Đằng sau vụ chồng sát hại vợ ở Pháp

Tội ác của Jonathann Daval gây chấn động cả vùng quê bình yên. Nhưng đó chỉ là phần nổi của nạn bạo lực gia đình tại Pháp - nơi hàng trăm phụ nữ bị chính bạn đời sát hại mỗi năm.

Ngày 21/11, một tòa án ở Pháp đã kết án Jonathann Daval 25 năm tù vì giết và thiêu xác vợ, Alexia. Vụ án xảy ra năm 2017 và đã làm chấn động cả nước Pháp.

Khi nghe bản án dành cho mình, người đàn ông 36 tuổi tỏ ra thản nhiên và quay lại nhìn các thành viên trong gia đình đang có mặt ở phiên tòa. Trước đó, anh ta đã liên tục nói xin lỗi bố mẹ vợ.

Jean-Pierre Fouillot, cha của nạn nhân, quàng tay qua vai vợ, bà Isabelle Fouillot, khi tòa án đưa ra phán quyết. Vài phút sau, bà Isabelle ra ngoài để nói chuyện với các phóng viên như bà vẫn làm trong suốt phiên tòa.

 Jonathann Daval trong một cuộc họp báo sau cái chết của vợ mình vào năm 2017.

Jonathann Daval trong một cuộc họp báo sau cái chết của vợ mình vào năm 2017.

"Đó là một quyết định rất đúng đắn, đúng như những gì tôi đã hy vọng. Chúng tôi đã trải qua nỗi đau tột cùng và điều này sẽ giúp chúng tôi vượt qua để bước tiếp", bà Isabelle nói.

Luật sư bào chữa Ornella Spatafora nói rằng sẽ không có kháng cáo đối với bản án. Bên ngoài tòa án, hàng chục người áp sát vào các rào chắn ngăn lối ra vào để chờ đợi phán quyết của tòa.

"Tội ác gần như hoàn hảo"

Trước đó, các công tố viên đã yêu cầu mức án chung thân với Daval và gọi vụ giết người là "một tội ác gần như hoàn hảo".

Thi thể cháy đen của Alexia, một nhân viên ngân hàng, được phát hiện tại những khu vực gần nhà của cặp vợ chồng ở Grey-la-Ville, miền đông nước Pháp vào tháng 10/2017.

Ban đầu, Daval tuyên bố rằng vợ anh đã mất tích khi chạy bộ. Sau cái chết của vợ, anh ta đã xuất hiện với dáng vẻ gầy gộc, tiều tụy trước báo chí.

Jonathann Daval và gia đình Alexia trong lễ tưởng niệm nạn nhân.

Daval cũng bật khóc và phát biểu trong một sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ cuộc đời Alexia.

Nhưng 3 tháng sau, các công tố viên cho biết Daval đã thú nhận hành vi giết người, thừa nhận đã đánh vợ liên tiếp, bóp cổ và đập đầu cô ấy vào tường bê tông trong một trận cãi vã.

Ban đầu anh ta phủ nhận việc đốt xác Alexia, nhưng cuối cùng cũng thừa nhận điều đó vào tháng 6 năm ngoái.

Daval đã thay đổi lời khai nhiều lần và thậm chí có lúc rút lại lời thú tội, đổ lỗi cho anh rể của mình đã giết Alexia.

Ngày 16/11, khi được thẩm phán hỏi liệu anh ta có thừa nhận "là người duy nhất liên quan đến cái chết" của vợ mình hay không, Daval gần như khóc khi trả lời "có".

Nạn bạo lực gia đình ở Pháp

Tội ác của Jonathann Daval đã gây chấn động Grey-la-Ville - vùng quê bình yên mà cặp vợ chồng từng sinh sống.

Thế nhưng vụ giết người chỉ là phần nổi của nạn bạo lực, lạm dụng, quấy rối tình dục đối với phụ nữ.

Nhà chức trách Pháp cho biết năm 2019, 125.840 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và 146 trường hợp đã bị chính bạn đời hoặc người tình cũ ra tay sát hại. Điều đáng nói là những con số này đã không ngừng tăng trong nhiều năm qua.

Sự thất bại của chính quyền Paris trong việc ngăn chặn khủng hoảng đã khiến người dân nổi giận, chỉ trích sự bất công với nữ giới và kêu gọi một cuộc thảo luận cấp quốc gia về bạo lực gia đình.

Caroline de Haas, một thành viên trong nhóm nữ quyền Nous Toutes, cho rằng thực thi pháp luật là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là thay đổi văn hóa.

Theo bà Haas, sự kỳ thị với nữ giới tại Pháp đã có từ lâu đời. Bộ luật Napoleonic năm 1804 từng tuyên bố rằng phụ nữ thấp kém hơn nam giới và đặt nền tảng cho nhiều điều luật bất bình đẳng giới ra đời sau đó.

"Nó xuất phát từ một lịch sử lâu dài mà ở đó nam giới thống trị," bà Haas nói.

Bản thân ngôn ngữ Pháp cũng là một công cụ thống trị của nam giới, theo thành viên nhóm nữ quyền Nous Toutes. Các quy tắc ngữ pháp ưu tiên danh từ giống đực hơn giống cái.

Isabelle Fouillot, mẹ của Alexia, rời tòa án thành phố Vesoul sau khi Jonathann Daval bị kết án.

Các nhóm nữ quyền đã vận động để thay đổi ngôn ngữ Pháp theo hướng trung tính hơn.

Tuy nhiên Viện hàn lâm Pháp cho rằng điều này sẽ khiến tiếng Pháp rơi vào "nguy kịch" bởi vì nó "tạo ra sự nhầm lẫn, khó đọc".

Ngôn từ được sử dụng trên các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng, theo các nhóm vận động nâng cao nhận thức bạo lực gia đình.

Lea Lejeune, thành viên nhóm nữ nhà báo Prenons La Une, cho rằng khái niệm “crime passionnel" (hay crime of passion) - tội phạm bạo lực, đặc biệt là giết người được hung thủ thực hiện trong lúc giận dữ, không lên kế hoạch trước - đang khiến vấn đề bạo lực giới bị hiểu sai.

“Các nhà báo đã lãng mạn hóa các vụ giết người theo cách: ‘Vì quá yêu nên họ mới giết người’. Các tiêu đề giật gân khiến thông điệp bị hiểu sai”, Lejeune nói.

Trong 2 năm qua, tờ nhật báo Liberation đã tiến hành thống kê các vụ giết người từ tháng 1/2017 trở đi.

Gurvan Kristanadjaja, một thành viên của đội điều tra, cảnh báo các nhà báo sẽ rơi vào bẫy nếu cố biến tấu câu chuyện theo hướng "câu view".

"Trong một số bài báo bạn có thể đọc: 'Anh ta giết vợ mình vì không muốn cô ấy ra đi'. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Một lần nữa, nó biện minh cho tính chiếm hữu", Kristanadjaja nói.

Lê Vy
Ảnh: Getty

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tang-bang-chim-dang-sau-vu-chong-sat-hai-vo-o-phap-post1155664.html