Đằng sau tục hun khói thi thể của người Kuku Kuku

Người yếu bóng vía mà lại lỡ bước lạc vào vùng đất của tộc Kuku Kuku tại Papua New Guinea (châu Đại Dương) thể nào cũng... chết ngất. Đến vùng đất này, ngay trước mặt đã là nghĩa địa lộ thiên. Những xác ướp hun khói khô quắt, phủ đất sét, đất son đỏ chót trừng trừng nhìn xuống bằng hốc mắt trống hoác. Mỗi khuôn mặt là một biểu hiện đáng sợ sống động. Và nếu tìm hiểu sâu vào 'nghệ thuật hun khói xác chết', bạn sẽ... mất ngủ cả đêm.

Aseki, vùng đất hoang vu nổi tiếng khắp thế giới nhờ xác hun khói

Aseki, vùng đất hoang vu nổi tiếng khắp thế giới nhờ xác hun khói

Nghĩa địa lộ thiên

Người Kuku Kuku tuy sử dụng hình thức thiên táng, nhưng lại theo một tập tục khác hẳn. Đó là hun khói xác chết đến khi khô quắt, sau đó xếp lên giỏ cây hoặc giàn giáo đặt trên sườn núi. Chỉ cần ghé Aseki, một vùng cao của Papua New Guinea, bạn sẽ được “tận mục sở thị” loại hình thiên táng “độc nhất vô nhị” này.

Các thi thể được đặt ở 2 tư thế ngồi thõng chân hoặc cuộn tròn như thai nhi trong lòng mẹ. Tất cả đều được phủ một lớp đất sét, đất son đỏ chót. Một số thi thể vẫn còn tóc và móng tay. Một số khác lại phô cặp hàm răng há hoác và đôi nhãn cầu lòi khỏi hốc mắt. Trên giàn giáo tại Aseki còn một cặp xác hun khói mẹ con. Người mẹ ôm chặt lấy đứa trẻ ở trước ngực.

Có tổng cộng 14 xác hun khói ở Aseki. Rất khó để tiếp cận khu mai táng lộ thiên này, vì nó được “gắn” trên vách núi cao ngất. Muốn đến tận nơi, bạn phải luồn lách trong rừng, vượt qua những con dốc cao và cực kỳ trơn trượt.

Xét nguồn gốc hình thức hun khói xác chết, có nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Tuy nhiên, tư liệu cho rằng, tục hun khói xác chết đã có từ xa xưa. Nó được người Kuku Kuku “cha truyền con nối” trong suốt nhiều thế kỷ.

Thỉnh thoảng, xác hun khói được khiêng xuống làng mở hội

Chỉ nhân vật đáng kính mới được hun khói

Kiểm tra niên đại các xác hun khói ở Morobe, người ta phát hiện vài xác được hun từ 200 năm trước. Rất có thể, tục lệ mai táng lộ thiên này đã được thực hành từ lâu. Đôi khi, trong các dịp tổ chức lễ hội đặc biệt, người Kuku Kuku cũng gỡ các xác hun khói khỏi giàn giáo hoặc giỏ tre. Họ sắp xếp một nhóm người khiêng chúng xuống khu dân cư, diễu hành. Song ngay khi vừa kết thúc sự kiện là liền đưa về vị trí cũ.

Kỳ thực, không phải người Kuku Kuku nào qua đời cũng được hun khói. Tuy nổi tiếng với tục lệ mai táng lộ thiên, bộ lạc này chủ yếu địa táng. Chỉ trong trường hợp người nằm xuống là nhân vật được trọng vọng, họ mới tiến hành nghi thức hun khói. Ngoại trừ bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn, người Kuku Kuku còn giao cho các “xác ướp hun khói” một nhiệm vụ trọng đại: Canh giữ làng. Họ gọi chúng là “các chiến binh bảo vệ”.

Tất cả các xác hun khói đều được đặt trên vách đá cao, tại vị trí có thể bao quát “tứ phương tám hướng”. Không người Kuku Kuku nào lại tỏ ra sợ hãi các “chiến binh bảo vệ” này. Họ luôn ngẩng đầu lên, mặt đối mặt với xác ướp lộ thiên, thoải mái trò chuyện như thể với người còn sống.

Vào năm 2008, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Bắc Mỹ đã tới Papua New Guinea. Họ chung tay “gia cố” cho xác hun khói của Moimango, người qua đời vào thập niên 1950. Thay vì sử dụng các vật liệu hóa học để “phục dựng” Moimango, các nhà “sửa xác” chỉ dùng vài thực vật bản địa.

Đầu tiên, họ lột vỏ cây tapa, ốp lưng cho Moimango, giữ cho “ông” thẳng người dậy. Sau đó sắp xếp lại các mảnh xương mặt, lấy nhựa cây làm keo nối liền các khớp, nâng mặt Moimango lên. Kế tiếp đem suca (một chất tẩy trắng có sẵn trong tự nhiên) chà sạch rêu mốc mọc trên tứ chi.

Quay qua quay lại, Moimango đã “y như mới”. Con trai của ông tỏ ra vô cùng biết ơn. Kể từ lúc này, anh lại có thể nhìn thẳng vào mặt cha mà chuyện trò, tâm sự.

Người Kuku Kuku tin chỉ cần mặt đối mặt là có thể trò chuyện với xác hun khói

Tiến trình hun khói

Trước khi tiến hành hun khói xác ướp, người Kuku Kuku dùng dao rạch một số đường ở đầu gối, khuỷu tay, bàn chân và thi thể. Họ cẩn thận hứng không để một giọt máu nào rơi xuống đất. Theo tín ngưỡng Kuku Kuku, máu chứa sức mạnh và sự may mắn. Khi một người tạ thế, sức mạnh và sự may mắn của họ vẫn lưu lại trong máu.

Kế tiếp, người ta lột lòng bàn chân và bàn tay xác chết, trao cho vợ (hoặc chồng) của người từ trần. Người ở lại sẽ giữ chúng như kỷ vật tưởng niệm. Sau đó là khâu mắt, miệng và hậu môn. Việc làm này nhằm giảm thiểu khả năng bị không khí bên ngoài chui vào, gây thối rữa sớm. Xong xuôi thì đặt thi thể trên miệng một chảo lửa, bắt đầu đốt.

Người Kuku Kuku trông chừng quá trình hun khói rất cẩn thận. Không chỉ máu và mỡ, mà tất cả các bộ phận của xác hun khói đều không được phép chạm đất. Nếu chạm sẽ mang lại xui xẻo cho bộ tộc. Phải mất vài tháng (thường thì là 3 tháng), một thi thể mới được hun khói đến khô.

Khâu cuối cùng là phủ đất sét và đất son. Chúng vừa có tác dụng bảo quản, lại vừa khiến xác hun khói trông dữ tợn hơn. Xác hun khói là chiến binh bảo vệ làng. Vẻ ngoài đáng sợ là lời cảnh báo, răn đe trước những kẻ nhăm nhe muốn xông vào cướp bóc.

Kuku Kuku (còn gọi là Angu hay Anga hoặc Toulambi) là một tộc người sống ở vùng đồi núi phía Nam miền Tây cao nguyên Morobe, Papua New Guinea. Họ nổi tiếng thấp bé nhẹ cân, thường cao không tới 1,5m, nhưng khá bạo lực.

Văn hóa Kuku Kuku bình thường hóa quan hệ đồng giới trước hôn nhân. Trước khi các nam thiếu niên bước lên nấc thang trưởng thành, họ đều là đối tượng tán tỉnh của cánh đàn ông trong bộ tộc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/dang-sau-tuc-hun-khoi-thi-the-cua-nguoi-kuku-kuku-4049503-b.html