 năm dành cho các nhà sản xuất chip, trong khi Mỹ đang có kế hoạch đầu tư hơn 50 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Ngoài ra, Intel sẽ cần một khu đất rộng 405ha, với cơ sở hạ tầng phát triển có khả năng chứa tối đa 8 cơ sở sản xuất chip. Hiện Intel đã xem xét các địa điểm nhà máy tiềm năng tại các quốc gia bao gồm Đức, Hà Lan, Pháp và Bỉ.

Intel khó có thể sớm bắt đầu sản xuất chip 2 nanomet vì họ vẫn chưa làm chủ được công nghệ này, mặc dù việc sản xuất chip 10 nanomet của họ đã đạt được tiến triển tốt. Ông Slater cho biết việc sản xuất chip 2 nanomet đang đang được triển khai, tùy thuộc vào chính xác thời điểm nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động.

Không phải tất cả các giám đốc điều hành đều bị thuyết phục bởi tham vọng sản xuất chip mới hình thành của châu Âu, và đặc biệt là bởi sự ồn ào chính trị và chủ nghĩa tượng trưng xung quanh mục tiêu tạo ra chip 2 nanomet tiên tiến nhất. Họ cho rằng Ủy ban châu Âu đã không rút ra được bài học từ thất bại của một chiến dịch trước đó, được khởi động vào năm 2013, để tăng thị phần của châu Âu.

"Các nhà sản xuất châu Âu chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô, không cần quá nhiều các chip cao cấp nhất," theo Jens Drews, một Giám đốc điều hành tại GlobalFoundries, một nhà sản xuất chip thuộc sở hữu của Abu Dhabi chuyên sản xuất những con chip tiên tiến nhất ở châu Âu tại Sachsen (Đức).

Khách hàng tương tác với màn hình của Intel tại một triển lãm công nghệ ở thành phố Tel Aviv của Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Drews cho biết: "Ước tính của tôi là 90% nhu cầu chip của châu Âu cho đến cuối thập kỷ này sẽ dành cho chip với công nghệ trên 10 nanomet. Khuyến nghị của tôi là chuyển từ việc theo đuổi giảm kích thước chip để xem xét nhu cầu công nghiệp của chúng ta là gì và với những công nghệ nào mà những nhu cầu đó được giải quyết tốt nhất. Nanomet chỉ là một thước đo và ngành công nghiệp hiện nay phức tạp hơn nhiều. Việc chỉ tập trung vào nanomet là điểm yếu cốt lõi trong chiến lược của Ủy ban châu Âu."

Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc dự án về công nghệ và địa chính trị tại Stiftung Neue Verantwortung, một tổ chức tư vấn ở Berlin, cho biết thêm rằng EU đã sai khi tập trung vào sản xuất thay vì thiết kế chip, đây là một phần của quy trình sản xuất có giá trị cao nhất.

Trong khi chất bán dẫn là điều kiện tiên quyết cho các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và xe tự hành, hầu hết các công ty ở Mỹ hoặc Đài Loan thiết kế và sản xuất chip xử lý cho các chức năng cụ thể này.

Giám đốc Kleinhans chỉ ra rằng châu Âu không có bộ vi xử lý đa năng nào, chip đồ họa hoặc bộ xử lý trung tâm dữ liệu. Trong khi đó về thiết bị di động thông minh, châu Âu cũng không có con chip tích hợp nào.

Ông nói: "Trước khi EU lo lắng về việc những con chip đó được sản xuất ở đâu, chúng ta nên lo lắng về việc ai thiết kế, bởi vì đó chắc chắn không phải là chúng ta."

Ông Kleinhans đặt câu hỏi tại sao EU lại muốn dành hàng tỷ euro trợ cấp để "trở thành nhà sản xuất hợp đồng cho thế giới," tập trung tham gia vào phần của chuỗi giá trị chất bán dẫn có rào cản cao nhất, nhu cầu trợ cấp cao nhất và ông cho rằng điều này ít có triển vọng thành công nhất.

Phối hợp với Mỹ liệu có phải lựa chọn khôn ngoan?

Một số giám đốc điều hành đồng ý rằng EU cần phải tìm ra những gì họ đang tìm cách đạt được, đó là khả năng phục hồi cao hơn trong chuỗi cung ứng; chủ quyền công nghệ và bảo vệ an ninh quốc gia; hoặc khả năng cạnh tranh.

Chad Bown, một chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đồng ý rằng EU cần rõ ràng hơn về các vấn đề mà họ thực sự đang cố gắng giải quyết. Ông cảnh báo, nếu mục tiêu là mang lại sự đa dạng hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình này đang diễn ra một cách không trật tự với việc các chính phủ trên thế giới đang bơm trợ cấp vào lĩnh vực này.

Chuyên gia Brown cho rằng ưu tiên chính thay vào đó nên là đạt được sự phối hợp tốt hơn với Mỹ khi nghiên cứu và phát triển, cũng như với chế độ kiểm soát xuất khẩu của nước này. EU đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp đơn phương của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Các quan chức EU cho biết đây thực sự là tiền đề và trung tâm của cuộc đối thoại với chính quyền Tổng thống Biden, đề cập tới Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ vào tháng trước tại Brussels, với cam kết thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực nhằm "tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn." Họ cho rằng châu Âu cần phải tăng cường sức nặng của mình trong ngành công nghiệp sản xuất chip toàn cầu, trước nhu cầu ngày càng tăng về sức mạnh xử lý trong một loạt các thiết bị ngày càng mở rộng.

Peter Wennink, Giám đốc điều hành của ASML/Hà Lan, công ty sản xuất các máy in thạch bản tiên tiến nhất được sử dụng trong quá trình sản xuất chip, đồng ý rằng sẽ cần nhiều công suất hơn trên toàn thế giới trong thập kỷ tới và rằng cả Mỹ và EU đều đang thức dậy trước trạng thái "bị bỏ quên" trong lĩnh vực bán dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dang-sau-tham-vong-tro-thanh-khu-san-xuat-chip-hang-dau-the-gioi/729509.vnp