Đằng sau việc 70.000 người Nhật biểu tình chống quân đội Mỹ

Cuộc biểu tình khổng lồ là sự thất vọng của người dân xứ sở hoa anh đào trước việc quân đội Mỹ đồn trú tại đất nước mặt trời mọc...

Người dân Nhật Bản biểu tình quy mô lớn chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đất nước mặt trời mọc

Japan Times đưa tin, ngày 11/8 tại Okinawa, Nhật Bản, đã diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của 70.000 cư dân trên hòn đảo này phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Sự bất mãn của người dân Okinawa bị đẩy lên cao, sau khi chính quyền địa phương chính thức thông báo sẽ di chuyển một phần căn cứ không quân Futenma của Mỹ hiện nay đến một địa điểm khác trên đảo Okinawa.

Trước khi bắt đầu cuộc biểu tình, người dân đã dành một phút tưởng niệm cố Thị trưởng Tekashi Onaga, người mới qua đời hôm 8/8. Ông Onaga là người khởi xướng và kêu gọi người dân đấu tranh cho việc rút hết quân Mỹ khỏi Okinawa.

Người dân biểu tình ở Okinawa

Những người biểu tình cho rằng khu vực mà chính quyền Okinawa cấp phép xây dựng căn cứ không quân của Mỹ nằm trên khu vực vịnh có các dải san hô và nhiều loài động vật biển quý hiếm.

Mặt khác, người dân đảo Okinawa cũng không muốn có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây nữa, sau khi xảy ra quá nhiều các vụ bê bối giữa binh sĩ Mỹ với người dân địa phương.

Bất chấp sự phản đối của người dân, chính quyền vẫn cho tiến hành xây dựng các con đập ngăn nước hồi tháng 4/2017 và lên kế hoạch chính thức khởi công xây dựng vào ngày 17/8/2018.

Theo thông báo của chính quyền, quyết định di chuyển sân bay của căn cứ quân sự Mỹ là do đường băng hiện nay nằm trong khu vực đông dân cư, nên bất cứ sự cố nào xảy ra cũng đe dọa tính mạng nhiều người.

Còn nhớ ngày 11/6/2017, tại khu vực sân bay quân sự của căn cứ Mỹ ở Okinawa, chiếc tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ bị trục trặc kỹ thuật, đã rơi xuống phía nam thành phố Naha.

Tháng 1/2018, một chiếc trực thăng chở binh sĩ Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp cách một chung cư chỉ khoảng 100 m do gặp sự cố. Đầu tháng 8/2018, một học sinh bị thương sau khi một thiết bị từ trực thăng CH-53 rơi trúng lúc đang tập thể dục.

Sau một loạt sự cố nguy hiểm như vậy, chính quyền tỉnh Okinawa đã yêu cầu quân đội Mỹ không triển khai thêm các chuyến bay quân sự nào khác trên hòn đảo này cho tới hết năm 2018.

Cuối tháng 6/2018, tại khu vực quy hoạch xây dựng sân bay mới của căn cứ Mỹ, đã nổ ra biểu tình. Khi đó người dân địa phương đã sử dụng nhiều băng rôn với những khẩu hiệu chứa thông điệp phản đối.

Nay khi việc di dời một phần căn cứ không quân Futenma đến địa điểm mới đã trở thành hiện thực, khiến người dân càng thất vọng hơn. Vì vậy họ đã tổ chức biểu tình với quy mô lớn hơn chưa từng có và yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Okinawa.

Căn cứ Mỹ ở Okinawa

Trong khi căn cứ quân sự ở Okinawa là căn cứ lớn của Mỹ ở Đông Bắc Á, số lượng binh sĩ đồn trú ở đây chiếm tới 75% quân số binh sĩ Mỹ đóng tại Nhật Bản. Vì vậy, thông điệp từ Okinawa ảnh hưởng rất lớn tới việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Thấy gì từ việc người dân Nhật Bản biểu tình quy mô lớn chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ?

Giới phân tích cho rằng, quy mô cuộc biểu tình lên tới 70.000 tham gia - tăng gấp 4, 5 lần so với các cuộc biểu tình trước - thì vấn đề không chỉ là sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa gây bất bình nữa.

Mà cuộc biểu tình khổng lồ có thể được nhận diện là sự thất vọng của người dân xứ sở hoa anh đào trước việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản không đáp ứng được nhiệm vụ của mình và sự lệch pha trong quan hệ Mỹ-Nhật.

Thứ nhất, hiện nay Washington chủ yếu dùng uy lực trong quan hệ đối ngoại thay cho uy tín, từ đó tạo ra những sức ép và hiệu ứng bất lợi cho đồng minh, mà Nhật Bản là một trong những đồng minh chịu nhiều thiệt thòi.

Đây được cho là căn nguyên tâm lý người dân Nhật không muốn nhìn thấy quân đội Mỹ hiện diện trên đất nước mình. Bởi càng ngày lợi ích của Nhật phải đánh đổi cho lợi ích trong ngoại giao nước lớn của Mỹ càng lớn tới mức bất hợp lý.

Thứ hai, sự hiện diện của quân đội Mỹ được cho là một sự ngăn cản khát vọng hòa bình của người dân ở khu vực Đông Bắc Á, khi đối thoại liên Triều đã mở ra cơ hội kết thúc tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Việc hiện diện của quân đội Mỹ sẽ biến đất nước mặt trời mọc thành tâm điểm chiến lược công - thủ của Mỹ tại Đông Bắc Á và khi đó ngòi lửa chiến tranh sẽ chuyển từ xứ Bắc Hàn sang xứ sở hoa anh đào.

Thứ ba, sự hiện diện của quân đội Mỹ không thể giúp bảo vệ an ninh cho đất nước Nhật Bản và người dân xứ sở hoa anh đào. Bởi khi Triều Tiên phóng tên lửa ngang qua lãnh thổ Nhật Bản nhưng thể bị đánh chặn.

Dù tên lưảTriều Tiên không bị đánh chặn có nhiều lý do, có thể cả lý do chiến thuật, song rõ ràng trong trường hợp này người dân Nhật Bản không thể an tâm với sự bảo trợ an ninh của Mỹ và càng không thể chấp nhận thử nghiệm cho chiến thuật Mỹ.

Tên lửa Triều Tiên phóng ngang qua Nhật Bản

Thứ tư, khi nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho người dân và đất nước Nhật Bản không hoàn thành hay không được thực thi, thì việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản chỉ còn là công cụ kiềm chế đồng minh của Washington.

Với người dân Nhật Bản thì đây là công cụ kiềm chế quyền tự quyết dân tộc và với họ sau hơn 70 năm chiến tranh lùi xa, ước vọng hòa bình đã trở thành lẽ sống của họ thì đã đến lúc họ phải được quyền tự quyết cho tương lai dân tộc mình.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dang-sau-viec-70000-nguoi-nhat-bieu-tinh-chong-quan-doi-my-3363557/