Đằng sau việc QUAD hủy họp thượng đỉnh

Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia nhóm QUAD đã phải hủy vào giờ chót do Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể đến dự. Có nhiều ý kiến bàn tán xung quanh sự kiện này, nhất là những ý kiến liên quan đến Trung Quốc trong mối quan hệ song phương với từng quốc gia thành viên nhóm.

Hội nghị nhóm QUAD dự kiến sẽ diễn ra ngày 24/5 tới, vài ngày sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao G7 tại Nhật Bản. Theo thông báo từ Chính phủ Australia, thay cho hội nghị tại Australia, lãnh đạo 4 quốc gia QUAD sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị G7 theo phương thức không chính thức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vướng vào những vấn đề nội bộ của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vướng vào những vấn đề nội bộ của nước Mỹ.

Theo giới quan sát, nguyên nhân trực tiếp của việc ông Biden hủy chuyến công du dự Hội nghị QUAD có liên quan đến tình hình khủng hoảng nợ công của nước Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/5 tiếp tục cảnh báo Mỹ có thể sẽ hết tiền sau ngày 1/6, điều này sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ mà các nhà kinh tế cho rằng có thể sẽ gây ra thảm họa. Hậu quả của việc vỡ nợ là các quan chức ước tính hơn 8 triệu người có thể mất việc làm. Hàng triệu người thụ hưởng an sinh xã hội, cựu chiến binh và gia đình quân nhân có thể mất các khoản thanh toán hằng tháng.

Các dịch vụ quan trọng của liên bang bao gồm kiểm soát không lưu và biên giới có thể bị gián đoạn nếu người làm việc không thể nhận được tiền lương của chính phủ. Ilhan Omar, một nữ dân biểu đảng Dân chủ ở bang Minnesota, nói với tờ The Guardian của Anh: “Vỡ nợ sẽ khiến nhiều gia đình Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế. Nó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế không chỉ ở Mỹ mà cả trên phạm vị toàn cầu”.

Một giải pháp như thường lệ đó là Tổng thống và Quốc hội Mỹ cùng nhau thống nhất việc tăng trần nợ công để chính phủ tiếp tục vay tiền bỏ vào ngân khố quốc gia. Vì thế, Tổng thống Biden buộc phải tổ chức một vòng đàm phán mới với các lãnh đạo Quốc hội tại Nhà Trắng trong nỗ lực phá thế bế tắc. Đã có những tín hiệu lạc quan thận trọng từ cả hai bên sau vòng đàm phán. Và ông Biden vấp phải sự chỉ trích từ phe cánh tả trong đảng Dân chủ về những nhượng bộ của ông đối với đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện trong nhiều tháng qua đã yêu cầu rằng bất kỳ sự gia tăng nào đối với trần nợ công đều phải gắn với cắt giảm chi tiêu. Tháng 4/2023, Hạ viện Mỹ suýt thông qua dự luật nâng trần nợ công gắn với cắt giảm chi tiêu gần 14% trong 10 năm.

Việc ông Biden hủy chuyến công du dự Hội nghị QUAD khiến kẻ buồn người vui. Người buồn nhất không phải Australia hay các thành viên nhóm QUAD, mà lại là Papua New Guinea - quốc gia nhỏ nằm góc cuối Đông Nam Á sát với Australia. Chuyến thăm được mong đợi từ nhiều tháng như một sự kiện lịch sử trong quan hệ quốc tế của Papua New Guinea. Ông Biden dự kiến sẽ thăm Papua New Guenea vào ngày 22/5, ngay sau khi dự Hội nghị G7, nhưng phải hủy để tập trung cho các cuộc họp làm việc với Quốc hội Mỹ về vấn đề trần nợ công.

Thông tin về việc ông Biden hủy chuyến thăm đã gây nên bầu không khí thất vọng tràn ngập Papua New Guenea. 2 thỏa thuận an ninh về hợp tác quốc phòng và giám sát hàng hải dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Biden. Tuy nhiên, các nhóm đối lập đã đưa ra quan ngại rằng Papua New Guenea sẽ bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc nếu nước này ký hiệp ước an ninh với Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc có lẽ là bên hưởng lợi lớn nhất từ quyết định rút khỏi chuyến đi của ông Biden tới Australia và Papua New Guinea khiến Hội nghị thượng đỉnh QUAD ở Sydney buộc phải hủy. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi những vấn đề khủng hoảng trong nước ngày càng nghiêm trọng và là một đối tác không đáng tin cậy, nhanh chóng rời bỏ các đồng minh. Một số ý kiến còn bình luận rằng vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn đối với vị thế của Mỹ trong khu vực, bởi chuyến thăm theo kế hoạch của ông Biden tới Papua New Guenea đã được xem là một tuyên bố rõ ràng về cam kết của ông đối với khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng với Trung Quốc.

Vẫn còn quá sớm để đi đến bất kỳ kết luận nào về tương lai của nhóm QUAD - một kênh phối hợp quan trọng giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ, đã được nâng lên thành các cuộc đàm phán cấp lãnh đạo trong vài năm qua. Tuy nhiên, do QUAD một phần nhằm gửi tín hiệu về sự thống nhất về mục đích vào thời điểm Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh, trở thành thách thức lớn trong khu vực về nhiều mặt, cho nên ý định đó dường như đã bị thất bại.

Thực ra, trong quá khứ nhóm QUAD cũng từng xảy ra trục trặc, hợp tan. Được gọi với tên chính thức là Nhóm đối thoại an ninh Bộ Tứ (QUAD), mối quan hệ của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia được hình thành trong bối cảnh thế giới ứng phó với trận sóng thần sau lễ Giáng sinh năm 2004. Nhóm chính thức họp lần đầu tiên vào năm 2007 và sau đó đã bị giải tán vào năm 2008. Mặc dù lịch sử của QUAD 1.0 vẫn còn gây tranh cãi, với một số người đổ lỗi cho Chính phủ Australia dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd vì đã rút lui trong nỗ lực nhằm tránh làm Trung Quốc khó chịu, trong khi nhiều người khác cho rằng chính cách tiếp cận chậm chạp của Mỹ dẫn đến sự đổ vỡ nhóm.

Nhóm được hồi sinh tại Hội nghị ASEAN năm 2017 ở cấp bộ trưởng, khi đó ông Malcolm Turnbull là Thủ tướng Australia và ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ. Các cuộc họp tiếp theo đã được tổ chức giữa 4 quốc gia, bao gồm các cuộc họp giữa các quan chức quốc phòng và các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo được tổ chức từ năm 2021. Giới phân tích cho rằng chính nhóm QUAD tạo ra khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thay vì châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa các quốc gia Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/dang-sau-viec-quad-huy-hop-thuong-dinh-i694314/