Đằng sau thỏa thuận quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Somalia

Thổ Nhĩ Kỳ và Somalia đã ký Thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng và kinh tế (DECFA) từ đầu tháng 2 năm nay, nhưng mãi tới gần đây, hai bên mới chính thức xác nhận.

Hiện có rất ít thông tin chi tiết về DECFA được hai bên tiết lộ. Phía Somalia chỉ cho biết rằng, DECFA chủ yếu liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ huấn luyện và trang thiết bị cho hải quân nước này. Theo trang mạng Breaking Defense, phát biểu với báo giới, một quan chức của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, với DECFA, Ankara "sẽ hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh hàng hải tương tự như đã thực hiện trong lĩnh vực chống khủng bố trước đây".

Trang mạng The Conversation cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hiện diện tại Somalia vào năm 2011 với tư cách là một đối tác hỗ trợ nhân đạo và nhanh chóng trở thành một đối tác chiến lược trong bối cảnh quốc gia tại vùng Sừng châu Phi (theo Reuters, gồm Djibouti, Eritrea, Ethiopia và Somalia) lúc bấy giờ đang chìm trong nội chiến dai dẳng. Kể từ đó đến nay, sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Somalia chủ yếu về kinh tế và cơ sở hạ tầng, đồng thời ngày càng chú trọng tới lĩnh vực quân sự. Các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm góp phần đưa Somalia "quay trở lại với cộng đồng quốc tế" đã được chứng minh là thành công. Với việc Mogadishu mở cửa trở lại sân bay và cảng biển vào năm 2014, do các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quản lý, tình hình kinh tế tại Somalia được đánh giá đã có những bước cải thiện đáng kể so với thập niên trước đó.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đối tác như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ đã tham gia huấn luyện cho quân đội Somalia. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức mở một căn cứ quân sự tại thủ đô Mogadishu của Somalia, đóng vai trò là tiền đồn quân sự của Ankara tại khu vực. "Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là tạo dựng uy tín quốc tế, xây dựng hình ảnh là một cường quốc Hồi giáo tầm trung thiện chí, đồng thời kiểm tra khả năng can dự trong các kịch bản xung đột và hậu xung đột cũng như tăng cường đa dạng hóa thị trường vào Đông Phi", The Conversation nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler (bên phải) và người đồng cấp Somalia Abdulkadir Mohamed Nur tại lễ ký DECFA ở Ankara hồi đầu tháng 2-2024. Ảnh: Getty Images

Sự tồn tại của nhóm Hồi giáo cực đoan al-Shabab có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda được xem là lý do đầy thuyết phục để Thổ Nhĩ Kỳ xác định phải tăng cường hỗ trợ quân sự cho Somalia, trong đó DECFA là một minh chứng cụ thể. The Conversation cho rằng, còn một lý do khác phải kể đến là Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ "các khoản đầu tư về kinh tế và chính trị" của nước này tại Somalia.

Giáo sư Ali Bakir tại Đại học Qatar (Doha, Qatar), đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương-một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ) đánh giá, DECFA là một cột mốc trong hơn một thập niên Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại Somalia. "Vào thời điểm Somalia còn là quốc gia bị lãng quên, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào các nỗ lực xây dựng đất nước, bảo đảm an ninh, hỗ trợ nhân đạo, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế và quân sự. DECFA nhằm bảo vệ lợi ích của đôi bên, xác lập vị trí của Ankara như là một chủ thể quan trọng trong môi trường chiến lược tại Biển Đỏ và vùng Sừng châu Phi trong thời gian tới. Không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở một căn cứ hải quân tại Somalia trong tương lai vì hồi năm 2017, Ankara đã mở căn cứ huấn luyện quân sự ở nước ngoài đầu tiên của mình tại Somalia", Breaking Defense dẫn lời Giáo sư Bakir.

Trong khi đó, ông Norman Ricklefs, người đứng đầu hãng tư vấn NAMEA Group có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định, thông qua DECFA, Ankara sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng với Somalia. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời củng cố sự hiện diện quân sự của Ankara tại hai khu vực chiến lược là vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ. Nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít quốc gia Trung Đông có năng lực đóng các tàu quân sự nội địa cũng như trang bị vũ khí cho các tàu này, nhà phân tích Andrea Krieg, Giám đốc điều hành hãng tư vấn MENA Analytica có trụ sở tại Anh chuyên về khu vực Trung Đông cho rằng, DECFA sẽ làm gia tăng khả năng Somalia mua sắm các phương tiện hải quân do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. "Đằng sau thỏa thuận với Somalia còn là vấn đề liên quan tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong hơn một năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác lập được vị trí là một thành viên NATO hoạt động hiệu quả tại châu Phi nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực từ việc Pháp thu hẹp sự hiện diện quân sự tại châu lục này. Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh rằng luôn sẵn sàng gánh vác trọng trách an ninh mà các thành viên NATO khác từ chối", The Conversation nhận định.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/dang-sau-thoa-thuan-quoc-phong-cua-tho-nhi-ky-voi-somalia-768223